Bắc Giang: Nỗ lực duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động
- Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2023 | 8:51:55 AM
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng một “cơn bão” khác là hệ quả của khủng hoảng kinh tế lại khiến hàng nghìn lao động đứng trước tình cảnh giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm khi Tết đã cận kề. Trước những khó khăn đó, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trong tỉnh Bắc Giang vẫn đồng lòng, nỗ lực duy trì sản xuất để bảo đảm đời sống.
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Samkwang Vina (KCN Quang Châu, Việt Yên).
|
Chia sẻ khó khăn với DN
Là DN chuyên gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Công ty TNHH JMC Việt Nam (Việt Yên) tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động. Nhưng từ cuối tháng 10 trở lại đây, do số lượng đơn hàng sụt giảm, công nhân cũng ít việc dần. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, công nhân tăng ca từ 2-3 giờ thì hiện chỉ làm việc đủ 8 tiếng, có tuần nghỉ cả ngày thứ Bảy. Dù doanh thu của công ty giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của NLĐ nhưng đa số công nhân vẫn bám trụ, đồng hành với DN.
Tại các phân xưởng những ngày cuối năm, không khí làm việc vẫn khẩn trương để bảo đảm tiến độ giao hàng. Chị Nguyễn Thị Vân (SN 1989), công nhân tổ may có thâm niên 7 năm làm việc tại Công ty chia sẻ: "Không có tăng ca, thu nhập giảm gần 2 triệu đồng so với trước, còn được hơn 6 triệu đồng mỗi tháng. Chi tiêu của cả gia đình tôi trông vào khoản thu này. Nhưng tôi và các anh chị em trong nhà máy đều bảo nhau cùng cố gắng”.
Không được tăng ca đã hơn hai tháng nay, mới đây, DN tiếp tục cho công nhân nghỉ việc luân phiên (một ngày làm, một ngày nghỉ, nghỉ cả thứ Bảy), thu nhập mỗi tháng của anh Hoàng Văn Tuấn (SN 1993), quê tỉnh Lạng Sơn giảm đi một nửa. Anh Tuấn xuống Bắc Giang làm công nhân ở một DN may túi siêu thị trên địa bàn huyện Lạng Giang từ năm 2018. Trừ chi phí thuê trọ, sinh hoạt, mỗi tháng, anh tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng gửi về quê phụ giúp gia đình. "Ít việc, ít lương thì bớt chi tiêu, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Thay vì ăn ở ngoài, bây giờ tôi tự đi chợ nấu ăn, bớt mua sắm những thứ không thực sự cần thiết. Chưa hết, trước ai biết phòng đấy nhưng giờ 4 phòng rủ nhau nấu ăn chung nên bữa tối chia ra mỗi người chưa đến 15 nghìn đồng. Mọi người động viên nhau, khó khăn rồi sẽ qua", anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều biện pháp hóa giải khó khăn trước mắt
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), toàn tỉnh hiện có hơn 7,1 nghìn DN đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 306 nghìn lao động. Năm nay, hệ quả từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng đến đơn hàng của các DN gia công. Thiếu đơn hàng nên từ cuối tháng 10, đã có 12 DN cắt giảm lao động và cho nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm. Tổng số lao động bị ảnh hưởng khoảng 3,5 nghìn người. Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH) cho biết, dù mức độ ảnh hưởng không quá nặng nề nhưng đây cũng là thời điểm khó khăn đối với DN và NLĐ. Tuy vậy, ghi nhận thực tế tại hầu hết các đơn vị, giới chủ DN và công nhân đang đồng lòng vượt khó, nỗ lực để ổn định tình hình, bảo đảm đời sống.
Trước đây, Công ty TNHH Samkwang Vina (KCN Quang Châu) có thời điểm có tới hơn 4 nghìn công nhân. Do đơn hàng sụt giảm, số lao động hiện còn gần 3,5 nghìn người. Ông Kim Tae Youb, Giám đốc điều hành cho biết, ngoài giải pháp tìm kiếm đối tác, để giữ chân NLĐ làm việc lâu năm, có tay nghề cao, DN cho công nhân nghỉ luân phiên, nghỉ phép nhưng vẫn trả đủ lương, phụ cấp theo quy định. Đặc biệt, sắp xếp, bố trí lại các chuyền sản xuất để san sẻ công việc đều cho mỗi bộ phận, không để công nhân nào có quá ít ngày công, bảo đảm thu nhập.
Theo dự báo của ngành LĐTBXH, trong tháng cuối năm và nửa đầu quý I năm sau, tình hình khó khăn của DN vẫn sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn công nhân. Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, đơn vị sẽ bám sát tình hình, đối thoại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của DN. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động của DN trong KCN. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường công tác dự báo, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho công nhân mất việc, ổn định thị trường lao động sau Tết. Sở cũng yêu cầu các DN quan tâm thực hiện đúng, đủ chế độ chính sách cho công nhân.
Các tin khác

Từ ngày 15/4/2025, Nghị quyết số 27/2025/NQ-HĐND ngày 3/4/2025 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hiệu lực thi hành.

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.