Rà soát các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/5/2024 | 2:07:57 PM

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến. (Ảnh: DUY LINH)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trình bày nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được 54/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; 23 báo cáo của các tổ chức thành viên; 16 ý kiến, kiến nghị của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với tổng số 665 lượt ý kiến.

Về phục hồi và phát triển kinh tế, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, xăng, dầu tiếp tục tăng…

Giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định; công tác quản lý thương mại điện tử chưa chặt chẽ, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Chiến phản ánh, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, "nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.

"Cử tri và nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước "không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này”, ông Chiến nêu.

Về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Chiến nhấn mạnh việc khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội… cho người dân.

Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

 

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị giải quyết đủ nước sinh hoạt cho người dân ở một số vùng khó khăn như ở vùng núi, vùng Tây Nam Bộ. "Đây là mặt hàng thiết yếu, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, ông Chiến nói.

Bên cạnh đó, đề nghị tổng rà soát, tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát.

Kiến nghị tiếp theo được ông Chiến đề cập là Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện "cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Rà soát các điều kiện

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đánh giá báo cáo được xây dựng công phu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, báo cáo nên tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm nhiều như: việc làm, thu nhập, đời sống. Cụ thể là việc giá các mặt hàng nông sản giảm, khó tiêu thụ; giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao; giá vé phương tiện giao thông cao ảnh hưởng đời sống sinh hoạt và khách du lịch.

Một số vấn đề khác được ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh là vấn đề an toàn lao động; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ; an toàn thực phẩm; chất lượng phục vụ khám chữa bệnh, giá thuốc, dịch vụ khám bệnh; tình trạng thông tin nhiễu loạn, chống phá trên không gian mạng; lừa đảo trên mạng xã hội...

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Ðại diện Ðồn Biên phòng Ba Sơn, tỉnh Lạng Sơn trao tre giống, tặng người dân thực hiện mô hình

Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.

Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục