Họp báo Chính phủ: Ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong năm 2024
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/1/2024 | 5:40:02 PM
Chiều 5/1 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người Phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo.
Quang cảnh họp báo. Ảnh : Phương Hoa-TTXVN
|
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông báo nội dung Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, dự báo tình hình năm 2024 - năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 - tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023. Do vậy, các cấp ngành cần bám sát các chỉ đạo thực hiện từ trung ương, triển khai các nhiệm vụ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, có 10 nhóm giải pháp cụ thể, chủ yếu được Thủ tướng chỉ đạo trong năm 2024; trong đó tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh việc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (liên kết vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen…).
Đặc biệt, tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia. Quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu ngân sách nhà nước 2024 tăng ít nhất 5%.
Cùng đó, các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược. Trình ban hành các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh...
Các đơn vị tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi.
Tiếp đó, các đơn vị chức năng rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ưu tiên bố trí nguồn lực cho phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đối ngoại và hội nhập quốc tế....
Về năm 2023, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông báo đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.
Khu vực nông nghiệp là điểm sáng, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, năm 2023 tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua.
Khu vực dịch vụ tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%. Công nghiệp phục hồi nhanh qua từng quý, cả năm tăng 3,02%.
Thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng; đồng thời tăng thu, tiết kiệm chi, đã trích lập được khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), cao nhất từ trước đến nay, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài…
Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số ước đạt khoảng 16,5% GDP, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 - 2023)…
Các tin khác
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).