Nhân ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và PTNT 14/11: Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng giá trị cây ăn quả
- Cập nhật: Thứ hai, 14/11/2022 | 11:21:38 AM
Để phát triển bền vững, ổn định diện tích cây ăn quả, những năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT quan tâm hướng dẫn người dân đa dạng các loại cây trồng, áp dụng biện pháp kỹ thuật để rải vụ thu hoạch. Qua đó giúp nông dân có sản phẩm thu hoạch quanh năm, tránh tình trạng “được mùa rớt giá, được giá hết mùa”.
![]() |
Nông dân xã Thanh Hải (Lục Ngạn) thu hoạch bưởi.
|
Đa dạng cây trồng
Xã Tân Quang (Lục Ngạn) trước đây có hàng chục hộ thu nhập tiền tỷ từ cây vải thiều và cam ngọt mỗi năm. Thời ấy, dù có nguồn thu lớn từ cây ăn quả song Tân Quang chỉ thực sự nhộn nhịp thu hoạch sản phẩm vào tháng 6 và 7, mùa cam tháng 12 năm trước và tháng 1 năm sau.
Cán bộ xã Tân Quang (Lục Ngạn) kiểm tra vườn cam của hộ dân trước khi thu hoạch. |
Giờ đã khác, người dân trong xã có trái cây bán quanh năm, nguồn thu không dồn vào cùng lúc. Theo ông Hoàng Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang, trước đây trên diện tích gần 900 ha, bà con chỉ trồng vải thiều (vải chính vụ) và cam ngọt.
Do sản lượng lớn, thu hoạch trong thời gian ngắn nên các hộ chịu áp lực lớn trong khâu tiêu thụ, tình trạng "được mùa rớt giá” vẫn xảy ra. Trước thực tế đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với địa phương nghiên cứu, hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thực hiện rải vụ.
Đối với 484 ha vải thiều, địa phương chuyển một phần diện tích sang trồng vải thiều sớm với các giống như: U hồng, lai Thanh Hà. Trên phần còn lại, ngoài cam ngọt, bà con trồng thêm các loại cây khác như: Cam lòng vàng, V2, cam xoàn, đu đủ, ổi và bưởi (da xanh, đào đường, Hoàng, Phúc Kiến). "Nhờ đa dạng cây trồng nên các hộ có sản phẩm thu hoạch quanh năm.
Trong đó vải thiều thu hoạch từ tháng 5 đến giữa tháng 7, khoảng thời gian còn lại trong năm là mùa thu hoạch của cam, bưởi, táo, ổi, chuối và đu đủ”, ông Hoàng Văn Xuyên nói.
Sản xuất cây ăn quả rải vụ đã giúp nông dân có cơ hội bán các loại nông sản giá cao, ít cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất, cung cấp nông sản liên tục cho thị trường. Ghi nhận tại vùng trồng ổi thuộc các xã: Phúc Hòa, Hợp Đức và thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) cho thấy, thay vì điều chỉnh cơ cấu cây trồng, huyện quan tâm nghiên cứu để cây ổi cho quả quanh năm.
Cụ thể, từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên chủ trì thực hiện đề tài ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất ổi lê Đài Loan 1. Cũng trong thời gian này, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật, nông nghiệp huyện nghiên cứu rải vụ đối với cây ổi. Hiện nông dân trên địa bàn điều tiết để có sản phẩm bán từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Chị Vi Thị Phương, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa nói: "Trước đây, gia đình chỉ có ổi bán từ tháng 4 đến tháng 6 nhưng nay vườn ổi cho thu quanh năm, tập trung nhiều từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Với 3 mẫu vườn, thời điểm này, gia đình tôi thu khoảng 20 tấn/tháng, giá bán ổn định 22 nghìn đồng/kg, cao hơn 4 lần so với các hộ bán chính vụ”.
Phấn đấu thu 10 nghìn tỷ đồng từ cây ăn quả
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, với hơn 51 nghìn ha cây ăn quả, trong đó vải thiều, có khoảng 28,3 nghìn ha), còn lại là những cây trồng có tiềm năng phát triển và mang lại giá trị cao như: Cam, bưởi, nhãn, na, táo, ổi... Những năm gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu, thực hiện rải vụ đối với cây ăn quả, nông dân trong tỉnh có sản phẩm thu hoạch quanh năm.
Doanh thu từ cây ăn quả luôn ổn định, đạt hơn 8,5 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 52,5% giá trị ngành trồng trọt. Mặc dù vậy, vào cao điểm thu hoạch, giá các loại trái cây lên xuống thất thường khiến nhiều hộ dân thu nhập không ổn định. Các đối tác xuất khẩu lại yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng nên có lúc nông dân chịu áp lực về tiêu thụ quả tươi.
"Nhờ chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới nên hai năm gần đây vải thiều, cây có múi của huyện Lục Ngạn vẫn tiêu thụ thuận lợi trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch Covid. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, giá thu mua thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân”, ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nói.
Bắc Giang có hơn 51 nghìn ha cây ăn quả, trong đó có 28,3 nghìn ha vải thiều, còn lại là các loại cây khác như: Cây có múi (11 nghìn ha), nhãn (hơn 3,3 nghìn ha), na (hơn 2,1 nghìn ha), ổi (870 ha)... Đến nay, toàn tỉnh có 15,4 nghìn ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 82 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP; diện tích cây có múi sản xuất theo hướng an toàn là hơn 7,7 nghìn ha...; doanh thu từ cây ăn quả hằng năm đạt khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng. |
Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu cùng kinh nghiệm, trình độ canh tác của người dân, Bắc Giang đang khẳng định là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển cây ăn quả.
Đồng hành cùng nông dân, tỉnh, các sở, ngành, địa phương có nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác lập quy hoạch, kế hoạch đến xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, sơ chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm…
Điển hình là đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, giá trị cây ăn quả của tỉnh đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng và nằm trong tốp 3 tỉnh có giá trị cây ăn quả lớn nhất toàn quốc; phát triển vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn thành vùng trọng điểm cấp quốc gia...
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Ngành sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất đúng theo quy hoạch cũng như tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; kiểm soát chặt chẽ công tác chuyển đổi cơ cấu giống, tránh phát triển và mở rộng ồ ạt diện tích cây ăn quả dẫn đến dư thừa, giảm hiệu quả sản xuất.
Tiếp tục quan tâm đưa những giống có năng suất cao, phù hợp với điều kiện của địa phương vào trồng, trong đó ưu tiên giống chín sớm, chín muộn nhằm rải vụ thu hoạch”.
Theo Báo Bắc Giang(NT)
Các tin khác

Từ ngày 15/4/2025, Nghị quyết số 27/2025/NQ-HĐND ngày 3/4/2025 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hiệu lực thi hành.

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.