Bắc Giang: Gia tăng hàm lượng văn hóa trong sản phẩm OCOP để tạo sự khác biệt
- Cập nhật: Thứ năm, 10/11/2022 | 9:08:01 PM
Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa có uy tín, thương hiệu, từng bước tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia, ngày 10/11, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP”.
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại hội thảo.
|
Các đồng chí: Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới (NTM) T.Ư, Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT một số tỉnh, TP thành công triển khai sản phẩm OCOP như: Quảng Ninh; Bắc Kạn; Thái Nguyên, Hà Nội. Một số cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp (DN), đại diện các sở, ngành, huyện, TP của tỉnh; các tổ chức kinh tế, chủ thể tham gia chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang.
Gợi mở về phát triển sản phẩm OCOP
Tại hội nghị, đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, đến nay, Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, thực hiện chương trình còn một số khó khăn như: Nguồn lực triển khai chủ yếu là lồng ghép; chủ thể chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Số sản phẩm đăng ký tham gia hằng năm nhiều nhưng đủ điều kiện công nhận ít. Sản phẩm OCOP chủ yếu vẫn là dạng sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao. Vì vậy, tại hội thảo lần này, Bắc Giang mong muốn được lắng nghe ý kiến đóng góp để Chương trình OCOP của tỉnh đạt được hiệu quả cao hơn.
Quang cảnh hội thảo. |
Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đề xuất một số giải pháp phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Đại diện Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên cho biết, đến nay tỉnh có 129 sản phẩm OCOP. Đạt được kết quả này, tỉnh đã lồng ghép nguồn lực, có chính sách hỗ trợ thiết kế, mẫu mã bao bì sản phẩm, điểm kinh doanh, giới thiệu sản phẩm. Khi sản phẩm được chứng nhận sao, tỉnh thưởng từ 20-40 triệu đồng/sản phẩm để khuyến khích, tạo động lực cho các chủ thể nâng sao. Đặc biệt, tỉnh quan tâm quản lý chất lượng sản phẩm, đây là yếu tố cốt lõi trong xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chánh văn Phòng điều phối NTM TP Hà Nội gợi mở, Hà Nội có khoảng 10 triệu dân nên đây là thị trường tiềm năng để Bắc Giang khai thác tiêu thụ sản phẩm. Bắc Giang có thể kết nối với Hà Nội đưa sản phẩm phân phối vào các hệ thống bán lẻ; tổ chức cho các chủ thể bán hàng trên Tiktok vì Hà Nội đã ký với đơn vị này hướng dẫn người dân bán hàng trực tiếp trên môi trường mạng và cho thấy hiệu quả cao.
Đại diện Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang trao đổi về đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. |
Ngoài ra, nhiều đại biểu chia sẻ về việc đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo để thu hút lực lượng trẻ đầu tư nâng cao sản phẩm OCOP; đề xuất một số cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; nêu cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện chương trình; đào tạo, tập huấn; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong quản lý; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường... cho sản phẩm OCOP.
Chú trọng câu chuyện sản phẩm
Trên cơ sở thảo luận của các đại biểu, đồng chí Phương Đình Anh đánh giá, tổ chức hội thảo của Bắc Giang rất có ý nghĩa, không chỉ là về nâng cao chất lượng sản phẩm mà xung quanh đó còn về chất lượng liên kết; ý tưởng, quá trình xây dựng sản phẩm.
Đồng chí Phương Đình Anh chia sẻ một số kinh nghiệm xây dựng sản phẩm OCOP. |
Chương trình OCOP đã giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, nhưng không chỉ thuần túy về lợi nhuận kinh tế mà còn là gìn giữ bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương, mỗi sản phẩm chứa đựng sự nhân văn sâu sắc. "Trong xây dựng sản phẩm OCOP cần quan tâm câu chuyện sản phẩm. Muốn có những câu chuyện hay, sinh động thì phải có sự đầu tư, chú trọng chế biến, liên kết chứ không chỉ là sản phẩm ở dạng thô, tươi sống. Cách làm này đã rất thành công ở Nhật Bản, chúng ta cần học tập”-đồng chí Phương Đình Anh nói.
Đồng tình với các ý kiến, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, chương trình OCOP là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đây là tiền đề thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn song lại mang đặc trưng rất riêng. Thông qua xây dựng sản phẩm OCOP đã thêm sự gắn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng, thiết thực nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân nông thôn; góp phần xây dựng NTM bền vững.
Đồng chí cho rằng, qua một thời gian phát triển, Bắc Giang có một số kinh nghiệm bước đầu, bài học quý, thông qua hội thảo có thêm kiến thức mới, tự tin hơn thực hiện chương trình thời gian tới.
Đồng chí Lê Ánh Dương cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP. |
Đồng chí khẳng định, Bắc Giang còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm OCOP. Do vậy, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm mở rộng số lượng, cơ cấu sản phẩm. Các huyện, TP nên xây dựng danh mục cụ thể, từ đó có hành động, định hướng rõ ràng để thực hiện.
"Duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP chính là nâng sao cho sản phẩm. Điều này được rất nhiều người quan tâm. Muốn làm điều này, cần khai thác sâu khía cạnh văn hóa của sản phẩm. Khác với công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp có yếu tố văn hóa, yếu tố cộng đồng. Vì vậy, khi gia tăng hàm lượng văn hóa trong sản phẩm sẽ tạo được sự khác biệt của sản phẩm OCOP. Chúng ta phải quan tâm hỗ trợ chủ thể hiểu được điều đó, nâng cao giá trị sản phẩm”-đồng chí Lê Ánh Dương gợi mở.
Điều quan trọng nữa là đi đôi với ứng dụng tiến bộ sản xuất cần quản lý chặt chất lượng. Có sản phẩm tốt, tính toán quảng bá, phát triển, chiếm lĩnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, từ đó vươn ra thị trường lớn hơn. Đồng chí lưu ý, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu có thể tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang nhằm hút khách, kết nối đưa sản phẩm đến các kênh phân phối ở khu công nghiệp, khu du lịch, điểm dừng nghỉ, chú trọng kênh bán hàng thương mại điện tử.
Các tin khác

Từ ngày 15/4/2025, Nghị quyết số 27/2025/NQ-HĐND ngày 3/4/2025 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hiệu lực thi hành.

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.