Động thái này đã góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống xã hội, tạo nền tảng phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Hỗ trợ tài chính trực tiếp
Theo Tổng cục Thuế, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất có ý nghĩa như Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, giúp giảm các nghĩa vụ tài chính, vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, đối với chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, số tiền được gia hạn tương tự một khoản Nhà nước cho vay không tính lãi, tạo điều kiện để doanh nghiệp cải thiện thanh khoản, qua đó duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn và đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Ngoài ra, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng trong năm 2022 đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có "tác dụng kép”, giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.
Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành một số chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như Nghị định 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19,...).
Bên cạnh việc gia hạn, Chính phủ đã giảm tiền thuê đất phải nộp đối với các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng dầu, mỡ nhờn; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước, đồng thời, giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí,...
Giãn, miễn, giảm hàng chục nghìn tỷ đồng
Năm 2023, nhằm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình mới, Chính phủ tiếp tục ban hành một số chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; Nghị định 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Ngay khi các chính sách được ban hành, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã ban hành công điện gửi Cục Thuế và chính quyền các địa phương về việc triển khai thực thi chính sách.
Đồng thời, Tổng cục cũng đứng ra tiếp thu, ghi nhận vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, hỗ trợ đúng đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Tổng cục đã ban hành các công văn chỉ đạo ngành thuế các địa phương hướng dẫn người nộp thuế thuộc các trường hợp được hưởng chính sách kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế và yêu cầu báo cáo kết quả theo đúng quy định.
Kết quả thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ người dân và người nộp thuế năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, năm 2022, tổng số tiền lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 5.581 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay hơn 2.383 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng gần 169 nghìn tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn hơn 38 nghìn tỷ đồng; tiền thuế, thuê đất được gia hạn 101 nghìn tỷ đồng,...
Năm 2023, Tổng cục Thuế giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay của 21 trường hợp với số tiền đề nghị miễn giảm thuế là 1.122 tỷ đồng, đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn có 467 trường hợp đề nghị, số tiền được đề xuất giảm 14.805 tỷ đồng.
Đồng thời, có 69.166 trường hợp đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế, trong đó có 62.508 trường hợp gia hạn thuế giá trị gia tăng, 57.831 trường hợp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, 5.882 trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh và 7.706 trường hợp gia hạn tiền thuê đất với số thuế, tiền thuê đất được gia hạn hơn 58.400 tỷ đồng.
Việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2022, qua khảo sát một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa,... tình hình triển khai tương đối thuận lợi do tiếp nhận thủ tục, hồ sơ qua hệ thống hồ sơ điện tử.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện các chính sách quan trọng trên đối với nền kinh tế, Tổng cục Thuế đánh giá vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Thực tế, đã phát sinh một số vướng mắc chủ yếu về cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế; thời điểm lập hóa đơn và lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa dịch vụ được giảm thuế.
Ngoài ra, có phát sinh một số vướng mắc điển hình trong việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh như khó khăn cho việc theo dõi bù trừ gia hạn,...
Những vướng mắc này cần sớm được các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Tổng cục Thuế nhận định, trước mắt, cũng đã nhìn thấy hướng giải quyết, thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để chính sách tài chính quan trọng này đi vào thực tế một cách nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả.