Đổi thay nhờ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất
- Cập nhật: Thứ ba, 22/11/2022 | 4:29:07 PM
Nhằm khai thác lợi thế về đất đai, nâng cao thu nhập người dân, những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực.
Từ khi chuyển sang trồng bưởi Diễn, gia đình ông Phương Văn Sạch (phải), thôn Trại Ổi, xã Trường Sơn (Lục Nam) có thu nhập ổn định.
|
Năng động phát triển kinh tế
Là xã đặc biệt khó khăn, trước đây đời sống đồng bào các DTTS ở xã Trường Sơn (Lục Nam) chỉ dựa vào trồng lúa, ngô trên diện tích đất nông nghiệp và trồng rừng. Tuy nhiên do phần lớn diện tích phụ thuộc vào nước trời, trình độ canh tác lạc hậu, đầu tư ít nên hiệu quả kinh tế không cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã cao (hơn 50% dân số).
Để tạo "cú hích” phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc trong xã, tỉnh, huyện dành nhiều nguồn lực, triển khai các mô hình phát triển kinh tế gắn với lợi thế địa phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư, Ban Dân tộc tỉnh triển khai dự án phát triển cây ăn quả trên địa bàn xã, qua đó tạo đà cho địa phương phát triển nhiều loại cây có giá trị cao.
Đến nay, trên địa bàn xã có 112,5 ha bưởi các loại; 145 ha vải thiều; 8,8 ha hồng xiêm cùng nhiều loại cây khác. Nhờ chuyển đổi, phát triển cây ăn quả, các hộ có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá. Điển hình như hộ gia đình ông Phương Văn Sạch, dân tộc Tày, thôn Trại Ổi. Trước đây, trên diện tích 7 sào đất vườn, gia đình ông trồng bạch đàn, ngô, sắn nên thu nhập không ổn định, nhiều thời điểm thiếu ăn.
Gần 10 năm trước, được cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, ông chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng bưởi Diễn. Hiện trung bình mỗi năm, gia đình thu 6-7 nghìn quả, với giá bán bình quân 10-15 nghìn đồng/quả, gia đình ông thu về 70-100 triệu đồng/năm.
Ông Đinh Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn nói: "Từ các mô hình hỗ trợ, đến nay xã đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các thôn, giá trị trên đơn vị diện tích đất cũng tăng. Nhờ đó đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 41,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 7,68%. Đây là tiền đề để xã về đích nông thôn mới vào cuối năm nay và ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn”.
Giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh triển khai 63 chính sách của T.Ư, tỉnh với tổng nguồn lực gần 10 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển KT-XH, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội vùng DTTS và miền núi. |
Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh triển khai 63 chính sách của T.Ư, tỉnh với tổng nguồn lực gần 10 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển KT-XH, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội vùng DTTS và miền núi.
Các chính sách đã có tác động mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa sâu, rộng, chuyển biến tích cực đến đời sống của đồng bào DTTS. Tại xã Cẩm Đàn (Sơn Động), từ các mô hình, chính sách hỗ trợ, đồng bào DTTS đã tìm được hướng phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao, ổn định. Điển hình, từ 2 ha trồng bơ theo dự án trồng thử của Bộ Khoa học và Công nghệ (năm 2019), đến nay toàn xã đã trồng được gần 10 ha.
Theo tính toán, bơ sẽ cho hoạch từ năm thứ 3 trở đi và ổn định từ năm thứ 6. Với giá bán bình quân 20 nghìn đồng/kg, người trồng bơ sẽ thu về khoảng 400 triệu đồng/ha/năm. Hay như mới đây, từ mô hình hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình ông Nguyễn Văn Long, dân tộc Tày, thôn Rộc Nẩy (xã Cẩm Đàn) tiên phong chuyển 1 ha bạch đàn sang trồng 500 cây mắc ca.
"Khi có thông tin về dự án, tôi không ngần ngại nhận tham gia bởi hy vọng sẽ khởi đầu cho phong trào làm giàu từ cây mắc ca trên địa bàn huyện. Sau 2 năm trồng, một số cây đã ra hoa, đậu quả cho thấy cây trồng này hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây”, ông Nguyễn Văn Long nói.
Đa dạng sinh kế
Theo đánh giá, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH, giảm nghèo, vùng DTTS và miền núi của tỉnh có sự tăng trưởng và phát triển mạnh, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Yên Thế tăng bình quân 17%/năm, Sơn Động 13%, Lục Nam hơn 10%, Lục Ngạn hơn 8,5%...
Thu nhập bình quân của hộ DTTS khoảng 65 triệu đồng/hộ/năm; sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, quy mô lớn, có sự liên kết hình thành chuỗi giá trị với những sản phẩm cho năng suất, chất lượng như: Chè bản Ven, gà đồi Yên Thế, mật ong Sơn Động, vải thiều, Mỳ Chũ Lục Ngạn...
Mặc dù vậy, đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, vẫn là "lõi nghèo” của tỉnh khi tỷ lệ hộ nghèo tại đây cao gấp 2 lần mức bình quân chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS cao gấp 3,75 lần bình quân chung toàn tỉnh; thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS bằng 1/3 bình quân thu nhập của tỉnh.
Để "trợ lực” cho vùng DTTS, trong kế hoạch triển khai chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành hồi tháng 6/2022, UBND tỉnh xác định đa dạng hóa thu hút, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 1-2%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm 3%/năm.
Hiện thực hóa mục tiêu này, giai đoạn 2021-2025, từ các nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư, tỉnh dành gần 110 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hơn 14 nghìn đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Hiện Ban Dân tộc đang hướng dẫn các địa phương lựa chọn, triển khai các mô hình phát triển sản xuất từ nguồn hỗ trợ. Để các mô hình phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa, ngoài nguồn vốn hỗ trợ, các địa phương cần huy động thêm các nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng, tích cực xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả. Đặc biệt, đồng bào cần chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa những cây, con mới giá trị cao vào sản xuất để đa dạng sinh kế”.
Theo Báo Bắc Giang(NT)
Các tin khác
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).