Nở rộ sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/12/2022 | 12:36:57 PM

Xung đột Nga - Ukraine khiến nhu cầu viên nén gỗ làm nhiên liệu sản xuất và sưởi tăng cao. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng trong nước cũng như Bắc Giang thuận lợi. Hoạt động chế biến gỗ rừng trồng và viên nén nhiên liệu (viên nén gỗ) cũng sôi động hơn.

Dây chuyền sản xuất viên nén gỗ của Công ty TNHH Công nghiệp Huarong.
Dây chuyền sản xuất viên nén gỗ của Công ty TNHH Công nghiệp Huarong.

Phế phẩm gỗ "lên ngôi”

Thời điểm này, từ các xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng đến sản xuất ván bóc, băm dăm,… đều có thêm đơn hàng. Dù giá ván bóc hạ thấp, giảm từ 400-500 nghìn đồng/m3 so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các xưởng bóc gỗ vẫn hoạt động. Nguyên nhân là do các phế phụ phẩm từ chế biến gỗ được thu mua triệt để với giá cao làm chất đốt cho các lò hơi công nghiệp và viên nén nhiên liệu xuất khẩu nên đã bù thu cho các xưởng chế biến này.

Tại Công ty TNHH Hùng Mười, xã Nam Dương (Lục Ngạn), ông Nghiêm Văn Mười, Giám đốc Công ty cho biết, lượng gỗ thải loại trong chế biến gỗ bóc lên tới hơn 40%. Khoảng 2,5 tấn gỗ tròn chỉ bóc được 1 m3 gỗ loại A, một ít gỗ loại B và C. Lượng gỗ bỏ đi gồm: Đầu mẩu, lõi, vỏ gỗ, ván rách và vỡ. Với 3 máy bóc gỗ, mỗi ngày doanh nghiệp (DN) tiêu thụ khoảng 63 tấn gỗ nguyên liệu, tương ứng với thải loại hơn 25 tấn rác gỗ. Trước đây, đa phần lượng rác gỗ này chỉ đem đốt, hoặc chôn lấp, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, rác gỗ đã được tận thu với giá từ 400 đến hơn 500 nghìn đồng/tấn (tùy loại). Nhờ bán rác gỗ mà DN vẫn duy trì, phát triển sản xuất.

Xưởng băm dăm gỗ của gia đình ông Nguyễn Đức Sông hoạt động hết công suất.

Xưởng băm dăm gỗ của gia đình ông Nguyễn Đức Sông hoạt động hết công suất. 

Tháng 10/2022, ông Nguyễn Đức Sông, thôn Nùa Quán, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) đầu tư hơn 3 tỷ đổng mở thêm 1 xưởng băm dăm gỗ tại thôn Bờ Mận, xã Hương Vĩ (Yên Thế). Nếu hoạt động hết công suất, mỗi ngày xưởng tiêu thụ khoảng 100 tấn gỗ keo nguyên liệu, thải ra môi trường hơn 16 tấn rác (vỏ gỗ), tương ứng với 16%. Hiện 2 xưởng chế biến gỗ của ông Sông tiêu thụ hơn 3,75 nghìn tấn gỗ nguyên liệu, thải ra khoảng 600 tấn rác gỗ/tháng. "Cách đây vài năm, kể cả rác gỗ bóc và băm dăm đều bị đốt bỏ. Nhưng nay, từ bán rác gỗ, tôi thu thêm khoảng 240 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu lớn, giúp tôi trả lương công nhân, lại tiết kiệm được chi phí tiêu hủy rác”, ông Sông nói.

Để tận dụng nguồn rác gỗ, trong năm 2022, anh Nguyễn Văn Đức (cùng thôn Bờ Mận), đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng xưởng chế biến rác gỗ và liên kết với cơ sở chế biến gỗ của ông Nguyễn Đức Sông để thu mua rác gỗ. Hiện bình quân mỗi ngày, xưởng của anh tiêu thụ, cung ứng cho một số nhà máy may công nghiệp tại Bắc Ninh, Thái Nguyên 50 tấn rác gỗ. Ngoài thu mua phế phẩm gỗ của cơ sở ông Sông, anh Đức còn nhập vỏ gỗ từ hàng chục xưởng sản xuất khác trên địa bàn các huyện Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên. Theo anh Đức, rác gỗ được phân làm 3 loại: Rác vỏ gỗ; rác vỏ lẫn thịt gỗ và rác thịt gỗ sạch. Trong đó rác thịt gỗ sạch (ván bóc thải loại, cành, ngọn, bìa bắp, vỏ bào, mùn cưa, gỗ vụn,…) dùng làm nguyên liệu sản xuất viên nén gỗ. Hiện tại, rác vỏ gỗ và rác vỏ lẫn thịt gỗ sau khi chế biến (băm nhỏ, sấy khô) bán cho các lò hơi công nghiệp có giá 570 nghìn đồng/tấn, anh Đức thu lãi khoảng 60 nghìn đồng/tấn.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường, hỏa hoạn

Bắc Giang hiện có 992 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản. Nguyên liệu sản xuất chính là gỗ rừng trồng trong nước và một số ít gỗ nhập khẩu. Sản phẩm chủ yếu là ván bóc, dăm gỗ, ván ép, cốp pha, đồ mộc dân dụng. Chỉ tính riêng trong tỉnh, năm 2022 đã khai thác hơn 1 triệu m3 gỗ các loại, tương ứng với khoảng 1,2 triệu tấn. Vì thế, lượng rác gỗ thải ra rất lớn. Nhiều thời điểm khan hàng, rác gỗ được mua với giá 550 nghìn đồng/tấn, bằng 40% giá gỗ keo tròn nguyên liệu.

Do việc xuất khẩu viên nén gỗ thuận lợi, đơn vị sản xuất thu lãi cao nên thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có khá nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất viên nén gỗ mọc lên. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bắc Giang hiện có 5 dự án xây dựng nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu (bao gồm đang triển khai xây dựng và hoạt động), tổng sản lượng hơn 100 nghìn tấn/năm. Thực tế, qua tìm hiểu, chỉ tính tại huyện Yên Thế đã có gần 10 nhà máy, cơ sở sản xuất viên nén gỗ.

Bắc Giang hiện có 992 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản. Nguyên liệu sản xuất chính là gỗ rừng trồng trong nước. Sản phẩm chủ yếu là ván bóc, dăm gỗ, ván ép, cốp pha, đồ mộc dân dụng. Năm 2022, toàn tỉnh khai thác hơn 1 triệu m3 gỗ các loại, tương ứng với khoảng 1,2 triệu tấn.

Ông Võ Văn Thọ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Huarong, bản Diễn, xã Tam Tiến thông tin, DN đang sản xuất khoảng 6 nghìn tấn viên nén gỗ/tháng. Toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Theo ông Thọ, do có nhiều nhà máy, cơ sở chế biến gỗ mọc lên nên đã tạo ra sự cạnh tranh thu mua, khiến giá rác gỗ tăng cao, nguy cơ nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất. "Hiện DN chúng tôi đã thu mua, tập kết về bãi được hơn 8 nghìn tấn rác gỗ, phòng khi thiếu nguyên liệu sản xuất trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán tới”, ông Thọ nói.

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên hơn 500 triệu USD trong năm 2022. Thị trường viên nén gỗ được đánh giá là tăng trưởng "nóng”. Nguyên nhân do xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng, xứ lạnh châu Âu đang bước vào mùa đông, rất cần chất đốt để sưởi. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản (chiếm hơn 90% lượng viên nén gỗ xuất khẩu của Việt Nam) cũng tăng nên xuất khẩu viên nén đang rất thuận lợi.

Việc gia tăng sản xuất viên nén gỗ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong chế biến gỗ, góp phần bảo vệ môi trường, tạo giá trị gia tăng cho kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, chế biến gỗ vẫn cần rà soát, khuyến cáo, tránh rủi ro cho các đơn vị, DN đang muốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này. Bởi có nhiều đơn vị đang tận dụng dây chuyền sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Cùng đó, việc tập kết nguyên liệu rác gỗ ngoài trời với khối lượng lớn cũng là nguồn cơn, nguy cơ gây ra hỏa hoạn.

Theo Báo Bắc Giang(NT)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục