Xã hội hóa nguồn lực cho công tác nhân đạo: Kết nối người có đến người cần
- Cập nhật: Thứ ba, 30/7/2024 | 6:06:25 PM
Nhằm vận động các nguồn lực cho công tác nhân đạo, các cấp hội chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh đã tích cực phát huy vai trò “cầu nối” để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Các nhà hảo tâm trao bò giống cho gia đình chị Phạm Thị Sáu, xã Việt Lập (Tân Yên).
|
"Xây” nhịp cầu nhân ái
Chị Nông Thị Việt (SN 1981) ở thôn Chằm Khon, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng chị mất cách đây nhiều năm, chị thường xuyên đau ốm. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào 2 sào ruộng trong khi ba con đang tuổi đến trường. Khó khăn chồng chất khó khăn khi tháng 3 vừa qua, con trai chị là em Lương Trung Kiên (SN 2006) trên đường đi học về không may bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Nghe bác sĩ thông báo chi phí điều trị lên tới gần 100 triệu đồng, chị vô cùng lo lắng, không biết xoay xở thế nào.
Nắm bắt được hoàn cảnh của chị Việt, Hội CTĐ huyện Lục Ngạn đã kết nối với Câu lạc bộ thiện nguyện Bông hồng tím (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh) kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ mẹ con chị Việt 20 triệu đồng. Các thầy, cô giáo và học sinh ở trường nơi Kiên đang theo học cũng ủng hộ hơn 30 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm đã giúp em Kiên được phẫu thuật kịp thời, sức khỏe đang dần hồi phục. Chị Việt nói: "Tôi không bao giờ quên sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và luôn lấy đó làm động lực, động viên các con cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.
Tại huyện Tân Yên, ngoài vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bằng tiền mặt giúp các hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm qua, Hội CTĐ huyện còn triển khai nhiều hoạt động tạo sinh kế, giúp các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Nổi bật là chương trình tặng bò giống sinh sản cho các hộ.
Mấy ngày nay, căn nhà cấp 4 nằm ở giữa thôn Kim Tràng, xã Việt Lập của chị Phạm Thị Sáu (SN 1982) thường xuyên có bà con hàng xóm đến hỏi thăm, chúc mừng, động viên gia đình. Con bê đầu tiên từ con giống mẹ do Hội CTĐ huyện Tân Yên kết nối với Quỹ Thiện nguyện ADF (TP Hà Nội) trao hồi tháng 3/2023 vừa được bán với giá 9 triệu đồng. Nhờ đó, chị Sáu đã có được một khoản tiền để lo cho ba con nhỏ trong dịp khai giảng năm học mới sắp tới. Hiện tại, bò mẹ đang mang thai lứa thứ hai, dự kiến sẽ có thêm bê con trước Tết Nguyên đán 2025.
6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã vận động, kết nối, trích Quỹ Nhân đạo tổ chức trao tặng hơn 63 nghìn suất quà, tổng trị giá gần 53 tỷ đồng. |
Được biết, gia đình chị Sáu thuộc diện hộ nghèo, có ba con nhỏ trong độ tuổi đi học. Trao đổi với chị Giáp Thị Hiền, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tân Yên được biết, từ năm 2017 đến nay, qua sự kết nối của Hội CTĐ với các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm, từ 40 con bò giống sinh sản ban đầu, tới nay, tổng số bò toàn huyện nhân lên là 150 con, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng. Qua đó giúp nhiều gia đình có thêm điều kiện chăm lo cho con học hành, sửa chữa nhà ở và trợ lực thoát nghèo.
Để thực hiện tốt vai trò "cầu nối”, thời gian qua, Hội CTĐ các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đăng tải các tin, bài, hình ảnh về hoạt động của hội, địa chỉ nhân đạo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nắm bắt được đã cùng chung tay giúp đỡ bằng nhiều hình thức như: Trao kinh phí hỗ trợ đột xuất, trợ cấp hằng tháng, tạo sinh kế, trao học bổng cho các em trong độ tuổi học sinh... Với cách làm này, 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã vận động, kết nối, trích Quỹ Nhân đạo trao tặng hơn 63 nghìn suất quà, tổng trị giá gần 53 tỷ đồng.
Đa dạng cách thức vận động
Hiện nay toàn tỉnh có 10 hội CTĐ huyện, thị xã, TP; 209 hội cơ sở với tổng số hơn 41 nghìn hội viên. Thời gian qua, Hội CTĐ các cấp đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thiết thực để huy động, kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng chung tay chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Người dân ủng hộ quỹ nhân đạo của Hội CTĐ đặt tại Phòng khám Đa khoa An Bình (thị xã Việt Yên). |
Theo ông Bùi Văn Cao, Chủ tịch Hội CTĐ thị xã Việt Yên, nhằm chủ động trong công tác hỗ trợ tại chỗ, Hội CTĐ thị xã đặc biệt chú trọng phát triển nguồn quỹ nhân đạo tại các xã, phường trên địa bàn. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay đem lại hiệu quả cao. Một số mô hình nổi bật như: "Nuôi lợn đất” tại các trường học; "Hòm quỹ nhân đạo” tại các trạm y tế, bưu cục, nhà văn hóa của các xã, phường… Đến nay, nguồn quỹ tại nhiều đơn vị lên tới hàng chục triệu đồng. Nhờ vậy, các hội cơ sở đã chủ động, kịp thời hỗ trợ nhiều trường hợp khó khăn đột xuất, gặp tai nạn, rủi ro hoặc cho vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế.
Với điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, Hội CTĐ huyện Yên Thế đã đẩy mạnh vận động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt bằng cách phát hành thư ngỏ, đăng tải thông tin các địa chỉ nhân đạo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình tiêu biểu trong công tác vận động giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Bằng cách làm này, từ đầu năm đến nay, các cấp hội CTĐ trong huyện đã vận động được gần 3 tỷ đồng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn (tăng gần 200 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước).
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nhân đạo, thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động "Mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân. Mỗi hội CTĐ cấp huyện tiếp tục thực hiện, xây dựng mới từ 1-2 mô hình nhân đạo hoạt động hiệu quả, đặc biệt là mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Phấn đấu kết quả vận động nguồn lực ở mỗi cấp hội năm sau tăng cao hơn so với năm trước. Qua đó, khơi dậy, phát huy tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng; kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn.
Theo Báo Bắc Giang
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.