Xây dựng nông thôn mới ở Yên Thế: Khéo vận động, chú trọng nêu gương
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/3/2023 | 6:00:00 PM
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã trở thành phong trào thi đua có sức lan toả, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT - XH.
Chi ủy Chi bộ, ban lãnh đạo thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn (Yên Thế) tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
|
Tạo đồng thuận cao
So với nhiều xã khác, khi bắt tay xây dựng NTM, xã Đông Sơn còn nhiều khó khăn. Xã có 14 thôn, hơn 9 nghìn dân, đồng bào 8 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, diện tích tự nhiên lớn, địa bàn rộng, trải dài. Làm thế nào để đạt các tiêu chí về đích NTM giai đoạn 2020-2025 là câu hỏi mà cấp ủy, chính quyền xã luôn trăn trở. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đóng góp kinh phí làm đường giao thông, nhà văn hóa, cứng hóa kênh mương là việc khó nhất vì liên quan đến quyền lợi, tài chính của người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Đông Sơn cho biết: "Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức nhiều cuộc họp dân, lồng ghép qua các hội nghị, sinh hoạt câu lạc bộ; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín ở cơ sở, khu dân cư”.
Chi ủy Chi bộ, ban lãnh đạo thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn (Yên Thế) tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn. |
Tìm hiểu tại thôn Đền Trắng - nơi có 90% hộ dân làm nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay, trong quá trình làm đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương, nhân dân đã hiến hàng nghìn m2 đất thổ cư, đất ruộng, phá tường rào; không ít hộ hiến từ 100-200 m2. Điển hình như gia đình các ông Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Xuân Chiến, Trần Văn Giáp... Ông Phạm Văn Thi, Bí thư Chi bộ thôn Đền Trắng cho biết: "Trước kia, các tuyến đường chính của thôn chỉ rộng từ 2-2,5 m, giao thông khó khăn, ô tô đi ngược chiều không thể tránh nhau, nay nhờ vận động hầu hết các tuyến đường được mở rộng từ 5-6 m, bà con rất phấn khởi”. Đảng ủy, UBND xã Đông Sơn vận động thành công gần 70 xưởng xẻ, bóc gỗ trong xã thu gom phế liệu, phụ phẩm bán cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất công nghiệp, vừa mang lại nguồn thu, vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm. Các xưởng còn ủng hộ nguồn kinh phí lớn để xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn xã. Năm 2023, xã Đông Sơn phấn đấu về đích NTM.
Ở xã Đồng Kỳ, công tác dân vận khéo trong xây dựng NTM cũng được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã quan tâm chỉ đạo, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Các tiêu chí khó như: Làm đường giao thông; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; xử lý rác thải; vệ sinh môi trường được Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể xã tập trung thực hiện quyết liệt. Trên địa bàn xã có 9 cung đường mới đã và đang được thi công, mở rộng từ 2,5 m lên 5 m; 10/10 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn, diện tích từ 300-400 m2, kinh phí xây dựng từ 1,5-2 tỷ đồng/nhà, chủ yếu do nhân dân đóng góp. 70% các tuyến đường thôn, xóm đều có hệ thống đèn chiếu sáng. Mới đây, toàn xã trồng gần 1,3 nghìn cây cau và nhiều hoa trên các tuyến đường, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, bảo vệ môi trường sống. Ngày 1/3/2023, UBND tỉnh có quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối dân vận xã Đồng Kỳ, cách làm của xã là chọn những thôn có điều kiện thuận lợi làm điểm sau đó nhân rộng ra những thôn khác để tạo thành phong trào. Ngoài huy động nguồn lực trong xã, các thôn còn vận động con em của địa phương xa quê làm ăn thành đạt ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình.
Nhân điển hình, lấy dân làm gốc
Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo”, thời gian qua, Ban Dân vận Huyện uỷ Yên Thế tích cực tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, khối dân vận đảng uỷ các xã, thị trấn tích cực triển khai, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong xây dựng NTM. Điểm nổi bật của công tác này đó là cấp ủy, chính quyền, khối dân vận cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp, ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện có hơn 2 nghìn hộ hiến khoảng 59 nghìn m2 đất, đóng góp hơn 15 tỷ đồng xây dựng các công trình, như: Nhà văn hoá, đường giao thông nông thôn, kênh mương.
Giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện có hơn 2 nghìn hộ hiến khoảng 59 nghìn m2 đất, đóng góp hơn 15 tỷ đồng xây dựng các công trình như: Nhà văn hoá, đường giao thông nông thôn, kênh mương. |
Ban Thường vụ Huyện uỷ tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng 66 điển hình tiêu biểu. Đảng uỷ các xã, thị trấn đã biểu dương, khen thưởng 215 điển hình. Thông qua tổ dân vận cộng đồng và mô hình khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường và tổ an ninh tự quản, toàn huyện xây dựng được 286 đoạn đường tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn với tổng chiều dài 150 km. Năm 2022, Huyện uỷ tổ chức thành công Cuộc thi "Dân vận khéo” với chủ đề "Huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường và xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo”.
Đồng chí Trần Thị Vượng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Yên Thế cho biết: Cùng với việc tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, tiêu biểu; cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận từ huyện tới cơ sở còn thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng những tập thể, dòng họ, gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp hiến đất; ủng hộ tiền, ngày công xây dựng công trình phúc lợi để tạo sức lan tỏa. Duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình tổ dân vận cộng đồng, tổ tự quản ở khu dân cư. Đến nay, toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Các xã hoàn thành tiêu chí, về đích NTM đều có sự ủng hộ, chung tay rất lớn của người dân với hàng chục tỷ đồng được đóng góp để xây dựng đường giao thông, cứng hóa kênh mương; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; chỉnh trang làng xóm. Với điều kiện kinh tế của một huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xuất phát điểm còn thấp, việc đạt được kết quả trong xây dựng NTM của các xã rất đáng biểu dương, ghi nhận. Theo lộ trình, giai đoạn 2026-2030, huyện Yên Thế phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Nông Văn Tâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Thế cho biết: "Bài học kinh nghiệm về dân vận khéo trong xây dựng NTM được Huyện ủy rút ra là phải bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể ở mỗi nơi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM. Thực hiện công khai, minh bạch, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng các công trình theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát". Chú trọng vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp trong thực hiện phong trào”.
Các tin khác
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).