Thêm nhiều trái ngọt
Yên Thế là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, có diện tích tự nhiên 306 km2, có xuất phát điểm thấp, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng manh mún; thu nhập bình quân đầu người thấp. Trong việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Thế luôn được huyện xác định là một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Với đặc thù địa phương vùng núi có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống nên huyện rất chú ý việc xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch, vận động người dân hiến đất, làm đường, vệ sinh môi trường…
Đến thời điểm hiện tại huyện đã có 8/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); 53 thôn, bản đạt chuẩn (trong đó có 13 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); 17/17 xã đạt các tiêu chí về điện, trường học, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục đào tạo, văn hóa; 16/17 xã đạt tiêu chí về số hộ nghèo; 11/17 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 8/17 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất… Để có những kết quả này là do sự đồng lòng, quyết tâm huy động mọi nguồn lực để triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, điện, trường, nhà văn hóa...
Đồng thời triển khai các đề án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn, trọng tâm phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: gà đồi Yên Thế, dê thương phẩm, nhãn chín muộn, vải thiều, chè xanh, rừng kinh tế... Thông qua các chương trình, đề án, dự án sản xuất đã góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn. Công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, thu nhập của người dân tăng lên từng ngày. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, tiếp cận pháp luật, quốc phòng an ninh và trật tự trị an trên địa bàn huyện Yên Thế cũng đều có những bước tiến vượt bậc. Tình hình an ninh trật tự địa phương ổn định. Bà con an tâm làm ăn, tăng gia sản xuất và xây dựng đời sống nông thôn ổn định.
Gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) địa bàn huyện Yên Thế những năm qua luôn được quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả, kết quả đến nay đã có 28 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên, trong đó có hai sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao; đã có 10 chủ thể đưa sản phẩm tham gia sàn giao dịch điện tử, các cửa hàng tiện ích... Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thế, cho biết: "Lấy quy hoạch làm trọng tâm ngay từ đầu giai đoạn thì chính quyền huyện đã chỉ đạo các xã lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Trong khi triển khai, bà con rất hào hứng. Đến nay, có rất nhiều hộ gia đình đã đóng góp không nhỏ trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương như: Đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường, hiến đất làm những công trình phúc lợi, vận động bà con, anh em, người thân trên toàn quốc và nước ngoài đóng góp xây dựng để xây dựng hạ tầng của huyện, xã”.
Lan tỏa mô hình "Dân vận khéo”
Những năm qua, huyện Yên Thế chú trọng công tác dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng các môi hình "Dân vận khéo” từ đó đã trở thành phong trào thi đua có sức lan tỏa, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.Việc sâu sát cơ sở của cán bộ còn được thể hiện ở "3 rõ”. Rõ người, rõ việc, rõ thời gian. Ban Dân vận Huyện uỷ phân công các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên phụ trách theo dõi các mô hình dân vận khéo theo cụm xã; phối hợp Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ việc xây dựng, tổ chức thực hiện mô hình. Khác với trước đây, hiện giờ tất cả các mô hình "Dân vận khéo” được triển khai đều phải qua các bước.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, dự án mở rộng tuyến đường liên xã Tân Hiệp - Đồng Lạc được triển khai nhanh chóng. |
Thôn Đền Trắng, xã Đông Sơn - nơi có 90% hộ dân làm nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay, trong quá trình làm đường giao thông nông thôn, cứng hóa kênh mương, nhân dân đã hiến hàng nghìn mét đất thổ cư, đất ruộng, phá tường rào; không ít hộ hiến từ 100-200 m2. Điển hình như gia đình các ông Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Xuân Chiến, Trần Văn Giáp... Ông Phạm Văn Thi, Bí thư Chi bộ thôn Đền Trắng cho biết: "Những năm trước, các tuyến đường chính của thôn chỉ rộng từ 2-2,5 m, giao thông khó khăn, ô tô đi ngược chiều không thể tránh nhau, nay nhờ vận động hầu hết các tuyến đường được mở rộng từ 5-6 m, bà con rất vui mừng, phấn khởi”.
Thời gian qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Đông Sơn vận động thành công gần 70 xưởng xẻ, bóc gỗ trong xã thu gom phế liệu, phụ phẩm bán cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất công nghiệp, vừa mang lại nguồn thu, vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm. Các xưởng còn ủng hộ nguồn kinh phí lớn để xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn xã.
Ở xã Đồng Kỳ, công tác dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới cũng được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Các tiêu chí khó như: Làm đường giao thông; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; xử lý rác thải; vệ sinh môi trường được Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể xã tập trung thực hiện quyết liệt. Trên địa bàn xã có chín cung đường mới đã và đang được thi công, mở rộng từ 2,5 m lên 5 m. Mới đây, toàn xã trồng hơn một nghìn cây cau và nhiều hoa trên các tuyến đường, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, bảo vệ môi trường sống. Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối dân vận xã Đồng Kỳ, cách làm của xã là chọn những thôn có điều kiện thuận lợi làm điểm sau đó nhân rộng ra những thôn khác để tạo thành phong trào.
Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy Yên Thế tích cực tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, khối dân vận các xã, thị trấn tích cực triển khai, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.