Nỗ lực đưa vùng khó khăn về đích nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ hai, 15/4/2024 | 4:43:25 PM
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (khu vực III) có nhiều bất lợi do địa hình chủ yếu là đồi núi, thu nhập của người dân thấp nên việc huy động nguồn lực xã hội hóa hạn chế. Để khắc phục, Bắc Giang đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa các xã thuộc địa bàn này đạt chuẩn NTM.
Người dân xã Lục Sơn (Lục Nam) hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.
|
Nhiều thách thức
Theo quy định, các xã khu vực II, III nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được xác định là xã khu vực I, thôi hưởng các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này phần nào ảnh hưởng đến phong trào và sự phát triển chung về KT-XH của địa phương.
Huyện Sơn Động - địa phương đang hưởng chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, với số xã đặc biệt khó khăn lớn, điều kiện KT-XH của hầu hết các xã không thuận lợi, thu nhập bình quân đầu người thấp. Theo ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, tại các xã đặc biệt khó khăn, nguồn thu trên địa bàn có hạn, trong khi nhu cầu vốn để hoàn thiện hạ tầng rất lớn và yêu cầu xây dựng NTM ngày càng cao là thách thức đối với địa phương. Việc duy trì bền vững kết quả của các xã sau đạt chuẩn NTM còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm, thu nhập, quốc phòng và an ninh...
Cũng theo ông Kiên, trong thời gian dài, những xã khu vực III được hưởng nhiều chính ưu đãi đã khiến nhiều hộ dân và cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng trông chờ, thậm chí chần chừ, chưa muốn về đích NTM. Để khơi dậy phong trào, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa to lớn, thiết thực của chương trình xây dựng NTM, từ đó khuyến khích nhân dân tích cực, chủ động tham gia với vai trò chủ thể.
Năm nay, xã Tân Sơn (Lục Ngạn) phấn đấu về đích NTM. Theo ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã, khi bắt tay xây dựng NTM, xã Tân Sơn có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nếu đạt chuẩn NTM, hơn 9 nghìn người dân trên địa bàn xã không được nhận hỗ trợ về bảo hiểm y tế, học sinh không được hỗ trợ gạo, học phí, nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững cũng không được bố trí… Những yếu tố này tác động phần nào đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, nhân dân.
Tuy vậy, xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn, mang lại sự đổi thay toàn diện cho địa phương nên xã đã tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí. Cùng với sự hỗ trợ của cấp trên, xã có cơ chế hỗ trợ các thôn đầu tư xây dựng công trình như: Xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nhà văn hóa. Đồng thời, hỗ trợ nhân dân trong phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập… Đến nay, xã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí còn lại về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, nghèo đa chiều, y tế, môi trường, an toàn thực phẩm sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm nay.
Phát huy tính chủ động
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, tiến độ và kết quả đạt chuẩn NTM giữa huyện miền núi và miền xuôi có sự chênh lệch khá lớn (số xã đạt chuẩn tại huyện miền núi bình quân 45,2%; các huyện miền xuôi là 100%). Những địa phương có tỷ lệ xã đạt chuẩn còn thấp chủ yếu là do địa bàn rộng, địa hình phức tạp nên việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng rất khó khăn, hầu hết chưa đạt tiêu chí hạ tầng KT-XH.
Giai đoạn 2021-2025, Bắc Giang phấn đấu có 8/27 xã thuộc khu vực III đạt chuẩn NTM gồm: Trường Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Lục Sơn (Lục Nam); Tân Sơn (Lục Ngạn); Đại Sơn, Vĩnh An, Dương Hưu (Sơn Động). Đến nay đã có 5 xã đã đạt chuẩn NTM, còn lại 3 xã (Tân Sơn, Vĩnh An, Đại Sơn) phấn đấu đạt chuẩn trong NTM năm nay. |
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 8/27 xã thuộc khu vực III đạt chuẩn NTM gồm: Trường Sơn, Bình Sơn, Vô Tranh, Lục Sơn (Lục Nam); Tân Sơn (Lục Ngạn); Đại Sơn, Vĩnh An, Dương Hưu (Sơn Động). Kết quả, đến nay đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, còn lại 3 xã (Tân Sơn, Vĩnh An, Đại Sơn) phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm nay.
Theo ông Trần Văn Tú, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, qua rà soát cho thấy 3 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2024 đã có kế hoạch, xác định rõ lộ trình cụ thể. Trong đó, tiêu chí chưa đạt chủ yếu liên quan đến cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ nghèo đa chiều. Cụ thể, hết năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều (tỷ lệ hộ nghèo + tỷ lệ hộ cận nghèo) của xã Tân Sơn là 14,43%, xã Đại Sơn 26,18%, Vĩnh An 26,11%. Theo quy định bộ tiêu chí đạt chuẩn NTM, tỷ lệ nghèo đa chiều tối đa là 13% nên đây là nội dung khó, đòi hỏi các xã phải nỗ lực rất nhiều trong xây dựng cơ sở hạ tầng và giảm nghèo.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, các xã khu vực III cần chủ động rà soát bộ tiêu chí xã NTM nhằm xác định chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn, từ đó đưa ra kế hoạch thực hiện theo phương châm tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình, dự án khác.
Trong xây dựng NTM, các địa phương cần xác định mục tiêu cuối cùng là nâng chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân. Đây là chủ trương lớn, góp phần quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo. Do đó, không vì những lợi ích trước mắt của một bộ phận người dân làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung của cả chương trình, cộng đồng. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương đúng đắn, từ đó thay đổi nhận thức, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại và từng bước vươn lên.
"Đối với những vướng mắc, bất cập, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã gửi kiến nghị, đề xuất với T.Ư sửa đổi, bổ sung Điều 3, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, theo hướng: Các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn NTM tiếp tục thụ hưởng những chính sách hỗ trợ đến hết năm 2025, do nguồn vốn giai đoạn này đã được phân bổ cho từng xã. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh sẽ thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nhất là đối với các xã khu vực III" - ông Trần Văn Tú cho biết thêm.
Các tin khác
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).