Việc xây dựng thương hiệu, tham gia trưng bày, quảng bá, cập nhật thông tin giao dịch trên sàn thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP trong dịp Tết đến, Xuân về này của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là tín hiệu tích cực về mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Sản phẩm đa dạng, an toàn
Bà Mai Hoàng Lý, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: Từ lâu, đặc sản bánh tét Trà Cuôn đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân Nam Bộ mỗi dịp xuân về. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng có những đòn bánh tét trên bàn thờ để dâng lên tổ tiên. Bánh tét được chế biến từ nguyên liệu nếp sáp, đậu, chuối, thịt mỡ, lá ngót, đậu xanh...
Bánh tét 3 màu của cơ sở bánh tét Hai Lý là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Theo bà Lý, làng nghề bánh tét Trà Cuôn sẽ trở nên nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết. Hằng ngày, cơ sở bánh tét Hai Lý cung ứng ra thị trường từ 300 đến 500 đòn bánh tét với mức giá 60.000 - 120.000 đồng/đòn tùy loại. Sản phẩm bánh tét 3 màu của cơ sở bánh tét Hai Lý với hương vị thơm ngon tự nhiên, không sử dụng phẩm màu, bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 174 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 29 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 144 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh đã xây dựng được thương hiệu gồm bánh pía, bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím... mang lại giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang Cua tại huyện Mỹ Xuyên được công nhận là gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Mới đây, tại Thái Lan, gạo ST24, ST25 tiếp tục được xếp vào tốp 4 loại gạo ngon nhất thế giới năm 2022.
Hướng tới thị trường Tết Quý Mão 2023, nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ra thị trường được triển khai. Sóc Trăng đã tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền năm 2022, với quy mô 430 gian hàng của hơn 320 đơn vị, doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, miền trung - Tây Nguyên...
Theo ghi nhận của chúng tôi, Trung tâm Phân phối sản phẩm OCOP Thiên Lộc tại thành phố Sóc Trăng đang trưng bày hơn 90 sản phẩm OCOP như gạo ST24, ST25, mứt me, mứt mận, rượu cam xoàn...
Ngoài ra, trung tâm còn đưa sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vào giỏ quà với quy cách đóng gói sang trọng để khách hàng lựa chọn. Chị Phạm Thị Công Nghiệp, Cửa hàng trưởng Trung tâm Thiên Lộc thông tin, từ tháng 10/2022, Trung tâm chuẩn bị những hàng hóa là sản phẩm OCOP chất lượng để phục vụ nhu cầu chọn quà Tết của người tiêu dùng. Cửa hàng luôn mong muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng với các sản phẩm ngon và an toàn nhất.
Thương hiệu khô cá lóc Tiến Phương của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là sản phẩm OCOP rất hút khách mỗi dịp xuân về. Trong những ngày này, hơn chục công nhân cơ sở cá khô Tiến Phương tất bật sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Hình ảnh hàng chục nghìn con cá lóc được xẻ và cho "tắm nắng” để sấy khô trông thật bắt mắt.
Cá lóc được phơi ba nắng, đóng gói, bảo quản trong kho lạnh và được đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản Đồng Tháp, cửa hàng quà tặng, hội chợ triển lãm... Anh Nguyễn Tiến Phương, chủ cơ sở cá khô Tiến Phương cho biết, cứ trước Tết hơn 1 tháng, khách hàng đặt mua với số lượng lớn làm quà, cơ sở gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bình thường, cơ sở cá khô Tiến Phương cung ứng ra thị trường 1.000kg khô cá lóc, vào cận Tết nhu cầu của khách hàng tăng lên gấp 3 lần.
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Đồng Tháp là một trong 10 tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước với 269 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa vào hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C, Tứ Sơn, Annam Gourmart Market, cửa hàng bán lẻ Vissan.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 300 sản phẩm của 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lên các sàn thương mại điện tử uy tín như Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Trung tâm giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, Trung tâm giới thiệu ẩm thực, đặc sản, du lịch Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tại Phú Quốc, thành lập hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp với mục tiêu kết nối các doanh nghiệp, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh tại khu vực phía bắc và khách du lịch trong và ngoài nước.
Từ dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đưa các sản phẩm đặc sản, OCOP tiếp cận các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ. Theo đó, các sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao tiêu biểu của tỉnh hiện có đường hoa dừa và mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần; kẹo dừa sáp lá dứa Vicosap, kẹo dừa sáp ca-cao Vicosap của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè..., được thị trường trong nước, quốc tế đón nhận.
Bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết, trước Tết Quý Mão 2023 sản phẩm của công ty được xuất khẩu tới các nước Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản. Hiện tại, công ty hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hàng trăm hộ trồng dừa ở các huyện Tiểu Cần, Càng Long, bảo đảm vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Theo ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, sàn thương mại điện tử Vicosap là nơi phân phối hơn 1.500 sản phẩm gồm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng trong đời sống hằng ngày với hơn 3.000 cộng tác viên.
Công ty có 5 sản phẩm OCOP đạt 4 sao gồm dừa sáp sợi, dừa sáp Bảo Châu, kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp ca-cao. Sàn thương mại điện tử Vicosap hoạt động trên nền tảng website Vicosap.vn và phần mềm (app) mang tên Vicosap. Các hoạt động đăng ký, kinh doanh trên sàn thương mại này hoàn toàn miễn phí; cơ sở kinh doanh có trách nhiệm trả phí cho đội ngũ cộng tác viên bán hàng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 165 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Đồng thời, để phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, tỉnh phối hợp các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thiết kế bao bì, nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử là hoạt động kết nối cung cầu thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững ■
Theo Báo Bắc Giang (NT)