Bắc Giang: Nắm bắt cơ hội, đưa vải thiều “xuất ngoại” qua ga Kép
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/5/2023 | 11:10:19 AM
Với việc ga Kép (Lạng Giang) được khai thác hoạt động liên vận quốc tế, Bắc Giang có thêm loại hình vận tải đưa nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên để biến cơ hội này thành lợi thế cần có thời gian cũng như nỗ lực của các ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN).
Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn cùng đại diện Công ty Ratraco, một số DN, hợp tác xã bàn giải pháp đưa vải thiều xuất khẩu qua ga Kép.
|
"Kéo gần” cửa khẩu về Bắc Giang
Ga Kép thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và là điểm bắt đầu của hai tuyến đường sắt: Kép - Hạ Long - Cái Lân và Kép - Lưu Xá. Hiện ga có 9 đường đón, gửi hàng và xếp dỡ. Thiết bị phục vụ hàng hóa có 2 kho, diện tích 1,2 nghìn m2 cùng 2 bãi xếp dỡ nền đất diện tích 4,3 nghìn m2 và một bãi hàng bê tông hơn 27 nghìn m2.
Nguồn hàng khai thác gồm: Hàng điện tử, công nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng, gỗ công nghiệp, quặng thô... Nhiều năm nay, Bắc Giang phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) xây dựng và đã tổ chức khai trương ga liên vận quốc tế Kép.
Khu vực bốc dỡ hàng hoá tại ga Kép. |
Khi ga Kép vận hành liên vận quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho các DN trên địa bàn tỉnh và các địa phương trong khu vực, giúp giảm chi phí logistics.
Đồng thời thu hút được hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương và các tỉnh lân cận, kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích cho phát triển KT-XH của tỉnh Bắc Giang nói riêng, khu vực Đông Bắc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên nói chung; hỗ trợ ga Đồng Đăng và Yên Viên (Hà Nội) trong hoạt động vận tải liên vận quốc tế.
Theo Sở Công Thương, việc xuất nhập khẩu các nguyên, nhiên liệu, máy móc, thiết bị để phục vụ cho các khu công nghiệp của tỉnh qua cửa khẩu của Lạng Sơn đạt khoảng 1,7 triệu tấn; qua cửa khẩu Lào Cai đạt hơn 400 nghìn tấn. Với sản lượng xuất nhập khẩu lớn như vậy, nếu khai thác được ga liên vận quốc tế Kép sẽ "kéo gần” hơn cửa khẩu biên giới đến với Bắc Giang, từng bước xuất khẩu vải thiều qua ga liên vận quốc tế này. Hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn bởi toàn bộ thủ tục hải quan thực hiện tại ga; đồng thời giảm tải phương tiện cho đường bộ, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, ùn ứ nông sản ở cửa khẩu.
Tổ chức chuyến xuất hành đầu tiên để rút kinh nghiệm
Cơ hội là vậy nhưng việc đưa vải thiều xuất khẩu bằng đường sắt vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương, vải thiều không như một số nông sản khác.
Nếu đột ngột thay đổi nhiệt độ thì mã, chất lượng quả vải sẽ giảm, giá bán theo đó giảm theo, thậm chí không tiêu thụ được. Vì vậy, cần có những container tự hành để vận chuyển vải thiều. Hiện Sở Công Thương đang phối hợp với các đơn vị liên quan tìm giải pháp tốt nhất để đưa vải thiều xuất khẩu bằng đường sắt qua ga Kép.
Quan tâm, đón bắt cơ hội ga liên vận quốc tế, huyện Lục Ngạn cũng rốt ráo triển khai nhiều biện pháp. Với hơn 17,3 nghìn ha, năm nay huyện Lục Ngạn dự kiến sản lượng đạt khoảng 98 nghìn tấn vải thiều, trong đó vải chín sớm khoảng 25 nghìn tấn, còn lại là vải chính vụ. Huyện phấn đấu tiêu thụ 78,3 nghìn tấn vải tươi (chiếm gần 80% sản lượng), trong đó xuất khẩu 43,3 nghìn tấn (có xuất sang thị trường truyền thống Trung Quốc).
Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ tháng 4, UBND huyện tổ chức nhiều buổi làm việc với Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) - đơn vị vận hành ga Kép bàn phương án vận chuyển vải thiều qua đây. Tại buổi làm việc mới đây nhất, đại diện Công ty Ratraco khẳng định, đến nay ga Kép cơ bản hoàn thiện hạ tầng cũng như điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, hải quan. Với khoảng 200 container (cả lạnh và thường), ga bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu vận chuyển vải thiều sang thị trường Trung Quốc.
Vải thiều không như một số nông sản khác. Nếu đột ngột thay đổi nhiệt độ thì mã, chất lượng quả vải sẽ giảm, giá bán giảm theo, thậm chí không tiêu thụ được. Vì vậy cần có những container tự hành để vận chuyển vải thiều. Sở Công Thương đang phối hợp với đơn vị liên quan tìm giải pháp tốt nhất để xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt qua ga Kép”.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương |
Về thời gian di chuyển, đại diện DN cho biết, sau khi đóng đủ hàng (khoảng 20 container/chuyến), từ ga Kép đến ga Bằng Tường khoảng 8 giờ (cả thời gian làm thủ tục thông quan). Đối với cước vận chuyển, mỗi container lạnh 36,4 triệu đồng và container thường 20,4 triệu đồng. Chị Tạ Thị Thuỷ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bằng Thuỷ, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) nói: "Dù giá cước vận chuyển không giảm nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ song thời gian di chuyển nhanh hơn, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều thương nhân khác rất băn khoăn đối với việc chuyển tiếp container về các chợ cũng như điểm giao hàng bên Trung Quốc”.
Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, sau các buổi làm việc với Công ty Ratraco, một số thương nhân đã quan tâm tìm hiểu về hành trình đưa vải thiều "xuất ngoại” qua ga Kép. Tuy nhiên do đã quen với vận tải bằng đường bộ nên nhiều thương nhân ngại thay đổi, thậm chí chưa hiểu về quy trình vận tải bằng đường sắt. Đồng hành cùng DN, người dân, bên cạnh nỗ lực cải tạo ga Kép của đơn vị vận hành, UBND huyện Lục Ngạn đã làm việc với Kiểm dịch thực vật vùng VII nhằm tạo thuận lợi nhất trong thực hiện kiểm dịch đối với quả vải. Về chi phí vận chuyển, địa phương đang đàm phán, tìm thêm đối tác, vừa bảo đảm chất lượng dịch vụ, vừa giảm giá thành.
"Việc vận chuyển qua ga liên vận quốc tế sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu vải thiều song cần có thời gian và quá trình kiểm nghiệm, đánh giá. Để tuyên truyền đến DN, người dân, cuối tháng 5 này, UBND huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức lễ xuất hành đưa vải thiều sang thị trường Trung Quốc bằng đường sắt. Sau chuyến đi này, địa phương sẽ phối hợp đánh giá chất lượng, hiệu quả của loại hình vận tải này để thông tin, tuyên truyền đến các DN, hợp tác xã cũng như thương nhân”, ông Nguyễn Thế Thi nói.
Được biết, Chi cục Hải quan Quản lý các KCN Bắc Giang đã xây dựng phương án thành lập Đội Nghiệp vụ Hải quan ga Kép. Theo đó, đội sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng tàu hỏa liên vận quốc tế và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của những DN có trụ sở tại các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam. Dự kiến, Đội Nghiệp vụ gồm 11 người. Việc bố trí hoạt động tại ga giúp thông quan nhanh chóng, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Với các giải pháp đồng bộ, nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, hy vọng năm nay vải thiều Bắc Giang sẽ được xuất khẩu qua đường sắt, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Các tin khác
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).