Giữ chữ tín trong sản xuất vải thiều
- Cập nhật: Thứ hai, 27/5/2024 | 5:10:19 PM
Năm nay, sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 100 nghìn tấn. Để giữ chữ tín cho vải thiều Bắc Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành Nông nghiệp cùng các nhà vườn, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã chú trọng ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm.
Vườn vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP của gia đình chị Nguyễn Thị Lý, xã Tân Mộc (Lục Ngạn).
|
Kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất
Lục Ngạn có diện tích vải thiều lớn nhất tỉnh với hơn 17 nghìn ha. Địa phương hiện có 103 mã vùng trồng vải thiều xuất khẩu (Thái Lan 2 mã, Hoa Kỳ 16 mã, Nhật Bản 33 mã, Úc 13 mã và Trung Quốc có 39 mã). Trên địa bàn huyện còn có 34 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu. Riêng vải chín sớm, cơ quan chức năng vừa cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 30 ha tại xã Tân Mộc và Mỹ An.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, vị thế thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đã được khẳng định không chỉ ở trong nước mà ở hầu khắp các thị trường lớn có tiêu chuẩn khắt khe như: Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc… Thông qua các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các kênh phân phối, hệ thống bán lẻ và sàn thương mại điện tử, các DN, thương nhân đã đưa vải thiều Lục Ngạn đến khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu sang gần 40 quốc gia. ‘‘Năm nay, mặc dù sản lượng giảm nhưng quả vải có chất lượng tốt, mã đẹp, giá bán đầu vụ từ 30-70 nghìn đồng/kg. Chúng tôi cam kết sản xuất vải thiều an toàn, chất lượng tốt nhất, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của bên mua" - ông Nguyễn Văn Hải nói.
Thời gian qua, công tác chỉ đạo sản xuất được triển khai đồng bộ, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn. Vụ này, gia đình ông Diệp Văn Hai, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) trồng 0,4 ha vải thiều chín sớm theo hướng VietGAP, ước thu được 6 tấn quả. Ông Hai cho biết: "Để bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quá trình chăm sóc, gia đình sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học có thời gian cách ly ngắn để bón cho cây trồng. Những sản phẩm này đều do cán bộ chuyên môn thẩm định và giới thiệu, không mua trôi nổi ngoài thị trường”.
Tại xã Phúc Hòa (Tân Yên), địa phương quy hoạch vùng sản xuất vải ứng dụng công nghệ cao tại các thôn: Quất Du 1, Quất Du 2, Lân Thịnh, Thái Hòa, Phúc Lễ. Năm nay, sản lượng vải toàn xã đạt khoảng 10 nghìn tấn. Giá bán đầu mùa khá cao, bà con thu hái đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều năm nay, cơ quan chuyên môn của huyện, xã hướng dẫn bà con các vùng trồng tổ chức sản xuất vải sớm theo mô hình HTX, tổ hợp tác để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Toàn xã có 20 mã vùng trồng xuất khẩu với hàng trăm hộ tham gia. Các khâu từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển đến tiêu thụ đều được kiểm soát chặt chẽ. Các vùng trồng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu về nguồn gốc sản phẩm) để khách hàng dễ nhận diện và truy xuất nguồn gốc vải thiều.
Cam kết thực hiện theo thỏa thuận
Năm nay, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh là 29,7 nghìn ha, sản lượng ước đạt 100 nghìn tấn (trong đó vải sớm 50 nghìn tấn, còn lại là vải chính vụ). Trước khi bước vào vụ vải thiều năm 2024, nhiều DN đã đến khảo sát, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các HTX, nhà vườn. Theo bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn), năm nay, Công ty ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 100 tấn vải tươi sang EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản....
Một cơ sở thu mua vải thiều tại xã Phúc Hòa (Tân Yên). |
Để tiếp tục khẳng định chữ tín với bạn hàng, DN đã ưu tiên lựa chọn nhà vườn sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn theo quy định của từng thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vải thiều là loại quả đặc thù nên kỹ thuật bảo quản khó hơn. Công ty đã xây dựng quy trình nhiều bước như kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sơ chế, đóng gói vận chuyển, bảo quản lạnh... đáp ứng các điều kiện, cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Cùng với các DN, thời gian qua, người trồng vải trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao nhận thức, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến. Năm nay, lần đầu tiên gia đình anh Hoàng Văn Sơn, thôn Quất Du 1, xã Phúc Hòa (Tân Yên) ký thỏa thuận với DN cung ứng vải sớm xuất khẩu sang châu Âu với giá ổn định tại vườn là 35 nghìn đồng/kg, cao hơn 20% so với những năm trước, thời gian thực hiện trong 5 năm (2024-2028).
Từ giữa tháng 5 đến nay, người trồng vải trong tỉnh đã bán được hơn 200 tấn quả. Việc tiêu thụ khá thuận lợi, DN đã xuất khẩu vải thiều vào một số thị trường khó tính... |
Anh Sơn cho biết: "Mấy ngày qua giá bán vải trên thị trường cao hơn giá trong hợp đồng, có thời điểm vải đẹp lên tới 50 nghìn đồng/kg song xác định hợp tác lâu dài nên tôi không bán phá giá, giữ đúng thỏa thuận cung cấp vải chất lượng cho DN xuất khẩu”. Cũng như anh Sơn, nhiều hộ cho biết đã tuân thủ đúng nội dung cam kết trong hợp đồng. Trong tháng 5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã lấy ngẫu nhiên 17 mẫu quả vải tươi ở một số vùng trồng gửi xét nghiệm, kết quả đều bảo đảm chất lượng xuất khẩu.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Từ giữa tháng 5 đến nay, người trồng vải trong tỉnh đã bán hơn 200 tấn vải thiều. Việc tiêu thụ khá thuận lợi, DN đã xuất khẩu vải thiều vào một số thị trường khó tính. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đặc biệt coi trọng công tác quản lý, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vải thiều bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu".
Nhằm nâng cao chất lượng vải thiều, Bắc Giang đã ban hành Đề án sản xuất cây ăn quả bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP chiếm 70% tổng diện tích. Đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh thị trường nông sản ngày càng đa dạng và phong phú, tiếp tục khẳng định chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh với bạn hàng trong nước và quốc tế.
Theo Báo Bắc Giang
Các tin khác
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).