Tự động hóa tăng giá trị, hiệu quả sản xuất
- Cập nhật: Thứ hai, 19/12/2022 | 1:53:28 PM
Sử dụng điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet để vận hành, kiểm soát tự động quá trình chăm sóc, phát triển đàn vật nuôi đang trở thành lựa chọn của nhiều doanh nghiệp (DN), hộ gia đình trong tỉnh Bắc Giang. Nhờ thay đổi tư duy, cách làm, nhiều mô hình tự động hóa được hình thành, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Khu nuôi lợn nái tại Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động.
|
Nuôi lợn theo quy trình khép kín, tự động
Dẫn khách tham quan khu vực chăn nuôi, anh Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động, xã Long Sơn (Sơn Động) giới thiệu, trên diện tích 100 ha, DN xây dựng khu nuôi, chăm sóc lợn nái, lợn thương phẩm riêng biệt. Các khu vực này có hệ thống hàng rào bao quanh, có ranh giới tách biệt với khu sinh hoạt của nhân viên cũng như môi trường tự nhiên bên ngoài.
Trò chuyện được biết, Công ty TNHH Chăn nuôi Sơn Động được xây dựng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2017, đến nay luôn duy trì 5 nghìn lợn nái cùng 15 nghìn lợn thịt trong chuồng; trung bình mỗi tháng, DN cung cấp cho thị trường khoảng 430 tấn thịt lợn hơi. Xác định đầu tư công nghệ sẽ góp phần giảm lao động, chi phí phát sinh trong quá trình chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nên ngay từ đầu, DN đã đầu tư đồng bộ hệ thống quạt gió làm mát, đèn chiếu sáng và hệ thống cho ăn tự động. Thức ăn sau khi được phối trộn được đưa vào bồn chứa có kết nối với hệ thống máy tính. Căn cứ độ tuổi của lợn, cán bộ kỹ thuật sẽ cài đặt, lập trình lượng thức ăn cũng như thời gian cấp thức ăn vào các xi lanh để dẫn đến từng máng cho lợn ăn.
Tương tự với 50 cảm biến, nhiệt độ tại các chuồng được tự động điều chỉnh theo nhiệt độ ngoài trời, bảo đảm các khu chuồng nuôi luôn giữ ổn định 22 - 28 độ C. Việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi cũng được thực hiện nhờ hệ thống máy móc hiện đại, mỗi khi các thông số chất thải vượt ngưỡng cho phép, điện thoại của nhân viên kỹ thuật sẽ nhận được cảnh báo, kịp thời điều chỉnh để chất thải bảo đảm theo yêu cầu. Lợn con sẽ được chăm sóc trong môi trường đặc biệt với các lồng nuôi hiện đại, nhiệt độ điều chỉnh theo từng ngày.
"Nhờ ứng dụng công nghệ nên chúng tôi giảm được hơn 20% lao động phổ thông, mọi công đoạn đều được tự động hóa nên hiệu quả chăn nuôi nâng lên. Cụ thể, mỗi lợn nái sinh sản được 35 lợn con/năm, cao hơn mức phổ biến từ 7-9 con/năm; trọng lượng lợn thương phẩm sau 24 tuần tuổi đạt 110 kg/con, cao hơn so với nuôi theo phương thức truyền thống. Do điều tiết lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển nên thịt thơm, ngọt và mềm”, anh Ngô Xuân Trường thông tin.
Một công nhân chăm 15 nghìn con gà
Đến thăm mô hình chăn nuôi gà của Công ty TNHH Kim Tân Minh tại thôn Hương Thịnh, xã Quang Minh (Hiệp Hòa) đúng thời điểm ảnh hưởng bởi không khí lạnh tăng cường. Nhiệt độ ngoài trời xuống thấp song khi bước vào khu vực nuôi gà đẻ trứng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi bên trong khá ấm, nhiệt độ khoảng 25 độ C.
Lý giải về việc này, anh Vũ Đức Thuyên, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty cho biết: "Năm 2020, trên diện tích 4,7 ha, chúng tôi đầu tư 21 tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà đẻ trứng, gà thương phẩm. Điểm nhấn trong quy trình chăn nuôi tại đây là toàn bộ quá trình nuôi được số hóa, điều khiển bằng bảng điện tử tại Trung tâm điều khiển và tích hợp trên smartphone". Nói rồi, anh Thuyên dẫn chứng hệ thống quạt mát, đèn sưởi được kết nối với bộ cảm ứng, tự động tắt, bật tùy theo nhiệt độ ngoài trời; các thiết bị này được kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.
Khu nuôi gà đẻ trứng tại Công ty TNHH Kim Tân Minh. |
Tham quan một vòng khu nuôi gà đẻ trứng, các khâu trong quá trình chăm sóc đều được hỗ trợ bằng máy móc, công nghệ, nhiều công đoạn tự động hóa hoàn toàn. Thông qua hệ thống ống dẫn, thức ăn, nước uống sẽ được đưa đến các chuồng nuôi theo giờ cố định. Đúng giờ, thức ăn tự động chảy vào máng.
Để thu gom trứng, 15 giờ chiều hằng ngày, hệ thống băng chuyền tự động đưa trứng về đầu mỗi dãy chuồng, công nhân chỉ việc đứng nhận, xếp vào các khay sau đó đưa đi tiêu thụ; chất thải được tự động thu dọn, dẫn đến khu vực xử lý vào đầu giờ sáng mỗi ngày. "Dù có 15 nghìn gà đẻ trứng song nhờ máy móc, công nghệ nên chúng tôi chỉ cần một công nhân chăm sóc, làm việc tại khu vực này. Việc hạn chế nhân công tham gia chế biến thức ăn giúp làm giảm nguy cơ dịch bệnh”, anh Vũ Đức Thuyên nói.
Sản lượng tăng cao
Là người có kinh nghiệm, thâm niên 20 năm nuôi cá song đến giờ, ông Vũ Ngọc Huấn (SN 1964), thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm (Lạng Giang) vẫn không thể nghĩ việc nuôi trồng thủy sản lại nhàn đến thế. Theo ông Huấn, năm 2003, từ dự án nuôi trồng thủy sản tại vùng trũng, ông được hỗ trợ, thuê 10 nghìn m2 đất rồi đầu tư múc ao, xây dựng chuồng trại nuôi trồng thủy sản.
Thời điểm đó, dù đã có ý tưởng nuôi cá theo hướng thâm canh song như nhiều hộ khác, ông Huấn gặp khó khi thực hiện bởi chưa được tiếp cận công nghệ hiện đại. Để tạo oxy cho ao nuôi rộng 8 nghìn m2, ông phải sử dụng hai máy bơm (loại 1,5 kg và 2,2 kg) để bơm nước từ ao lên rồi lại đổ xuống, vừa tốn tiền điện, thời gian lắp đặt mà hiệu quả không cao, mỗi năm, gia đình ông chỉ thu về 2-3 tấn cá.
Ông Vũ Ngọc Huấn (bên phải) sử dụng điện thoại khởi động máy tạo oxy. |
Được sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản, hiện trên diện tích 8 nghìn m2 ao nuôi cá thương phẩm, gia đình ông lắp đặt 3 máy tạo oxy, 2 máy cho cá ăn tự động. Hệ thống quạt tạo oxy được kết nối với bộ cảm ứng, tự động bật, tắt tùy theo thời tiết cũng như điều kiện ao nuôi. Việc bảo vệ, quan trắc mặt nước được giám sát tự động; các thông số kỹ thuật của nước cũng được phân tích tự động giúp cho chủ hộ điều chỉnh, xử lý kịp thời các sự cố.
"Nếu như trước đây, gia đình phải cắt cử người có mặt tại ao nuôi 24/24 giờ thì nay không cần. Tôi chỉ đi kiểm tra vào đầu mỗi buổi sáng để bổ sung thức ăn vào máy cho ăn tự động, mọi việc sẽ được xử lý trên điện thoại. Buổi tối cũng không cần người trông coi bởi 6 mắt camera an ninh được lắp đặt quanh khu vực ao. Nhờ có công nghệ, hiện với 8 nghìn m2 ao nuôi cá, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 12 tấn cá thương phẩm (tăng 5 lần so với thời điểm chưa áp dụng công nghệ), thu lãi 150 triệu đồng/năm” - ông Huấn cho biết thêm.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: "Hiện toàn tỉnh có gần 20 mô hình chăn nuôi (chủ yếu gà, lợn) và 55 ha nuôi thủy sản áp dụng tự động hóa trong các khâu của quy trình sản xuất. Qua đánh giá, cùng với giảm nhân công lao động, việc áp dụng tự động hoá góp phần nâng giá trị sản xuất, trong đó năng suất thuỷ sản tăng từ 8-10 tấn/ha/năm lên 14-15 tấn/ha/năm. Để nhân rộng các mô hình, cùng với tiếp tục thực hiện đề án phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh giai đoạn 2021-2025, ngành sẽ quan tâm mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật đối với các hộ ứng dụng tự động hoá vào chăn nuôi”.
Các tin khác
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).