Khắc phục hậu quả chiến tranh - nền tảng cho quan hệ Việt Nam-Mỹ

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/7/2023 | 8:05:34 AM

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh được đánh giá là một nền tảng trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước.

Cán bộ phụ trách giới thiệu các phương pháp hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn tại Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)
Cán bộ phụ trách giới thiệu các phương pháp hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn tại Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Sau 28 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (12/7/1995) và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện (25/7/2013), hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh được đánh giá là một nền tảng trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực quan trọng khác.

Một phần quan trọng của quá trình hòa giải giữa hai nước sau chiến tranh là hoạt động phối hợp nhân đạo tìm kiếm và kiểm kê quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam, được tiến hành từ cuối những năm 1980.

Sau 35 năm hai bên tiến hành hoạt động hỗn hợp tìm kiếm, đến nay đã giúp xác minh được hơn 730 trường hợp quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA).

[Việt Nam-Hoa Kỳ hợp tác trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh]

Trong số 1.973 trường hợp quân nhân Mỹ mất tích, nay chỉ còn 1.239 trường hợp cần tiếp tục tìm kiếm. Đây là một trong những trụ cột trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước.

Về hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam hy sinh trong chiến tranh (Việt Nam còn khoảng 180.000 liệt sỹ chưa tìm thấy), trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ký tháng 7/2021, hai bên tích cực triển khai các nội dung đã ký kết, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, phía Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam hơn 30 bộ hồ sơ về bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh, cùng nhiều kỷ vật chiến tranh.

Cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ đã khởi động Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VWAI) nhằm hỗ trợ tìm kiếm và xác định danh tính người Việt Nam hy sinh và mất tích trong chiến tranh.

Sáng kiến có sự tham gia của Viện Hòa bình Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Đại học Harvard, và Ủy ban Quốc tế về người mất tích (ICMP).

Sáng kiến VWAI do Mỹ hỗ trợ đã thúc đẩy chuyển giao công nghệ pháp y, phát triển năng lực quản lý và phân tích dữ liệu, đồng thời đào tạo nhân viên pháp y cho Việt Nam.

Nhiều cựu chiến binh Mỹ cũng đã trở lại Việt Nam để giúp tìm kiếm các địa điểm nơi đơn vị của họ chôn cất binh lính Việt Nam trong chiến tranh.

Hoạt động nhân đạo này đã góp phần tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Hàng loạt dự án đã và đang được triển khai, ghi nhận những nỗ lực chung trong hợp tác Việt-Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó phải kể tới việc hoàn thành Dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng; tiếp tục triển khai dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa; Dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam; dự án truyền thông về khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.

Tháng Ba vừa qua, Mỹ đã công bố một dự án mới trị giá 73 triệu USD để xử lý đất và trầm tích bị ô nhiễm tại Biên Hòa.

Chính phủ Mỹ đã tài trợ hơn 206 triệu USD trong gần 3 thập niên cho các chương trình tiêu hủy vũ khí truyền thống tại Việt Nam với mục đích rà phá bom mìn, vật liệu nổ, giáo dục về nguy cơ bom mìn, vật liệu nổ và hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia.

Riêng tại tỉnh Quảng Trị, được xác định là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất toàn quốc với 81,36% diện tích bị ô nhiễm ở tất cả 141 xã, phường, thị trấn, từ năm 1996 đến nay, Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn với ngân sách ước tính khoảng 91,1 triệu USD.

Từ năm 2013 đến nay, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các phương pháp quản lý và công nghệ mới trong khắc phục hậu quả bom mìn. Diện tích đất được rà phá tăng nhanh.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tiến hành rà phá bom mìn trên diện tích gần 500.000ha.

Dự kiến từ năm 2023-2028, hai bên sẽ hợp tác  hoàn thành mục tiêu rà phá khoảng 350.000ha diện tích đất bị ô nhiễm.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam giữa tháng Tư vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố "Mỹ cam kết thực hiện công việc đang diễn ra để giải quyết các hậu quả của chiến tranh. Đây là vấn đề của sự tin tưởng, cam kết và trách nhiệm."

Thượng nghị sỹ Mỹ Jeff Merkley trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, cũng nhấn mạnh "Chúng ta nên tự hào vì những gì mà chúng ta đã làm, cùng phối hợp hợp tác giữa hai quốc gia về giải quyết hàng loạt nỗi đau chiến tranh. Tất cả những gì mà chúng ta đã nỗ lực hợp tác với nhau sẽ là những di sản tuyệt vời để lại cho thế hệ sau, đó là di sản của hòa bình, của tình hữu nghị và cơ hội phục hồi"./.

TheoTTXVN

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Ðại diện Ðồn Biên phòng Ba Sơn, tỉnh Lạng Sơn trao tre giống, tặng người dân thực hiện mô hình

Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục