Tập trung tháo gỡ khó khăn để ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/1/2023 | 5:13:52 PM
Ngày 13/1, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu trung ương.
Đồng chí Lê Ô Pích chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.
|
Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Báo cao tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022, đồng chí Lê Minh Hoan nêu, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức song nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu phát triển ngành. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục (hơn 53,22 tỷ USD), có 7 nhóm mặt hàng đạt hơn 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su, cà phê)... Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), có 73,06% số xã đạt chuẩn, 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; số xã đạt tiêu chí môi trường hơn 78%...
Tại Bắc Giang, tính đến hết năm 2022, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,1%, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2% (kế hoạch đề ra 1%) và là năm thứ 3 liên tiếp ngành có mức tăng trưởng cao. Diện tích, sản lượng cây ăn quả (nhãn, vải), ngô, lạc, rau các loại vượt kế hoạch giao; thị trường tiêu nông sản tiếp tục được mở rộng…
Nông dân xã Chu Điện (Lục Nam) chăm sóc dưa trong nhà lưới. |
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nêu, do nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, giá thức ăn chăn, phân bón... tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất. Một số địa phương còn chạy theo phong trào công nhận sản phẩm OCOP, chưa chú ý đến hiệu quả của chương trình, nhất là khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn... Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, đại diện UBND tỉnh Thanh Hoá và An Giang cho rằng cần phải quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác phối hợp thông qua đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2023, có ý kiến đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, định hướng các địa phương (nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản,..) có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra; kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Đối với lĩnh vực chăn nuôi, có ý kiến nêu cần phát triển theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm. Trong thực hiện xây dựng NTM cần gắn với các chương trình mục tiêu khác, gắn cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống cho người nông dân.
Đồng chí nhấn mạnh, năm 2023, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi do hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại. Để tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp cần cụ thể hoá các nghị quyết để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh dựa trên quan điểm nông dân là trung tâm, nông nghiệp là nền tảng, nông thôn là động lực.
Đối với mục tiêu năm 2023, đồng chí đề nghị ngành nông nghiệp cần phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD; có 80% xã đạt chuẩn NTM... Để hoàn thành, ngành cần đoàn kết, thống nhất cả về nhận thức, hành động; nắm chắc tình hình thực tiễn để điều hành sáng tạo, linh hoạt, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh các kế hoạch phát triển của ngành, tạo sự phát triển, bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
Tiếp tục đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, chế biến và chuỗi giá trị gia tăng để nâng cao năng suất lao động, đời sống nông dân. Thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm.
Quan tâm đẩy mạnh xây dựng thương hiệu bởi có thương hiệu mới có thị trường; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm với tiềm năng; ứng dụng khoa học và công nghệ, cuộc cách mạnh 4.0 để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gắn phát triển du lịch với văn hoá, du lịch. Phối hợp với ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn phát triển "tam nông”, nhất là phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đa dạng hoá sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, OCOP, trong đó coi trọng chất lượng, thương hiệu; quan tâm ứng dụng khoa học và công nghệ để nghiên cứu, lựa chọn các giống mới năng suất, giá trị cao.
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp để thực hiện các nhiệm vụ, từng bước công nghiệp hoá nông nghiệp. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ; đầu tư các công trình, dự án phát triển nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; tập trung kiểm soát dịch bệnh, coi đây là tiền đề để phát triển sản xuất kinh doanh.
Chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường; gắn nhiệm vụ đào tạo với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện, nhà trường. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp.
Theo Báo Bắc Giang(NT)
Các tin khác
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).