Nhận thức mới, kiến thức mới, quyết tâm mới và có thu nhập cao
- Cập nhật: Thứ tư, 11/10/2023 | 2:10:56 PM
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 với chủ đề “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp” sẽ diễn ra ngày 12/10 tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN
|
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã trả lời phỏng vấn của báo chí về mục đích, ý nghĩa trong việc tổ chức Diễn đàn; đồng thời, làm rõ hơn vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc vận động thành lập, hỗ trợ các hợp tác xã; tuyên truyền rộng rãi đến các cán bộ, hội viên nông dân về dự thảo Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030.
Xin bà cho biết Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VIII có ý nghĩa thế nào?
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ra Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, trong đó có Hợp tác xã và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nông dân.
Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề: "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp" nhằm cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; làm rõ hơn vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc vận động thành lập, hỗ trợ các hợp tác xã.
Thông qua Diễn đàn, Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, biểu dương, lan tỏa những cá nhân, tổ chức tiêu biểu; các mô hình tổ chức liên kết tiên tiến, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Những kết quả đạt được của Hội Nông dân trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể là như thế nào, thưa bà?
Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp Hội Nông dân phải đặc biệt quan tâm chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hoạt động theo phương thức "5 tự, 5 cùng", góp phần đẩy mạnh quá trình hợp tác sản xuất và chủ động tham gia phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã kiểu mới.
Đến nay, cả nước đã có 3.645 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 11.594 hội viên, 36.363 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 482.362 hội viên. Đây là đơn vị hành động, cầu nối giữa cơ sở Hội với hội viên nông dân được tổ chức theo thôn, bản, làng, khu phố và theo nghề nghiệp. Qua đó, tập hợp thu hút hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ, tạo tiền điền phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở địa phương. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực.
Các cấp Hội Nông dân trực tiếp tư vấn, hướng dẫn nông dân các bước thành lập Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã từ khâu khảo sát, lập dự án đến tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đến hết năm 2022, các cấp Hội Nông dân đã vận động, hỗ trợ hướng dẫn thành lập 22.374 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có gần 3.800 Hợp tác xã nông nghiệp và 19.976 Tổ hợp tác nông nghiệp.
Trong đó, trên 700 Hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%). Các mô hình Hợp tác xã nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng. Nhiều Hợp tác xã đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Để biểu dương, tôn vinh những tấm gương, điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, lần đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Lễ tôn vinh 63 Hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập.
Có thể khẳng định, 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc, 63 Hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu toàn năm 2023 đều là những gương mặt tiêu biểu, đại diện cho nông dân cả nước. Họ đều là những nhà nông năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất kinh doanh, có các giải pháp áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đây chính là những đầu tàu truyền động lực, cổ vũ, khuyến khích nông dân cả nước hăng hái tham gia lao động sản xuất, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm, khát vọng vươn lên làm giàu; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tôi tin tưởng rằng, từ chính những mô hình cụ thể, việc làm thực tế của 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc, 63 Giám đốc Hợp tác xã tiêu biểu năm 2023 sẽ góp phần lan toả mạnh mẽ về mẫu hình người "Nông dân mới - Hợp tác xã kiểu mới" trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước với 5 tiêu chuẩn: Nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới; quyết tâm mới và có thu nhập cao.
Hợp tác xã Tân Hoàng Trà ở tổ dân phố 5, thị trấn sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) có 60 hộ tham gia sản xuất chè VietGap trên diện tích hơn 65 ha, đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì nhằm hỗ trợ nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, thưa bà?
Trong thời gian tới, Hội tiếp tục tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hội thực hiện công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động, tư vấn và hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập mới các Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các Hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập, đảm bảo 100% các Hợp tác xã được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; số Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm bình quân mỗi năm tăng khoảng 5%.
Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập; các cấp Hội tiếp tục tập trung hỗ trợ cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tiếp tục tăng cường các hoạt động triển lãm, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, mã vùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của các Hợp tác xã.
Hội Nông dân tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Trân trọng cảm ơn bà!
Các tin khác
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).