Bắc Giang: Hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/3/2023 | 10:42:59 AM
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bên cạnh một số công ty phải cắt giảm đơn hàng, cho công nhân nghỉ việc, trong tỉnh có nhiều doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp đang nỗ lực khắc phục khó khăn, ký đơn hàng mới, tuyển dụng thêm lao động. Các cấp, ngành trong tỉnh Bắc Giang đang triển khai nhiều giải pháp giúp DN giữ đà tăng trưởng.
![]() |
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Siflex Việt Nam, KCN Quang Châu.
|
Mở rộng thị trường, tuyển thêm lao động
Công ty TNHH Yokoi Mould Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám (Việt Yên) là đơn vị điển hình duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường trong những tháng đầu năm nay. Đây là DN có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên gia công chi tiết khuôn mẫu và các sản phẩm nhựa chính xác cao cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử. Ông Yokoi, Giám đốc Công ty cho biết, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng cao đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Nỗ lực vượt qua khó khăn, Công ty tích cực tìm kiếm đơn hàng mới, tạo việc làm cho người lao động.
Từ 30 khách hàng đối tác năm 2022, đến nay DN có thêm 5 khách hàng với hàng chục đơn hàng mới. Doanh thu của DN tăng mạnh qua từng năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm. 3 tháng đầu năm nay, mỗi tháng đơn vị sản xuất 1,6 triệu sản phẩm, tăng 200 nghìn sản phẩm/tháng so với năm trước, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3 tỷ đồng. Dự kiến, hết năm 2023, Công ty xuất khẩu khoảng 15 triệu sản phẩm nhựa và khuôn mẫu, doanh thu dự kiến đạt 120 tỷ đồng, nộp thuế khoảng 11 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 14 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm trước gần 1 triệu đồng.
Tương tự, Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, KCN Quang Châu (Việt Yên) chuyên sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử đã triển khai nhiều giải pháp về công nghệ, khắc phục tình trạng đứt gãy về nguyên liệu và đơn hàng nên giữ được ổn định sản xuất trong chuỗi sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, sản phẩm của DN đang xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Theo đại diện Công ty, để sản xuất sản phẩm linh kiện điện tử bảo đảm theo đơn hàng đã ký với đối tác, từ đầu năm đến nay, DN đã tuyển dụng thêm gần 500 lao động, nâng số lao động lên hơn 5,5 nghìn người. Do hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi và ổn định nên quý I năm nay, Công ty nộp ngân sách nhà nước hơn 66 tỷ đồng, tăng hơn 196% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ hai DN trên, trong tỉnh còn có nhiều công ty khác đang nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì sự ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động. Một số DN quy mô lớn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời có xu hướng mở rộng sản xuất như: Công ty TNHH Siflex Việt Nam; Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu Việt Nam; Công ty TNHH JA Solar Việt Nam (KCN Quang Châu)...
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, quý I năm nay, các DN trong KCN đã tuyển mới khoảng 4 nghìn lao động; dự kiến quý II tuyển thêm từ 7-10 nghìn công nhân; nhu cầu tuyển cả năm khoảng 40 nghìn người. Một số DN đăng ký tuyển với số lượng lớn như: Công ty TNHH Luxshare-ICT, KCN Quang Châu, Vân Trung; Công ty TNHH Hana Micron Vina, KCN Vân Trung; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam, KCN Quang Châu...
Đồng hành với DN
Theo Sở Công Thương, những tháng đầu năm nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp do đó ngành công nghiệp Bắc Giang đã phải đối mặt với thách thức lớn, nhất là lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như: May mặc, chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm cho hãng Samsung. Thế nhưng nhờ tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nên sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, còn lại là DN ngoài nhà nước và DN nhà nước.
Giá trị sản xuất công nghiệp quý I toàn tỉnh đạt hơn 115 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, còn lại là DN ngoài nhà nước và DN nhà nước. |
Dự báo những tháng tới, các DN trong tỉnh vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, để đạt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm nay đạt hơn 507 nghìn tỷ đồng, UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan như: Sở Công Thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Ngân hàng… tập trung rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Từ đó có biện pháp chủ động giải quyết những đề xuất, kiến nghị về vốn, thị trường tiêu thụ, lao động, chi phí nguyên vật liệu … nhằm hỗ trợ DN từng bước ổn định sản xuất, thúc đẩy phục hồi chuỗi cung ứng.
Thực hiện sự chỉ đạo trên, căn cứ chức năng, các sở, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ DN tiếp cận về đất đai, vốn; giảm chi phí thủ tục, thời gian; sẵn sàng đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN. Sở Công Thương tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện Nghị quyết số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngân hàng thương mại trong tỉnh như Vietinbank Bắc Giang, Agribank Bắc Giang II, Agribank Chi nhánh tỉnh... đã giải ngân gần 650 tỷ đồng cho hàng chục DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn để khôi phục sản xuất, mở rộng quy mô đầu tư. Mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm, thời gian kéo dài hết năm nay.
Cùng đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ hằng tuần tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của DN, tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm định kỳ để hỗ trợ DN tuyển lao động. Điện lực Bắc Giang thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn điện cho DN hoạt động. Cục Thuế tỉnh tổ chức đối thoại, kịp thời phổ biến, tháo gỡ khó khăn cho DN thực hiện chính sách thuế; rà soát giãn thời gian nộp thuế cho các DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo đúng quy định.
Theo Báo Bắc Giang(NT)
Các tin khác

Từ ngày 15/4/2025, Nghị quyết số 27/2025/NQ-HĐND ngày 3/4/2025 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hiệu lực thi hành.

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.