Việt Yên: Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP
- Cập nhật: Thứ hai, 26/12/2022 | 10:53:30 AM
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) và các cơ quan chuyên môn đã quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nấm đùi gà và một số sản phẩm khác từ nấm của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương.
|
Thêm 8 sản phẩm mới được công nhận
Năm 2022, trên địa bàn huyện Việt Yên có 8 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, giai đoạn 1 được công nhận 5 sản phẩm gồm: Bột gấc sấy lạnh nguyên chất; dầu gấc tinh khiết của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gấc Việt, xã Quảng Minh; đông trùng hạ thảo Duca của HTX Dịch vụ công nghệ cao Duca, xã Thượng Lan; dưa chuột Xuân Trường của HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường, xã Tự Lạn; bánh hạt gạo lứt của Cơ sở sản xuất Thân Đức Tiến, xã Vân Trung.
Trong đợt 2 năm 2022, huyện đăng ký 6 sản phẩm thì có 3 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xét duyệt thống nhất đề nghị công nhận đạt 3 sao gồm: Muối lạc vừng rong biển, bánh chưng Hạnh Phúc của HTX Nông nghiệp Hạnh phúc, xã Tăng Tiến và mỳ ngũ sắc Quê ta của Cơ sở sản xuất nông sản Quê ta, xã Nghĩa Trung.
Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp Gấc Việt. |
Ông Trần Sỹ Quảng, thành viên Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Gấc Việt, thôn Khả lý Thượng, xã Quảng Minh cho biết: "Gia đình tôi trồng, thu mua và sản xuất các sản phẩm từ quả gấc (tinh dầu, bột gấc, màng gấc…) gần 20 năm nay. Các mặt hàng đã được thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài ghi nhận. Từ năm 2014 đến nay, HTX xuất khẩu hàng chục tấn hàng sang Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng từ năm 2021 trở về trước, do chưa được công nhận sản phẩm OCOP nên chúng tôi không thể trực tiếp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài mà phải thông qua một doanh nghiệp (DN) khác. Giờ HTX có thể trực tiếp xuất khẩu các sản phẩm OCOP, không phải qua trung gian”. Theo ông Quảng, các sản phẩm khi được công nhận OCOP, được Nhà nước bảo hộ có thêm nhiều lợi thế, thị trường tiêu thụ phong phú hơn, giá trị tăng lên. Vì thế, ngoài 2 sản phẩm đã được công nhận, HTX Nông nghiệp Gấc Việt đang đầu tư nâng chất lượng các mặt hàng còn lại như: Màng gấc, bột gấc tươi đông lạnh… để đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Tính từ năm 2019 đến nay, huyện Việt Yên có 28 sản phẩm được công nhận OCOP (trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là 3 sao), trở thành huyện đứng trong tốp đầu của tỉnh về số lượng sản phẩm được công nhận 3-4 sao.
Nâng "sao" cho sản phẩm
Khi được công nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể sản phẩm không ngừng giữ vững chất lượng, đa dạng mẫu mã để nâng "sao" cho sản phẩm. Năm 2020, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Toàn Cương, xã Quang Châu có nấm ngọc châm và nấm đùi gà được công nhận 3 sao. Từ đó đến nay, hai sản phẩm này sản xuất ra tiêu thụ thuận lợi, nhiều khi không đủ hàng cung cấp theo nhu cầu.
Anh Ngô Đình Toàn, Chủ nhiệm đề tài đăng ký các sản phẩm OCOP làm từ nấm của Công ty chia sẻ: "Từ hiệu quả kinh tế của 2 sản phẩm đầu tiên, hiện DN đang đầu tư thêm cho giò nấm và pate nấm để đăng ký tham gia chương trình OCOP”. Theo anh Toàn, đây là lĩnh vực mới, nếu không có sự hướng dẫn, giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thì sản phẩm của DN khó đáp ứng tiêu chí của chương trình.
Được biết, thực hiện chương trình OCOP, ngoài những đơn vị làm tốt thì vẫn còn DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chương trình nên chưa tích cực xây dựng sản phẩm OCOP. Số khác do quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, khó khăn về vốn, chưa chú trọng đầu tư nhiều về chất lượng sản phẩm; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của chủ thể còn hạn chế. Nhiều cơ sở chưa nắm đầy đủ quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác, bao bì... nên gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ theo quy định.
Tính từ năm 2019 đến nay, huyện Việt Yên có 28 sản phẩm được công nhận OCOP (trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là 3 sao), trở thành huyện đứng trong tốp đầu của tỉnh về số lượng sản phẩm được công nhận 3-4 sao. |
Để phát triển mạnh các sản phẩm OCOP, huyện Việt Yên đã thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quan tâm hỗ trợ DN liên kết và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký thực hiện sản phẩm OCOP của chủ thể.
Ông Ngô Đăng Tuấn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Việt Yên thông tin: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi năm có ít nhất 3 sản phẩm được công nhận OCOP), Phòng đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể đăng ký các sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện. Cùng đó tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký tham gia chương trình. Tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên trưng bày, giới thiệu tại các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh, huyện; hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng OCOP…
Sau khi tham gia chương trình, bên cạnh việc hoàn thiện chất lượng, nâng hạng sản phẩm, nhiều chủ thể sản xuất đã quan tâm hoàn thiện bộ máy, nhân sự và các điều kiện liên quan, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường lớn, mở ra tiềm năng xuất khẩu sản phẩm OCOP của huyện Việt Yên ra nước ngoài.
Các tin khác
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).