Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại cụm công nghiệp: Nhiều nơi vẫn “bỏ trắng”

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/12/2022 | 11:15:57 AM

Trong tỉnh Bắc Giang hiện có 32 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, song mới có 17 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Việc thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường ở các địa phương.

CCN Non Sáo (Lạng Giang) có nhiều DN hoạt động song chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
CCN Non Sáo (Lạng Giang) có nhiều DN hoạt động song chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Không đạt kế hoạch

Theo Sở Công Thương, hiện nay toàn tỉnh có 32 CCN đang hoạt động, trong đó có 15 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư, còn lại là các doanh nghiệp (DN). Tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch chi tiết gần 774 ha, trong đó đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê gần 450 ha. Tại các CCN có 223 dự án của các nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động với gần 46 nghìn lao động; 25 dự án đang xây dựng. 

Ngành nghề của các DN chủ yếu là: May mặc, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, chế biến gỗ, sản xuất thức ăn chăn nuôi… Đây là những ngành sản xuất có nhiều nước thải, tác động xấu đến môi trường. Thế nhưng trong số các CCN trên, đến nay chỉ có 17 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt hơn 53%, còn lại 15 CCN vẫn "bỏ trắng”. Được biết, năm nay, UBND tỉnh giao chỉ tiêu CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đạt 78,1% trong tổng số các CCN đang hoạt động. Căn cứ vào kết quả thực tế, chỉ tiêu này năm nay không đạt kế hoạch đề ra.

CCN Vôi - Yên Mỹ (Lạng Giang) thành lập từ năm 2011, diện tích hơn 9,6 ha do UBND huyện Lạng Giang làm chủ đầu tư. Tại đây có 9 DN đang sản xuất, kinh doanh với hơn 820 lao động. Mặc dù đã đi vào hoạt động hơn 10 năm song đến nay CCN chưa được đầu tư, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Cũng trên địa bàn huyện Lạng Giang còn có CCN Tân Dĩnh - Phi Mô rộng gần 12 ha do UBND huyện làm chủ đầu tư và CCN Non Sáo, xã Tân Dĩnh quy mô hơn 22 ha; CCN Nghĩa Hòa quy mô gần 45 ha do các DN làm chủ đầu tư thành lập và hoạt động đã nhiều năm nhưng hiện chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cách đây vài năm, Công ty cổ phần Casablanca, CCN Non Sáo bị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 150 triệu đồng do DN này xả nước thải ra môi trường không đạt tiêu chuẩn cho phép. Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, CCN Tân Dĩnh - Phi Mô cũng từng bị cấp có thẩm quyền xử phạt hơn 330 triệu đồng do xả nước thải không đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường.

CCN Non Sáo (Lạng Giang) có nhiều DN hoạt động song chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

CCN Non Sáo (Lạng Giang) có nhiều DN hoạt động song chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Không chỉ tại huyện Lạng Giang, tại huyện Tân Yên, CCN Đồng Đình thành lập hơn chục năm nay, quy mô khoảng 50 ha với 11 DN đang hoạt động có lượng nước xả thải lớn nhưng hiện vẫn chưa được đầu tư, xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Tình trạng các CCN hoạt động nhưng chưa xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung cho các DN thứ cấp còn xảy ra tại CCN làng nghề Vân Hà (Việt Yên); CCN Tân Mỹ (TP Bắc Giang); CCN Đoan Bái (Hiệp Hòa)…

CCN thành lập mới phải có trạm xử lý nước thải

Theo quy định của pháp luật, các CCN trước khi đi vào hoạt động cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các DN thứ cấp bảo đảm tiêu chuẩn trước khi xả thải ra bên ngoài. DN trong CCN phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B tại đơn vị và trước khi xả ra ngoài phải đấu nối với trạm xử lý tập trung trong cụm để đạt tiêu chuẩn loại A. Thế nhưng thời gian qua trong tỉnh vẫn có nhiều CCN "bỏ trắng” hệ thống này nên vẫn còn tình trạng DN xả nước thải ra bên ngoài với nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường.

Sở dĩ có tình trạng trên là do thời gian qua, chủ đầu tư các CCN là UBND huyện, TP, DN chưa quan tâm đúng mức bố trí kinh phí thỏa đáng để xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải. UBND một số huyện chưa chú trọng mời gọi nhà đầu tư tiềm năng thực hiện. Đại diện lãnh đạo UBND các huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa… cho rằng, để xây được công trình xử lý nước thải, mỗi cụm cần đầu tư từ 15-20 tỷ đồng nên các địa phương chưa thể bố trí ngay được. Mặt khác, hiện nay do một số CCN thành lập từ nhiều năm trước, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% nên hiện không còn quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.

Năm nay,  UBND tỉnh giao chỉ tiêu CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đạt 78,1% trong tổng số các CCN đang hoạt động. Căn cứ vào kết quả thực tế, chỉ tiêu này năm nay không đạt kế hoạch đề ra.

Để đẩy mạnh việc xây dựng các công trình hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tại CCN, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng không đánh mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tháng 8 năm ngoái, tại văn bản thông báo kết luận phiên họp giao ban Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, chủ đầu tư hạ tầng CCN, sau khi khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được phép thu hút nhà đầu tư thứ cấp khi bảo đảm hai điều kiện. Đó là chủ đầu tư hạ tầng CCN ký cam kết với nhà đầu tư thứ cấp chỉ được hoạt động sau khi các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của CCN và của dự án nhà đầu tư thứ cấp đã được hoàn thành và nghiệm thu theo đúng quy định. Hệ thống xử lý môi trường của nhà đầu tư thứ cấp được chấp thuận phải có khả năng đấu nối vào hệ thống xử lý môi trường chung của CCN.

Được biết, theo kế hoạch năm 2023 của tỉnh, chỉ tiêu CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 62,9% trong tổng số CCN đang hoạt động. Do đó, cùng với giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng ngành chức năng là Sở Công Thương và các địa phương cần phối hợp tập trung thu hút nhà đầu tư hạ tầng xây dựng các công trình xử lý nước thải tại CCN. Đồng thời, các huyện, TP cần xem xét bố trí quỹ đất, kinh phí thỏa đáng, hợp lý để xây mới một số công trình xử lý nước tại CCN. 

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới Sở tập trung đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng xem xét bố trí quỹ đất, kinh phí thỏa đáng để xây mới một số công trình xử lý nước thải tại CCN. Đối với dự án CCN vướng về mặt bằng, Sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chủ đầu tư các CCN là DN làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo quỹ đất xây dựng công trình bảo vệ môi trường. Những CCN mới thành lập chưa vận hành công trình xử lý nước thải tập trung thì kiên quyết không cho phép nhà đầu tư thứ cấp hoạt động.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm DN, chủ đầu tư hạ tầng các CCN vi phạm về hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

Theo Báo Bắc Giang(NT)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục