Thực hiện gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng: Chủ đầu tư, ngân hàng tìm tiếng nói chung

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/11/2023 | 8:21:06 AM

Nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ngày 11/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban bành Nghị quyết 33/NQ-CP, trong đó có chương trình tín dụng khoảng 120 nghìn tỷ đồng. Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay với lãi suất ưu đãi. Thực hiện chương trình, Bắc Giang đang tập trung các giải pháp để giải ngân vốn, sớm đưa dự án vào khai thác.

Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đủ điều kiện được vay vốn từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đủ điều kiện được vay vốn từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

3 dự án đủ điều kiện được vay vốn

Chương trình gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp cho các nhà đầu tư nhà ở xã hội cũng như đối tượng thụ hưởng được vay với lãi suất thấp, giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại gồm: Nông nghiệp và PTNT (Agribank), Công Thương (Vietinbank), Ngoại thương (Vietcombank), Đầu tư và Phát triển (BIDV). Thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.

 Phối cảnh dự án khu nhà ở xã hội thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).

Phối cảnh dự án khu nhà ở xã hội thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Trong đó nhấn mạnh, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc để xác định rõ nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ. Với ngành ngân hàng, tiếp tục thúc đẩy việc cho vay gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng, có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.

Chủ động các giải pháp từ khi có gói tín dụng và thực hiện chỉ đạo của T.Ư, Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch, rà soát từng dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Qua đó, UBND tỉnh công bố công khai 12 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh (2 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, 10 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân) để các ngân hàng biết, tiếp cận. 

Đến nay, có 3 dự án đáp ứng điều kiện được vay gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng, gồm: Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới, thị trấn Nếnh và Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Quang Châu (Việt Yên); Dự án khu nhà ở xã hội thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 3 dự án đáp ứng điều kiện theo quy định gồm: Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới, thị trấn Nếnh và Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Quang Châu (Việt Yên); Dự án khu nhà ở xã hội thị trấn Nham Biền (Yên Dũng). 

Theo đại diện Sở Xây dựng, các dự án nêu trên bảo đảm các tiêu chí như: Dự án có trong danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở; đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất và hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB); được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định.

Đàm phán để đi đến thống nhất

Trên cơ sở danh mục các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được công bố, các ngân hàng thương mại đã giao cho một phòng của đơn vị làm đầu mối tiếp cận, làm việc với các chủ đầu tư dự án và các sở, ngành có liên quan, kịp thời nắm bắt thông tin để triển khai cho vay. Đến ngày 20/11, toàn tỉnh chưa phát sinh dư nợ cho vay các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như đối tượng mua nhà ở thuộc dự án được UBND tỉnh công bố song bước đầu đã có những kết nối.

Tìm hiểu dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới, thị trấn Nếnh (Việt Yên) do Liên danh Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Evergreen làm chủ đầu tư được biết, hiện các ngân hàng: Agribank Bắc Giang, BIDV Bắc Giang và Ngân hàng Vietcombank Tây Bắc Giang đã chủ động liên hệ với chủ đầu tư để nắm bắt nhu cầu vay vốn. 

Dự án được triển khai gồm hai toà CT1, CT2, trong đó toà CT1 đã hoàn thiện, khu CT2 tiếp tục được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024. Dự án đã được phê duyệt đồng tài trợ cấp tín dụng 500 tỷ đồng của Vietcombank Ba Đình và Vietcombank Tây Bắc Giang (Vietcombank Ba Đình làm đầu mối). Cùng đó, BIDV Bắc Giang đã làm việc với phía DN này để thực hiện ký thoả thuận hợp tác cung cấp vốn tín dụng cho đối tượng là người mua nhà, tuy nhiên hai bên chưa thống nhất được các điều khoản và đang tiếp tục đàm phán về thoả thuận hợp tác, dự kiến hoàn thiện trong tháng 12/2023.

Với dự án khu nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Quang Châu do Công ty cổ phần Đầu tư Vega làm chủ đầu tư, Agribank Bắc Giang II và Vietcombank Tây Bắc Giang đã liên hệ nhưng chưa gặp được chủ đầu tư.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, với các dự án đủ điều kiện cho vay hiện chưa có khó khăn nhưng chưa phát sinh dư nợ là do khách hàng, đơn vị tín dụng đang thoả thuận, tìm tiếng nói chung. Các dự án còn lại chưa đủ điều kiện cho vay bởi tiến độ GPMB chậm, các hộ có đất thuộc khu vực dự án không đồng thuận với giá đền bù của Nhà nước. 

Mặt khác, một số hộ dân gần khu công nghiệp cho rằng, khi đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của hộ kinh doanh nhà trọ khiến việc GPMB càng thêm trở ngại. Trong khi đó, theo quy định, dự án đủ điều kiện cho vay phải đáp ứng điều kiện đã hoàn thành GPMB toàn bộ dự án nên những dự án còn lại khó đáp ứng yêu cầu.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện các thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp cho vay theo quy định. Cùng đó, các địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn, tập trung GPMB, sớm đưa các dự án vào khai thác, phục vụ người dân được thụ hưởng.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Từ ngày 15/4/2025, Nghị quyết số 27/2025/NQ-HĐND ngày 3/4/2025 của HĐND tỉnh Bắc Giang quy định mức nộp tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa; nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ, việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hiệu lực thi hành.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Blueway Vina, Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên).

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đường giao thông khu dân cư khu vực thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Ảnh Danh Lam: TTXVN

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự