Đây là chương trình thường niên nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (InnovateVN), được khởi xướng bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phối hợp các tập đoàn công nghệ, các đối tác trong nước và quốc tế.
Mục đích của Chương trình hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới, quy trình mới.
Tại lễ phát động, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là chương trình chiến lược để tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới nhằm giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững. Chúng tôi kêu gọi sự hợp tác giữa khu vực công, khu vực tư nhân và các đối tác trong và ngoài nước chung tay hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo vì một Việt Nam thịnh vượngˮ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Lễ phát động Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022. |
Với mong muốn thu hút đầu tư vào Việt Nam theo hướng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị, chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 sẽ tập trung tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó tập trung vào các nội dung, mục tiêu gồm: nâng cao năng lực quản trị của hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng nguồn thu từ mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới và nâng cao năng suất lao động từ quy trình mới, công nghệ mới; tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường liên kết và hiệu quả đối thoại chính sách giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Chương trình cũng tập trung tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào 4 vấn đề.
Đó là: nâng cao năng lực quản trị của hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng nguồn thu từ mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới và nâng cao năng suất lao động từ quy trình mới, công nghệ mới; tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường liên kết và hiệu quả đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Tiến sĩ Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta chia sẻ, sự kiện là minh chứng cho cam kết đồng hành của Meta đối với Chính phủ và các doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. "Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng các giải pháp được đưa ra tại chương trình sẽ là những hạt nhân thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam”, Tiến sĩ Rafael Frankel nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 sẽ kêu gọi các giải pháp và sáng kiến từ các tổ chức, cá nhân tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sau các vòng tuyển chọn, 15 giải pháp xuất sắc nhất sẽ được tham dự buổi Lễ vinh danh Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam vào tháng 4/2023.
Ngoài giải thưởng và quyền lợi với tổng trị giá lên tới 300.000 USD, các giải pháp được lựa chọn sẽ được triển khai thực tế tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đây là hoạt động quan trọng để kiểm chứng tính khả thi và nhân rộng những sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước.
Theo Báo Nhân Dân (NT)