Vùng trung du và miền núi phía bắc: Chú trọng tính bền vững, chất lượng trong phát triển nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/12/2023 | 2:37:44 PM

Quy hoạch vùng trung du miền núi và phía bắc xác định nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn; tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc đã chủ trì Hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề "Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc, các chuyên gia và nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc có ý nghĩa quan trọng, giúp "mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng.

Đặc biệt, quy hoạch đã chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Đồng thời, quy hoạch cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.

Vùng trung du và miền núi phía bắc: Chú trọng tính bền vững, chất lượng trong phát triển nông nghiệp ảnh 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc phát biểu tại hội nghị.

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Quy hoạch Trung du và miền núi phía Bắc nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia đã và đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện nay, đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được lập, thẩm định và phê duyệt (97,3%), trong đó có 17 quy hoạch cấp quốc gia và 26 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, trong đó 8/14 quy hoạch tỉnh thuộc vùng.

"Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ngày hôm nay là bước tiếp theo rất quan trọng và hết sức cần thiết để cơ quan lập quy hoạch tiếp tục lắng nghe ý kiến tham gia và sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng; đồng thời, tháo gỡ những "nút thắt”, "điểm nghẽn” trong phát triển thời gian vừa qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Để bảo đảm quy hoạch vùng có chất lượng, hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng, các đại biểu tập trung cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu phát triển và các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết; định hướng tổ chức không gian phát triển gồm 4 tiểu vùng - 6 hành lang kinh tế - 3 vành đai kinh tế và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

Đồng thời, cho ý kiến đối với việc xác định chiến lược vùng về sinh thái và môi trường; giải quyết các xung đột, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; việc xác định chiến lược vùng để bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực; việc xác định nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng; phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Cùng với đó là vấn đề về kết cấu hạ tầng của vùng tương xứng với yêu cầu phát triển để thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, liên kết quốc tế và một số các vấn đề khác như: giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, danh mục dự án liên kết vùng ưu tiên đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng để thúc đẩy hợp tác phát triển vùng có hiệu quả…

Vùng trung du và miền núi phía bắc: Chú trọng tính bền vững, chất lượng trong phát triển nông nghiệp ảnh 2

Hội nghị nhằm lấy ý kiến các thành viên Hội đồng, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.

Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng.

6 nội dung trọng tâm trong quy hoạch vùng

Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới, có thể tóm gọn thành 6 nội dung trọng tâm. Đó là:

Thứ nhất, cụ thể hóa những nội dung trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua và kế thừa, phát huy những nội dung ưu việt trong quy hoạch vùng thời kỳ trước, Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc đã đề xuất phân vùng thành các tiểu vùng chi tiết hơn để tạo ra các khu vực có liên kết chặt chẽ và có khả năng chia sẻ hạ tầng hiệu quả hơn.

Quy hoạch đã làm rõ cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế (4 hành lang chính và 2 hành lang phụ), 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

Thứ hai, quy hoạch đề ra chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò quốc gia trọng yếu của vùng: là "phên dậu” của đất nước, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn.

Thứ ba, có chiến lược vùng để bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực. Việc phát triển và khai thác nguồn nhân lực phải đi liền với bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa bản địa - là một trong ba khâu đột phá bên cạnh hạ tầng, kinh tế và môi trường.

Thứ tư, quy hoạch xác định nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn; tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả; khuyến khích sản xuất nông nghiệp tập trung và theo hướng hàng hóa đồng thời kết hợp với công nghiệp chế biến tại những khu vực có quỹ đất canh tác lớn và kết nối giao thông thuận lợi để tạo giá trị kinh tế lớn.

Thứ năm, tăng cường tỷ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại chỗ, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện, và tối ưu hóa thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, kết cấu hạ tầng của vùng cần được dần dần hoàn thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng cần được đầu tư để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa, giảm sự cách biệt lớn giữa các địa phương trong vùng.

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Ðại diện Ðồn Biên phòng Ba Sơn, tỉnh Lạng Sơn trao tre giống, tặng người dân thực hiện mô hình

Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục