Xây dựng sản phẩm OCOP 5 sao từ mặt hàng lợi thế
- Cập nhật: Chủ nhật, 30/6/2024 | 4:57:18 PM
Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) T.Ư vừa tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp T.Ư năm 2024. Theo đó, vải thiều Lục Ngạn của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn) đủ điều kiện công nhận OCOP 5 sao. Đây là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên, duy nhất trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Vải thiều Lục Ngạn được bày bán tại siêu thị Gourmet Market ở Bangkok (Thái Lan) trong mùa vải năm nay. Ảnh: TTXVN.
|
Được biết, vải thiều Lục Ngạn là một trong số rất ít nông sản tươi chưa qua chế biến của cả nước được công nhận OCOP 5 sao. Xin ông cho biết những yếu tố nào giúp sản phẩm này được đánh giá cao?
Ông Lê Bá Thành. |
Ông Lê Bá Thành: Những năm qua, Bắc Giang luôn chú trọng triển khai, thực hiện Chương trình OCOP và đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã có hàng trăm sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, nhiều sản phẩm 4 sao, trong đó có vải thiều. Tuy vậy, việc xây dựng sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao gặp vô vàn khó khăn, từ khâu chuẩn bị hồ sơ, thẩm định đến thực hiện các tiêu chí.
Các sản phẩm tham gia chương trình OCOP được đánh giá, phân hạng dựa trên bộ tiêu chí gồm 3 phần: Đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; đánh giá về khả năng tiếp thị và đánh giá về chất lượng sản phẩm. Những nông sản đã từng đạt OCOP 5 sao của các địa phương khác thường thuộc về sản phẩm chế biến. Vì vậy, vải thiều tươi chưa qua chế biến đạt OCOP 5 sao là trường hợp hết sức đặc biệt. Sản phẩm này ghi điểm do đã khẳng định được vị thế ở trong và ngoài nước, mỗi năm xuất khẩu từ 50-60% tổng sản lượng. Vải thiều đã có thương hiệu, được bảo hộ ở nhiều quốc gia và mang lại danh tiếng lớn.
Cùng đó, Bắc Giang cũng là vùng vải thiều lớn nhất cả nước, được T.Ư đánh giá là vùng cây ăn quả quan trọng, sản phẩm không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc mà đã có mặt ở châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ..., xứng đáng được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, trở thành sản phẩm quốc gia. Sự kiện này đã làm thay đổi tư duy, là dấu mốc quan trọng, tạo bước ngoặt về nhận thức trong xây dựng sản phẩm OCOP.
Để được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, Bắc Giang đã có sự chuẩn bị ra sao và giải pháp nào là mấu chốt, thưa ông?
Ông Lê Bá Thành: Xây dựng sản phẩm và đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao là một chặng đường rất dài, qua nhiều thế hệ mới có được. Song quan trọng, mấu chốt vẫn là các giải pháp về quy hoạch vùng trồng hàng hóa tập trung, thu hút doanh nghiệp và đổi mới hình thức sản xuất, phát huy nội lực của chủ thể sản phẩm.
Từ rất lâu tỉnh Bắc Giang đã quan tâm quy hoạch vùng trồng vải thiều hàng hóa tập trung, hình thành vùng sản xuất quy trình tiên tiến, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, Bắc Giang đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân tham gia đánh giá phân hạng OCOP 5 sao.
HTX này đã phát huy nội lực, không ngừng vươn lên. Từ HTX ban đầu chỉ nuôi gà quy mô nhỏ, thu mua vài tạ vải mỗi vụ, sau đó dần lớn mạnh nhờ đổi mới tổ chức sản xuất. HTX đã quan tâm đầu tư bao bì, đóng gói sản phẩm, liên kết sản xuất theo quy trình tiên tiến, sản phẩm đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước. HTX bao tiêu, xuất khẩu hàng nghìn tấn vải thiều mỗi năm. Sản phẩm đã vươn ra thị trường quốc tế, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của mô hình kinh tế tập thể.
Yếu tố nữa là chúng ta đã chuẩn bị rất sớm các điều kiện về cơ sở đóng gói; cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước… Nếu vải thiều tươi của Bắc Giang không xây dựng được thương hiệu như thời gian vừa qua thì chắc chắn sẽ không thể có sản phẩm OCOP 5 sao như hiện nay.
Từ quá trình xây dựng OCOP 5 sao đối với vải thiều, Bắc Giang đã rút ra được bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?
Ông Lê Bá Thành: Như đã nói ở trên, xây dựng OCOP 5 sao cho vải thiều là quá trình dài. Đạt được kết quả này là do chúng ta đã chọn đúng sản phẩm là lợi thế cạnh tranh của địa phương mà không phải nơi nào cũng có được.
Khi chọn được sản phẩm, cơ quan chức năng thường xuyên hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Trọng tâm là hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm theo bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế, điều kiện của từng địa phương; quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Bắc Giang đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ, khích lệ chủ thể tham gia đánh giá phân hạng OCOP. Điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh, nhờ vậy mà Chương trình OCOP ngày càng có sức lan tỏa ở khu vực nông thôn; khơi dậy động lực sản xuất nông sản đặc trưng, lợi thế vùng, miền và khai thác được những tiềm năng, nội lực trong nhân dân.
Với kinh nghiệm có được, thời gian tới, để có thêm nhiều sản phẩm OCOP 5 sao, Bắc Giang sẽ tập trung vào nội dung nào, thưa ông?
Ông Lê Bá Thành: Trước đây, chúng ta nhận thức sản phẩm OCOP chỉ phục vụ thị trường nội địa nhưng hiện nay có nhiều thay đổi. Đã có hơn 40 quốc gia xây dựng sản phẩm OCOP và nhiều nước đã nhập khẩu sản phẩm OCOP của Bắc Giang như: Trung Quốc, Hoa Kỳ... Như vậy, OCOP sẽ là mặt hàng xuất khẩu, giúp đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế thuận lợi hơn.
Sau khi đạt được một sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên, Bắc Giang có thêm kinh nghiệm thực hiện các sản phẩm khác. Xây dựng OCOP 5 sao là việc khó song khi đạt được sẽ mang lại lợi ích lớn, điều này sẽ khơi dậy khát vọng, động lực cho chủ thể vượt khó, quyết tâm nâng sao cho sản phẩm.
Thời gian tới, để có thêm nhiều sản phẩm OCOP 5 sao, Bắc Giang tập trung lựa chọn sản phẩm lợi thế của địa phương, chú trọng nông sản chế biến, có khả năng xuất khẩu như: Vải chế biến, nhãn chế biến, mỳ Chũ... Vừa qua, Bắc Giang đã gửi hồ sơ tham gia đánh giá OCOP 5 sao gồm vải thiều Lục Ngạn và nhãn Lục Ngạn đóng hộp của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco. Đồng thời lập hồ sơ lựa chọn một số mặt hàng của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu tham dự đánh giá OCOP 5 sao. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục tuyên truyền vận động, khích lệ các chủ thể nâng cao các tiêu chí, tham gia đánh giá OCOP 5 sao.
Xin cảm ơn ông!
Các tin khác
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).