Đưa nông sản ra toàn cầu

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/1/2023 | 8:26:37 AM

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (gọi tắt là Công ty Toàn Cầu), phố Kim, xã Phượng Sơn, huện Lục Ngạn (Bắc Giang) khi được hỏi về ý nghĩa tên của doanh nghiệp (DN). Chứng kiến những “bước đi” của DN trong những năm qua mới thấy lời anh Hưng nói không phải chỉ là câu chuyện trên “bàn trà”.

Vùng liên kết sản xuất đậu tương của Công ty Toàn Cầu tại thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú (Lục Nam).
Vùng liên kết sản xuất đậu tương của Công ty Toàn Cầu tại thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú (Lục Nam).

Đa dạng sản phẩm

Bước vào thu hoạch cây vụ đông nên các dây chuyền đóng hộp ngô, đậu tương rau của Công ty Toàn Cầu hoạt động hết công suất. Do có kho lạnh trữ nguyên liệu nên dây chuyền chế biến vải đông lạnh của DN cũng chạy liên tục. Những trái vải đưa từ kho lạnh ra vỏ vẫn tươi như mới hái. Chị Trần Thị Huệ ở thôn Kim 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn), làm việc tại Phân xưởng đồ hộp chia sẻ: "Tôi làm việc ở Công ty từ năm 2019. Mức lương bình quân đạt 7 triệu đồng/tháng, vào vụ thu hoạch vải, nhãn làm tăng ca nên thu nhập cao hơn. Tôi rất yên tâm làm việc vì vừa gần nhà lại có thu nhập ổn định”. Đó cũng là tâm sự chung của nhiều lao động đang làm việc tại đây.

Công ty Toàn Cầu (tiền thân là Công ty Thực phẩm Bắc Giang - Baveco) được thành lập, hoạt động theo cơ chế mới từ năm 2018. Năm 2019, Công ty đầu tư hơn 60 tỷ đồng mua sắm, lắp đặt các dây chuyền sản xuất, như: Đóng gói đồ hộp, đông lạnh, sản xuất đậu tương rau, hệ thống xông hơi khử trùng vải thiều, kho lạnh mới... Công ty có 60 công nhân, hiện sản xuất 4 ngành hàng chính, gồm: Ngành hàng đông lạnh, sản phẩm chính là vải thiều (xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Úc, Hàn Quốc), đậu tương rau (xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản); ngành hàng đồ hộp với các sản phẩm: Ngô ngọt, vải, nhãn, dứa, hạt sen, đậu đỏ…; ngành hàng nước giải khát với các sản phẩm: Nước cam, chanh leo, bí đao, chuối; ngành hàng nước cốt cô đặc các loại trái cây, phục vụ làm nguyên liệu chế biến thực phẩm như: Kem, sữa chua, nước uống, hương liệu...

Ngoài ra, DN còn có nhóm hàng phụ tươi, như: Vải thiều, nhãn xuất khẩu sang 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản lượng khoảng 80 tấn/năm. Tổng nguyên liệu Công ty tiêu thụ khoảng 2,5 nghìn tấn/năm, trong đó có 2 nghìn tấn chế biến sâu, còn lại là sơ chế. Sản phẩm sau chế biến đạt khoảng 1 nghìn tấn/năm. Dù ngay sau khi đi vào hoạt động đã gặp nhiều bất lợi do dịch Covid-19 nhưng doanh thu của Công ty vẫn đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm, năm 2022 nộp ngân sách gần 1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của công nhân đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Vào thời điểm thu hoạch vải thiều, nhãn, DN cần thêm 300 lao động thời vụ.

Mở rộng vùng liên kết sản xuất

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, DN liên kết theo hình thức cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với nông dân tại 10 tỉnh, TP, gồm: Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, tổng diện tích bình quân 300 ha/vụ. Riêng vải thiều, DN chỉ hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm vì bà con đã trồng cây từ trước. Anh Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty khẳng định: "Mục tiêu liên kết sản xuất của chúng tôi không phải lấy số lượng diện tích, mà hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng tôi đều có hợp đồng, đặt cọc, đưa ra mức giá từ trước khi sản xuất và giữ ổn định trong suốt mùa vụ. Khi cây ra hoa, bà con đã biết giá của sản phẩm nên rất yên tâm sản xuất”.

"Mục tiêu liên kết sản xuất của chúng tôi không phải lấy số lượng diện tích, mà hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính" -  Anh Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc   Công ty Toàn Cầu.

Mỗi năm đơn vị xuất khẩu khoảng 1,5 nghìn tấn sản phẩm, trong đó chỉ có 30% nguyên liệu thu mua tại Bắc Giang. Hiện DN mới liên kết với nông dân hai xã Đông Phú, Đông Hưng (Lục Nam) trồng đậu tương rau chế biến, diện tích 20 ha, tổng sản lượng khoảng 700 tấn. DN đang có nhu cầu chế biến xuất khẩu từ 2-5 nghìn tấn sản phẩm đậu tương rau, còn chanh leo không hạn chế. Bà Nguyễn Thị Thuận, thôn Thanh Sơn, xã Đông Phú chia sẻ: "Mỗi năm gia đình tôi liên kết trồng 2 vụ đậu tương rau với Công ty Toàn Cầu. Nhờ có hợp đồng bao tiêu ổn định, gia đình tôi thu lãi ổn định 3 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn nhiều so với trồng cây khác nên yên tâm sản xuất”.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhìn nhận: "Công ty Toàn Cầu là một trong những DN chế biến nông sản xuất khẩu có công nghệ sản xuất hiện đại tại Bắc Giang. Đây là cơ sở đầu tiên được chứng nhận đủ điều kiện sơ chế, đóng gói vải thiều tươi sang Nhật Bản (năm 2020), là DN đi đầu trong xuất khẩu vải thiều, nhãn tươi sang các thị trường khó tính. DN đã thu mua, chế biến lượng lớn nông sản cho bà con, góp phần giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi, đặc biệt là vải thiều". Với mong muốn đưa DN vươn xa hơn nữa, thời gian tới, Công ty Toàn Cầu sản xuất thêm nước bưởi, nước ép từ một số loại rau chứa các enzym có tác dụng giảm cân, thanh lọc cơ thể, hướng tới xuất khẩu.

Theo Báo Bắc Giang(NT)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Từ ngày 15/4/2025, Nghị quyết số 27/2025/NQ-HĐND ngày 3/4/2025 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hiệu lực thi hành.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Blueway Vina, Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên).

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đường giao thông khu dân cư khu vực thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Ảnh Danh Lam: TTXVN

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự