Cầm tay chỉ việc, đẩy nhanh tiến độ Chương trình OCOP

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/8/2024 | 11:37:39 AM

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 tại các địa phương cấp huyện của tỉnh gặp một số khó khăn liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, nộp hồ sơ và chấm điểm trên phần mềm. Nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ.

HTX Nông nghiệp Công nghệ cao và Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Như Hoa (thị xã Việt Yên) thực hiện nghiêm quy trình sản xuất sản phẩm khoai lang sấy.
HTX Nông nghiệp Công nghệ cao và Sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Như Hoa (thị xã Việt Yên) thực hiện nghiêm quy trình sản xuất sản phẩm khoai lang sấy.

Nhiều quy định mới

Đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 (kế hoạch đề ra là hoàn thành trước ngày 15/6/2024). Theo Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), nguyên nhân do năm nay việc đánh giá, phân hạng có nhiều nội dung mới.

Liên quan đến tiêu chí bảo đảm chất lượng đối với các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng các cơ sở sản xuất cần có kế hoạch kiểm soát nội bộ gắn với truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Thông tư số 17/2021/TT BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ (Thông tư số 17). Trước đây, nội dung này được thực hiện chủ yếu thông qua mã quét (QR Code). Việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Thông tư số 17 chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Tiếp thu ý kiến trao đổi, hướng dẫn của cơ quan cấp trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn thiết kế hệ thống bảng biểu phù hợp, đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc cho nhóm sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, do hệ thống bảng biểu nhiều, nội dung ghi chép sổ sách cần chi tiết các thông tin từ quá trình chăm sóc, thu hoạch, nhập nguyên liệu, sơ chế, đóng gói, bảo quản đến tiêu thụ nên chủ thể mất nhiều thời gian thực hiện.

Bên cạnh đó, từ năm 2024, việc nộp hồ sơ, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện trên phần mềm "Số hóa quy trình chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp. Đây là nội dung mới nên các địa phương và chủ thể còn bỡ ngỡ, khó khăn trong tiếp cận thực hiện, nhất là đối với trường hợp còn hạn chế về công nghệ thông tin.

Sâu sát hướng dẫn chủ thể

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Chi cục PTNT đã thành lập tổ công tác trực tiếp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và chủ thể. Ông Đỗ Văn Huy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục PTNT cho hay, tại các hội nghị tập huấn, cán bộ chuyên môn đều nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa về quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm bảo đảm việc tìm kiếm, nhận biết thông tin trong quá trình sản xuất (từ đầu vào đến hoạt động tiêu thụ); xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của bộ phận liên quan khi phát hiện những phản ánh, khiếu nại của khách hàng. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện thông tin trong biểu mẫu nhập nguyên liệu đầu vào, sơ chế sản phẩm, đóng gói, ghi chép bán hàng…

Thành viên HTX Mỳ sạch JVO Food Mỹ Thái (Lạng Giang) đóng gói sản phẩm đúng quy cách.

Việc ghi chép phải chính xác, theo phương châm "một bước trước, một bước sau”. HTX chịu trách nhiệm rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất. Cùng đó, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến cho sản phẩm OCOP…

Sau khi được hướng dẫn, một số địa phương đã dần tháo gỡ khó khăn. Tại huyện Lạng Giang, đến thời điểm này, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã hoàn thành chấm điểm 11/11 sản phẩm đăng ký mới và đánh giá lại đợt 1 năm 2024.

Năm 2024, toàn tỉnh có 282 sản phẩm đăng ký mới, đăng ký lại và nâng sao. Kết thúc năm, tỉnh phấn đấu có thêm tối thiểu 60 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, xây dựng phát triển ít nhất 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, bên cạnh sự sâu sát, quan tâm của bộ phận chuyên môn, nhiều chủ thể đã phát huy tinh thần cố gắng, chủ động trong các khâu sản xuất nên việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc tương đối thuận lợi. Đơn cử như HTX Mỳ sạch JVO Food Thái Đào, anh Giáp Đức Thìn, Giám đốc HTX chia sẻ: "Nhận thức rõ việc truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất hiệu quả, bền vững, chúng tôi đã quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào ghi chép, theo dõi quy trình sản xuất. Nhờ đó, việc hoàn thiện các biểu mẫu theo quy định dễ dàng hơn”.

Hay như huyện Tân Yên chủ động thành lập tổ công tác thực hiện rà soát, thẩm định các điều kiện của chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP; kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng hồ sơ... Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 14/14 sản phẩm đăng ký mới và đánh giá lại đợt 1 năm 2024. Các địa phương khác như: Yên Thế, Lục Ngạn, Yên Dũng… cũng đang tích cực khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm nay trong tháng 8.

Nội dung ứng dụng phần mềm trong thiết lập hồ sơ, chấm điểm sản phẩm OCOP cũng được cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động hướng dẫn cho các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Tại các hội nghị tập huấn, đội ngũ cán bộ phụ trách cấp huyện được giới thiệu các tính năng của phần mềm; hướng dẫn cách đăng ký, hoàn thiện thông tin, mật khẩu, cách đưa hồ sơ lên hệ thống... Xác định rõ các chủ thể có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều, các địa phương từ cấp huyện đến xã tiếp tục sâu sát, hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ theo phương châm "cầm tay chỉ việc”. Khi áp dụng cách này, chủ thể chỉ cần in một bộ hồ sơ giấy (trước kia cần in hơn 10 bộ) nên tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian, việc chỉnh sửa thông tin dễ dàng, thuận lợi hơn.

Để chủ động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với những đợt, năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục bám sát các quy định, chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động nghiên cứu, tham mưu các bước thực hiện chu trình OCOP; sâu sát cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ vướng mắc. Các chủ thể chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng nhãn mác, lô gô, biểu trưng theo quy định; nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự