Những điều cần biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/6/2024 | 8:03:54 AM
Với mức tham gia chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, khi đủ điều kiện theo quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hằng tháng (gấp nhiều lần so với mức đóng), góp phần ổn định cuộc sống khi về già, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nhận lương hưu để chăm sóc sức khỏe.
|
Theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm của Đảng và Nhà nước mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tại khoản 2 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do người tham gia tự lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở.
Với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được ngân sách Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo bằng 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng khác là 10% (tính theo mức chuẩn hộ nghèo nông thôn).
Mức đóng thấp nhất:
- Hộ nghèo: 330.000 đồng/tháng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ đóng: 99.000 đồng/tháng; Người tham gia đóng: 231.000 đồng/tháng.
- Hộ cận nghèo: 330.000 đồng/tháng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ đóng: 82.500 đồng/tháng; Người tham gia đóng: 247.500 đồng/tháng.
- Người tham gia không thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo: 330.000 đồng/tháng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ đóng: 33.000 đồng/tháng; Người tham gia đóng: 297.000 đồng/tháng; Mức đóng cao nhất: 6.523.000 đồng/tháng.
Về hình thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia có thể lựa chọn các hình thức đóng như sau:
Đóng hằng tháng, đóng tiền bất kỳ ngày nào trong tháng.
Đóng 3 tháng một lần, đóng tiền bất kỳ ngày nào trong 3 tháng.
6 tháng một lần, đóng tiền bất kỳ ngày nào trong 4 tháng đầu tiên.
12 tháng một lần, đóng tiền bất kỳ ngày nào trong 7 tháng đầu tiên.
Theo đó, cá nhân có thể lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập bản thân.
Để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia có thể liên hệ với đại lý thu (của Bưu điện Việt Nam, Viettel hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn…).
Người tham gia cũng có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại đường link https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/#/index.
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia sẽ được hưởng một số quyền lợi sau.
Thứ nhất là được hưởng lương hưu.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu hằng tháng khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Căn cứ theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Cụ thể, vào năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng.
Lưu ý rằng, độ tuổi này áp dụng đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Đồng thời, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm như trên chỉ áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Thứ hai là hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Người tham gia được hưởng chính sách này khi:
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
- Bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ Y tế.
- Sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần.
- Ra nước ngoài để định cư.
Thứ ba là hưởng chế độ tử tuất.
- Trợ cấp mai táng: Bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện qua đời. Hiện tại, mức trợ cấp mai táng được hưởng là 18.000.000 đồng.
Những người sau đây khi qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng. Đó là: Người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng (5 năm) trở lên; Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng (1 năm) trở lên; Người đang hưởng lương hưu.
Trợ cấp tuất một lần tính bằng số tiền thực nhận căn cứ vào số tiền đóng và số tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Thứ tư là được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt quá trình hưởng lương hưu với mức hưởng đến 95%.
Thứ năm là được Nhà nước điều chỉnh lương hưu tăng lên phù hợp với mức giá tiêu dùng.
Trong thời gian người tham gia đã đóng mà không tiếp tục tham gia nữa, nếu có yêu cầu, sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có khoảng 17,414 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,45 triệu người.
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội trước 2014.
- 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội từ 2014 trở đi.
Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa đủ 1 năm thì hưởng mức bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Để tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động có thể tra cứu theo 3 phương thức. Cụ thể, tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam (https://baohiemxahoi.gov.vn/Pages/default.aspx) và bảo hiểm xã hội của các địa phương; Tổng đài hỗ trợ, chăm sóc khách hàng: 1900 9068; ứng dụng VssID-bảo hiểm xã hội số.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2024, cả nước có khoảng 17,414 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,45 triệu người.
Hiện nay, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang trình lên Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, ban soạn thảo có đề xuất chế độ trợ cấp thai sản cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cụ thể, đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện/ hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lao động nữ sinh con; Lao động nam có vợ sinh con.
Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất mức trợ cấp thai sản khi sinh con, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu, là 2.000.000 đồng cho một con.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại dự thảo Luật thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con.
Trường hợp người tham gia theo quy định vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Dự thảo Luật đề xuất mức trợ cấp thai sản khi sinh con bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu là 2.000.000 đồng cho một con.
Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số, hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, khi sinh con thì ngoài mức hưởng theo quy định nêu trên, họ vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ.
Chính sách trợ cấp thai sản nêu trên do ngân sách nhà nước bảo đảm. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Các tin khác
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).