Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần thứ 15 phản ánh cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của người dân Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trong năm 2023.
Báo cáo cho thấy, năm 2023, người dân đánh giá cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử, nhưng lại đánh giá thấp hơn hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định tại địa phương. Tình hình kinh tế của Việt Nam và điều kiện kinh tế hộ gia đình là mối quan ngại hàng đầu của người dân trong năm qua.
Năm 2023, ba vấn đề người dân cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tiếp theo đó là nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%). Những kết quả nêu trên cho thấy người dân thực sự quan ngại về tình hình kinh tế trong năm qua.
Phát biểu khai mạc Lễ công bố, PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, điểm lại một số kết quả quan trọng mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) và UNDP đã cùng nhau đạt được trong chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của Bộ chỉ số PAPI, bền bỉ đóng góp cho những thay đổi to lớn, tích cực, có hệ thống trong nền hành chính công Việt Nam.
"Nhìn lại những thành tựu hợp tác giữa HCMA và UNDP trong 15 năm qua, có thể thấy chúng ta đang đi đúng hướng, kết quả nghiên cứu đã có tác động tích cực, trực tiếp đến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thực tiễn quản trị công ở các địa phương của Việt Nam”, PGS,TS Dương Trung Ý khẳng định, "Các bộ chỉ báo khách quan như PAPI, PCI, hay chỉ số Cải cách hành chính công (PAR Index), một mặt được coi là một căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành, địa phương; mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Kết quả PAPI năm 2023 cũng cho thấy, đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Một trong những lý do khiến người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư, với 1/3 số người đã dùng các cổng dịch vụ công nêu lý do này.
Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, bà Ramla Khalidi phát biểu: "Dữ liệu từ Chỉ số PAPI phục vụ cung cấp bằng chứng cho việc hoạch định chính sách rất phong phú. Dựa trên những dữ liệu này, chúng tôi mong rằng tất cả các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi cởi mở với các bên liên quan và có những hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Mặc dù chúng ta thấy có những điểm sáng trong năm 2023, đặc biệt trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và trong thúc đẩy tiềm năng của quản trị điện tử, chúng ta vẫn còn có những mảng màu chưa sáng ở những lĩnh vực khác, đặc biệt trong đánh giá của người dân về mức độ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”.
Các diễn giả trình bày tại lễ công bố Báo cáo PAPI 2023. |
Một trọng tâm quan trọng khác của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử trong bối cảnh Chính phủ và chính quyền các cấp thúc đẩy việc phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và công dân số trong thời gian qua. Quản trị điện tử là một trụ cột quan trọng cho ngôi nhà quản trị công hiệu quả. Quản trị điện tử hiệu quả có ý nghĩa quan trọng bởi qua đó người dân có thể tránh được thủ tục hành chính rườm rà; đồng thời thúc đẩy công khai, minh bạch trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc áp dụng chính quyền điện tử đã giúp kiểm soát tham nhũng tốt hơn, nhất là các hành vi tham nhũng như vòi vĩnh trong cung ứng dịch vụ công gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Trong 15 năm qua, khảo sát PAPI năm 2023 đạt số lượng phỏng vấn trực tiếp ở mức kỷ lục là 19.536 người dân là cử tri trên phạm vi toàn quốc. So sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021, 2022 cho thấy, nhìn chung hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị điện tử được cải thiện phần nào. Ngược lại, hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có xu hướng giảm sút.
Kết quả khảo sát năm 2023 cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so năm 2020. Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2023 cho biết họ đã dùng internet tại nhà, song "khoảng cách số” trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Đáng chú ý là tỉ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn từ 5%-10% so nữ giới, và người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn từ 10%-20% so người Kinh qua các năm từ 2016 đến 2023.
Những phát hiện này cho thấy cần cải thiện tính dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng của các cổng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tính thuận tiện và toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân. Một biện pháp thiết thực là thiết kế cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập và sử dụng mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, các cổng dịch vụ công phải bảo đảm quyền riêng tư của công dân.