Phát triển kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số
- Cập nhật: Thứ năm, 4/7/2024 | 4:25:25 PM
Hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng sôi động. Nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh đã khai thác, tận dụng lợi thế TMĐT nhằm quảng bá, mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (áo kẻ) trao đổi với nhân viên Công ty TNHH Đại Thanh về sản xuất video quảng bá sản phẩm trên sàn TMĐT.
|
Thiếu nhân lực và hệ thống bán lẻ
Theo Sở Công Thương, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 5 nghìn DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh khởi tạo gian hàng, quảng bá và bán sản phẩm trên các sàn TMĐT trong và ngoài nước như: Voso, Postmart, Sendo, San24h, Shopee, Lazada, Alibaba… Trong đó, có không ít chủ thể được tỉnh hỗ trợ đào tạo nhân lực, hướng dẫn khởi tạo, thực hiện giao dịch, duy trì gian hàng trên các trang TMĐT. Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); UBND các huyện, thị xã, TP; Trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang; Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp tổ chức 4 hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về TMĐT, phát triển kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho 130 DN, HTX, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh và hơn 450 học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, hiện không ít DN, HTX không duy trì được gian hàng trên các trang, sàn TMĐT do quy mô sản xuất vừa và nhỏ, không đủ kinh phí duy trì. Nhiều chủ thể tham gia sàn TMĐT không có nhân viên quản trị mạng, dữ liệu công nghệ thông tin, quản trị các sản phẩm, gian hàng của mình dẫn đến khó khăn, hạn chế trong tiếp nhận các thông tin và giải quyết các đơn hàng.
Công ty TNHH Đại Thanh (TP Bắc Giang) là đơn vị chuyên xuất, nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng và nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Để quảng bá sản phẩm đến với khách hàng, DN đã áp dụng TMĐT thông qua sử dụng các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, TikTok. DN đã đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt 3 phòng khép kín với đầy đủ trang thiết bị để livestream quảng bá sản phẩm đến khách hàng Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, việc livestream không thường xuyên, khiến lượng khách thưa dần, kinh doanh thiếu hiệu quả.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 5 nghìn DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh khởi tạo gian hàng trên các sàn TMĐT. 6 tháng năm nay, Sở Công Thương phối hợp với một số đơn vị, địa phương… tổ chức 4 hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về TMĐT, phát triển kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho 130 DN, HTX, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh và hơn 450 học sinh, sinh viên. |
Ông Trương Viết Công, Giám đốc Công ty chia sẻ, nguyên nhân do nhân lực thực hiện thiếu kỹ năng thu hút, hấp dẫn khách hàng. "DN vừa có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo 30 lao động thông thạo tiếng Trung Quốc để thực hiện livestream bán hàng nhưng rất ít ứng viên tham gia. Vì vậy phải thuê lao động Trung Quốc nhưng mới đáp ứng được một phần công việc”, ông Công nói.
Ngoài những hạn chế trên, hiện nhiều DN, HTX trên địa bàn tỉnh còn thiếu hệ thống bán lẻ. Ví như HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế. Năm 2020, HTX tham gia sàn TMĐT Voso và San24h với 2 sản phẩm chính là gà sống và gà giết mổ. Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc bán hàng qua các sàn TMĐT, mua bán trực tuyến phát triển mạnh. Khi đó, mỗi ngày HTX nhận được hàng chục đơn hàng. Tuy nhiên, do thiếu hệ thống bán lẻ tại các tỉnh nên HTX không thể cung ứng sản phẩm cho khách. Vì thế, đơn vị đã phải dừng bán hàng qua 2 sàn TMĐT trên.
Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX cho biết, xác định tham gia TMĐT là xu hướng tất yếu và nông sản sau chế biến sẽ bảo quản, vận chuyển thuận lợi hơn nên thời gian qua, đơn vị đã đầu tư, sản xuất thêm các sản phẩm chế biến từ gà như: Gà ủ muối, giò, chả, xúc xích... Đồng thời, mở rộng hệ thống bán lẻ đến trung tâm các vùng, miền trong cả nước. Mục tiêu để các cửa hàng này chủ động nhận đơn, đóng gói và giao hàng cho khách theo khu vực phụ trách. Dự kiến, năm 2025, HTX sẽ tái tham gia các sàn TMĐT.
Cần sự nỗ lực của chủ thể
Vừa qua, Công ty cổ phần TMĐT Taka (TP Hà Nội) đã xây dựng, phát triển sàn TMĐT Taka, nhằm giúp các cửa hàng truyền thống có thể bán hàng trên sàn TMĐT. Cụ thể, khi khách hàng thao tác mua sản phẩm trên sàn Taka, sàn tự động kết nối đến cửa hàng truyền thống. Từ đó, cửa hàng có thể chuyển hàng hóa cho khách hoặc khách tự đến lấy sản phẩm. Khách mua hàng sẽ được hệ thống tự động gợi ý cho địa điểm gần nhất đang bán sản phẩm mà khách mong muốn để có nhiều sự lựa chọn. Đồng thời, hệ thống chiết khấu % cho khách theo quy định.
Nhân viên HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế hướng dẫn khách hàng kiểm tra thông tin sản phẩm và mua hàng trên sàn TMĐT. |
Khách có thể rút tiền được chiết khấu về chi tiêu hoặc tích lũy để mua hàng lần sau. Ngoài ra, sàn TMĐT Taka tạo thuận lợi cho thanh niên muốn khởi nghiệp kinh doanh, bởi hệ thống kết nối tất cả khách hàng đến các cửa hàng trên toàn quốc. Thanh niên khởi nghiệp không phải mở cửa hàng, thuê mặt bằng... Các DN, HTX, hộ kinh doanh tham gia sàn không phải bỏ chi phí quảng cáo nội sàn như các sàn TMĐT thông thường.
Nắm bắt cơ hội này, vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Thiên An (TP Bắc Giang) đã tham gia thêm sàn TMĐT Taka. Đại diện Công ty cho biết, với kinh nghiệm của mình, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ chụp ảnh, quay video sản phẩm miễn phí, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định cho các chủ thể kết nối, giới thiệu sản phẩm bán trên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế, đặc biệt là sàn TMĐT Taka.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) nhận định, bán hàng trên sàn TMĐT là xu thế tất yếu. Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và các sở, ngành liên quan, đến nay, nhiều sản phẩm của các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong tỉnh đã có mặt trên nhiều sàn TMĐT uy tín. Để phát huy hiệu quả hơn nữa việc bán hàng qua hình thức này, các chủ thể cần phải nỗ lực, trau dồi kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số và tuân thủ các quy định của sàn TMĐT như: Các giấy tờ pháp lý đầy đủ, thiết kế hình ảnh, video sản phẩm theo quy định. Đặc biệt, các chủ thể tham gia phải có cán bộ kỹ thuật, cán bộ hỗ trợ để quản lý, giải quyết các đơn hàng và phản hồi của khách hàng… Tránh tình trạng bị sàn TMĐT khóa hoặc đánh giá thấp chủ thể.
Các tin khác
Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn về việc tổ chức hoạt động tín dụng chính sách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Chuyển đổi số đã mở ra một không gian mới cho công tác tuyên giáo. Thay vì chỉ giới hạn trong các cuộc họp, hội nghị truyền thống, các chủ trương, chính sách từ Trung ương giờ đây có thể truyền đạt trực tiếp tới địa phương bằng hình thức trực tuyến. Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh cho phép tương tác hai chiều, giúp người dân dễ dàng đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến đóng góp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).