Nhân rộng vùng nông sản an toàn

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/8/2024 | 4:54:49 PM

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa đánh giá, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV an toàn sinh học, thảo mộc của tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng và cao hơn bình quân chung cả nước; việc sử dụng thuốc BVTV hóa học có xu hướng giảm dần. Đây là tiền đề quan trọng để hướng tới nâng chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Mô hình sản xuất rau cần an toàn ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa). Ảnh: QUỐC TRƯỜNG.
Mô hình sản xuất rau cần an toàn ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa). Ảnh: QUỐC TRƯỜNG.

Tín hiệu tích cực từ ruộng vườn

Vấn đề thực phẩm an toàn và thân thiện với môi trường ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Tại các địa phương trong tỉnh, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng giảm sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học để chuyển sang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu bệnh sinh học phổ biến tại các cánh đồng, ruộng vườn. Nhiều nông sản của tỉnh có thương hiệu đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Vải thiều, cam, bưởi, na, nhãn…

Theo khảo sát và đánh giá của Cục BVTV, hiện nay, bình quân chung cả nước sử dụng thuốc BVTV an toàn sinh học, thảo mộc đạt khoảng 48%, tại Bắc Giang đạt khoảng 55%. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh cũng đạt hơn 49,3%, đây là tỷ lệ tương đối cao so với trung bình của cả nước và là tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Tại xã Huyền Sơn (Lục Nam) hiện trồng hơn 150 ha na. Trong đó, 60 ha được áp dụng theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Điển hình như vườn sản xuất na hơn 1 ha của gia đình ông Phương Minh Hiến ở thôn Khuyên được thực hiện các quy trình sản xuất sạch, an toàn. Những năm gần đây, ông không sử dụng các chất hóa học để diệt cỏ cũng như phòng trừ sâu bệnh cho cây na, thay vào đó là sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học theo danh mục được cơ quan chuyên môn hướng dẫn và bón phân hữu cơ. "Không chỉ an toàn đối với chính người sản xuất, phương pháp canh tác này còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hiến nói.

Hiện nay, bình quân chung cả nước sử dụng thuốc BVTV an toàn sinh học, thảo mộc đạt khoảng 48%, tại Bắc Giang đạt khoảng 5%. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh cũng đạt hơn 49,3%, đây là tỷ lệ tương đối cao so với trung bình của cả nước và là tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Tại huyện Lục Ngạn, để có những vùng sản xuất cây ăn quả chất lượng cao, những năm qua, ngành chuyên môn đã đồng hành cùng nông dân tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV sinh học cũng như kinh phí lấy mẫu sản phẩm để phân tích dư lượng thuốc BVTV.

Đơn cử như HTX Lục Ngạn xanh đã ứng dụng phương pháp ủ cá hoặc đỗ tương, thân cây chuối, hoa quả hư hỏng... để tạo nguồn phân hữu cơ cho cây trồng. Theo đánh giá, sản phẩm ổi, dưa lê của HTX được bón các loại phân hữu cơ trên có mùi thơm và ngọt tự nhiên, khác biệt hẳn so với loại bón bằng phân hóa học. Ngoài ra, HTX cũng sử dụng ớt, gừng, cây có vị đắng tạo ra nguồn thuốc BVTV sinh học, khi phun lên cây hoa cúc chi, ổi, dưa để xua đuổi, cắt đứt vòng đời sinh trưởng của một số loại sâu hại cây trồng.

Với cách làm này, nông dân giảm được chi phí mua phân bón, thuốc BVTV, đặc biệt là giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng các loại phụ phẩm để tạo nguồn phân bón tại chỗ. Ước tính, chi phí sử dụng phân bón giảm ít nhất 20%; môi trường đất và nước ở những vùng sản xuất hữu cơ, sinh học được cải thiện rõ rệt.

Mở rộng diện tích

Diện tích trồng trọt toàn tỉnh hiện nay đạt hơn 151,8 nghìn ha, chủ yếu là cây lương thực và cây ăn quả. Trong đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 16,6 nghìn ha, vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 164 ha, vải thiều đạt tiêu chuẩn hữu cơ 10 ha, nhãn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 10 ha...

Sản xuất rau an toàn tại HTX Rau sạch Yên Dũng.

Các mô hình sản xuất điển hình như: Rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Rau sạch Yên Dũng, quy mô 60 ha; rau an toàn tại các xã Đồng Việt, Xuân Phú, Tư Mại, Cảnh Thụy, Đức Giang (Yên Dũng) có tổng diện tích khoảng 30 ha; rau cần nước, quy mô 200 ha tại các xã Hoàng Lương, Hoàng Thanh (Hiệp Hòa); ổi xã Phúc Hòa (Tân Yên), quy mô 47 ha; hành tại xã Bảo Đài khoảng 40 ha và khoai sọ tại xã Khám Lạng (cùng huyện Lục Nam) khoảng 40 ha... Qua đó, hằng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm nghìn tấn thực phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: ‘‘Phát triển sản xuất theo hướng hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe con người. Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và các địa phương của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về ATTP và hướng dẫn người dân kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả. Đồng thời, mỗi năm tổ chức hàng chục lớp phổ biến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả tại các địa bàn trọng điểm về cây ăn quả như: Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế...

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV; tổ chức chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đối với các cây trồng chủ lực có thế mạnh như: Vải thiều, nhãn, cây có múi, rau an toàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân dần thay thế phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học sang phân bón hữu cơ và các loại thuốc sinh học có nguồn gốc thảo dược. Khuyến khích các mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường kết hợp với du lịch trải nghiệm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt việc sử dụng thuốc BVTV đối với các vùng canh tác tập trung, đặc biệt là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vùng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các địa phương tập huấn, ký cam kết ATTP đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ. Tiếp tục thực hiện và triển khai có hiệu quả đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và đề án sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chú trọng củng cố vai trò sản xuất theo hình thức HTX, tổ hợp tác sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ khâu sản xuất đến thu hoạch, nhằm ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự