Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai: Chuẩn hóa thông tin, tăng tính minh bạch

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/3/2023 | 10:25:11 AM

Sau hơn 2 năm tập trung thực hiện, đến thời điểm này, dự án “Tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai” (gọi tắt là dự án VILG) do Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang chủ trì đã hoàn thành nhiều hợp phần, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai,  Trung tâm Lưu trữ thông tin và Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) trao đổi về việc quét dữ liệu địa chính.
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm Lưu trữ thông tin và Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) trao đổi về việc quét dữ liệu địa chính.

Tích hợp hàng trăm nghìn thửa đất trên phần mềm

Dự án VILG sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được triển khai từ quý I/2017 tại 30 tỉnh (ban đầu là 33 tỉnh, sau đó một số địa phương xin rút). Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai qua việc xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất trên cả nước.

Tại Bắc Giang, dự án được triển khai tại 6 huyện gồm: Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng và Lục Nam do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Sau thời gian chuẩn bị, từ năm 2020-2021, dự án lần lượt được triển khai tại các đơn vị.

Theo ông Đỗ Văn Ninh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ và Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường), Thư ký Ban Quản lý dự án VILG, đến hết 27/2, các huyện tham gia đã cơ bản hoàn thành những hợp phần như dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai và dữ liệu về khung giá đất. Riêng cơ sở dữ liệu về địa chính (là tập hợp các thông tin có cấu trúc về dữ liệu không gian, thuộc tính và các dữ liệu khác có liên quan được sắp xếp để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên bằng phương tiện điện tử) khó hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Nguyên nhân là do việc kê khai, đăng ký đất đai được thực hiện qua nhiều loại tài liệu khác nhau chưa được chuẩn hoá; phần lớn thửa đất chưa được đăng ký bằng bản đồ địa chính chính quy, nhất là đối với đất nông, lâm nghiệp; việc lưu trữ, sắp xếp hồ sơ đất đai nhiều năm chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, việc bố trí nhân lực, vật lực; kinh nghiệm, công tác phối hợp của cả nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát cũng như cán bộ đơn vị chuyên môn liên quan trong quá trình thực hiện dự án còn hạn chế.

Tại 6 huyện tham gia dự án có hơn 1 triệu thửa đất các loại. Thế nhưng đến hết tháng 2/2023, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh mới tiếp nhận kiểm tra, đối soát được gần 309 nghìn trong số hơn 527 nghìn thửa đất đã xây dựng được hồ sơ (chủ yếu là đất ở và một phần diện tích đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa có hồ sơ). Hiện đơn vị đã tích hợp được khoảng 270 nghìn thửa đất lên phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Theo đó, một số thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh như trao đổi thông tin nghĩa vụ tài chính giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế đã được thực hiện bằng hình thức điện tử.

Giải quyết khó khăn, vướng mắc

Theo kế hoạch đề ra, thời hạn thực hiện dự án VILG tại các tỉnh, TP là đến hết 30/6/2023. Tại Bắc Giang, UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến 31/3/2023 phải hoàn thành dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, quá trình thực hiện, Ban Quản lý dự án VILG tỉnh thường xuyên kiểm điểm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Cùng đó, kiên quyết lập biên bản đối với các đơn vị, nhà thầu chưa quan tâm, trách nhiệm trong thực hiện những phần việc được giao; đôn đốc các nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tăng cường nhân lực, thiết bị, tập trung cao chỉnh sửa sản phẩm; kiểm tra, đối soát các thông tin từng thửa đất đã có hồ sơ chuẩn, ký số điện tử; kịp thời kiến nghị giải quyết các vướng mắc trong vận hành phần mềm.

Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã tích hợp được khoảng 270 nghìn thửa đất lên phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Theo đó, một số thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh như trao đổi thông tin nghĩa vụ tài chính giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế đã được thực hiện bằng hình thức điện tử.

Ông Nguyễn Sơn Hà, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Địa chính và Tài nguyên môi trường (Hà Nội), một trong các doanh nghiệp trúng thầu dự án VILG tại tỉnh Bắc Giang cho hay: "Đơn vị thi công dự án tại huyện Yên Dũng từ năm 2020. Thời gian đầu, việc thực hiện gặp khó khăn, không bảo đảm tiến độ, hồ sơ về các thửa đất thiếu nhiều do công tác lưu trữ, sắp xếp hồ sơ của văn phòng đăng ký đất tại các địa phương chưa đầy đủ, thiếu khoa học”. Để khắc phục, doanh nghiệp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện rà soát, sếp xếp lại hồ sơ theo hệ thống; huy động nhân lực quét, nhập dữ liệu lên phần mềm và thực hiện các phần việc liên quan. Đến nay, Công ty đã hoàn thiện gần 85 nghìn hồ sơ các thửa đất chuyển lên Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh để kiểm tra, đối soát trước khi tích hợp vào phần mềm.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, từ nhiều tháng nay, Văn phòng đã bố trí 13 cán bộ tập trung làm việc cao độ cả trong và ngoài giờ hành chính để kiểm tra, đối soát dữ liệu từng thửa đất, bảo đảm đến hết tháng 3, toàn bộ sản phẩm mà các nhà thầu chuyển lên được kiểm tra đúng quy định để tích hợp lên dữ liệu chung”.

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án VILG tỉnh cho biết: "Do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đặc biệt là do dữ liệu địa chính chưa được chuẩn hoá nên việc triển khai dự án VILG trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, không đạt mục tiêu mà thiết kế kỹ thuật dự toán đề ra (đây cũng là tình trạng chung ở các tỉnh, TP tham gia dự án này). Hiện Ban Quản lý dự án đang yêu cầu các đơn vị tham gia dồn lực phối hợp chỉnh sửa, kiểm tra, đối soát, phấn đấu tích hợp hết thông tin các thửa đất có "hồ sơ sạch” lên phần mềm. Đối với các thửa đất còn lại, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề án chuẩn hóa hồ sơ địa chính để từng bước tích hợp, bổ sung lên phần mềm, phấn đấu chuyển đổi toàn bộ dịch vụ công đất đai từ trực tiếp sang hình thức trực tuyến trong thời gian sớm nhất; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tính minh bạch cũng như tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân khi tham gia dịch vụ này.

Theo Báo Bắc Giang(NT)

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Từ ngày 15/4/2025, Nghị quyết số 27/2025/NQ-HĐND ngày 3/4/2025 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hiệu lực thi hành.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Blueway Vina, Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên).

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đường giao thông khu dân cư khu vực thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Ảnh Danh Lam: TTXVN

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự