Sản phẩm chất lượng cao: Tiêu chí tạo sức hút người tiêu dùng
- Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2023 | 10:55:33 AM
Hiện nay, người tiêu dùng không chỉ chú trọng những yếu tố cơ bản như chất lượng, giá cả..., mà ngày càng quan tâm tới các yếu tố về an toàn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tuần lễ nông sản Sơn La tạo sức hút với khách hàng Thủ đô. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
|
Thói quen người tiêu dùng những năm gần đây đã thay đổi, việc phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại hay các đại lý chính hãng đã giúp người tiêu dùng dành sự quan tâm nhiều đối với các sản phẩm an toàn, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý rõ ràng… Điều đó cho thấy, thị trường tiêu dùng Việt đang dần phát triển về chiều sâu.
Hướng mạnh tới các tiêu chuẩn an toàn
Theo kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố mới đây, người tiêu dùng không chỉ chú trọng những yếu tố cơ bản như chất lượng, giá cả..., mà ngày càng quan tâm tới các yếu tố về an toàn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
[150 gian hàng tham gia Hội chợ Nông sản thực phẩm an toàn]
Riêng đối với sản phẩm ở một số nhóm ngành, gồm: Thực phẩm, đồ uống... thì những yếu tố về an toàn sử dụng, có thông tin rõ ràng về chất lượng và nhà sản xuất ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn trước.
Tương tự, kết quả khảo sát "Thói quen tiêu dùng 2023” của PwC (là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về các dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn pháp lý, thương vụ) cũng cho thấy, dù người dân đang lên kế hoạch giảm chi tiêu và nền kinh tế còn nhiều khó khăn, song người tiêu dùng vẫn sẵn lòng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững, có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất từ các công ty có uy tín và đạo đức kinh doanh.
Điều này cũng thể hiện rõ nét tại Tuần lễ mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố năm 2023 tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, Hà Nội diễn ra những ngày đầu tháng 6/2023. Đây là dịp để người dân Thủ đô Hà Nội trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP, GlobalGAP, OCOP, Organic của tỉnh Sơn La như: Mận hậu, xoài, mít, nhãn, thanh long…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, hiện nay, tại hệ thống bán lẻ thực phẩm của Central Retail (GO!, Big C, Tops Market), các sản phẩm của tỉnh Sơn La được khách hàng rất ưa chuộng và được đánh giá khá cao bởi chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GolbalGAP, Organic...
Điều này được thể hiện thông qua 60 mặt hàng nông sản các loại của tỉnh Sơn La được bày bán thường xuyên trên kệ hàng của hệ thống 18 siêu thị GO!, Big C, Tops Market khu vực miền Bắc.
"Năm 2022 vừa qua, lượng nông sản Sơn La tại các siêu thị của Central Retail đạt mức tăng trưởng gấp 20 lần, thậm chí có những mặt hàng như bắp cải tăng trưởng 80 lần,” đại diện Central Retail chia sẻ.
Tăng giá trị thương hiệu
Thực tế từ phía doanh nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) Ma Thị Ninh chia sẻ, những năm qua, hợp tác xã luôn lấy chất lượng sản phẩm an toàn là vấn đề quan tâm hàng đầu để sản xuất hàng hóa. Hiện nay, hợp tác xã có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh, trong đó, bí xanh thơm được chứng nhận 4 sao, gạo nếp tài và miến dong Yến Dương đạt 3 sao.
Sản phẩm trà bí thơm chứng nhận hữu cơ PGS, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các sản phẩm đều thực hiện sản xuất, chế biến theo quy trình bảo đảm an toàn, có tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin để yên tâm lựa chọn sản phẩm. Đây là mục tiêu mà hợp tác xã tiếp tục hướng đến trong thời gian tới.
Tương tự, sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý không chỉ góp phần nâng cao giá trị chè, mang lại nhiều ích lợi cho người sản xuất, mà còn tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm đặc biệt được sản xuất theo quy trình chặt chẽ.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà Đặng Ngọc Phố cho biết trước đây, chè Shan tuyết Hồng Thái chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh, thì nay đã vươn ra các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… được người tiêu dùng yêu thích.
Đánh giá về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết người tiêu dùng Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung đều ưa chuộng các sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường.
"Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực bắt kịp xu hướng và thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt nhiều hơn. Khi thị trường cạnh tranh gay gắt thì việc xây dựng lòng tin nơi khách hàng, minh bạch thông tin, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là yếu tố tạo ra lợi thế để tăng trưởng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu và giúp doanh nghiệp có vị trí vững vàng trên thị trường,” bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, hiện đời sống người dân không ngừng được nâng lên, vì thế, việc lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm.
Về phía cơ quan chức năng, nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch hành động, triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất sạch, làm ra sản phẩm thân thiện môi trường cũng như tăng cường liên kết các doanh nghiệp cung ứng, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi vòng đời sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Thủ đô./.
Các tin khác
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).