Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Thí nghiệm khoa học dữ liệu và Ứng dụng (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), y tế, chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ chẩn đoán sớm bệnh; phát triển các mô hình chẩn đoán hình ảnh có độ chính xác cao dựa trên học sâu; giải mã gen người; cá thể hóa điều trị bệnh đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân; phát triển các công cụ thực tế ảo y tế; phát triển các robot thông minh hỗ trợ bác sỹ trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
Nhiều chuyên gia công nghệ trong nước cho rằng, với tỷ lệ gia tăng bệnh ung thư như hiện nay thì phát triển các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ điều trị bệnh này là rất cần thiết. Tình trạng thiếu hụt chuyên gia về lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh hay lĩnh vực ung thư ở bệnh viện các tuyến cũng đặt ra vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ đó đáp ứng nhu cầu chẩn đoán sớm, chính xác và không bỏ sót các tổn thương của người bệnh. Bên cạnh đó, do quy trình chẩn đoán bệnh ung thư rất phức tạp, các dữ liệu hình ảnh như: CT, X-quang chứa nhiều pixel mà mắt người khó phân biệt được cũng là lý do cần sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. "Có một công bố cho biết, 12 bác sĩ khi xem kết quả X- quang của một bệnh nhân thì không nhìn thấy được nốt mờ trên phổi trái. Nhờ có sự gợi ý của trí tuệ nhân tạo thì 12 bác sĩ này xem lại và đều đồng thuận có một nốt mờ bên phổi trái. Bệnh nhân sau đó được chụp CT thì chẩn đoán là ung thư phổi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang, Giảng viên cao cấp bộ môn Y sinh học-Di truyền, Trường đại học Y Hà Nội; Phó Tổng thư ký Hội Di truyền Y học Việt Nam dẫn chứng.
Đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam
Lấy thí dụ cụ thể về tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư phổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang cho biết, dựa trên dữ liệu lâm sàng sẵn có, có thể huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo để phân tích và đưa ra dự đoán về tiên lượng điều trị và nguy cơ kháng điều trị, từ đó giúp rút ngắn thời gian lên kế hoạch điều trị và tối ưu hóa các phương pháp điều trị.
Thực tế hiện nay, phần lớn bệnh nhân ung thư phổi nhập viện ở giai đoạn muộn do triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, cho nên những người bệnh này cần hướng đến phương pháp cá thể hóa điều trị dựa trên những hỗ trợ, gợi ý của trí tuệ nhân tạo. Tại Ngày Hội trí tuệ nhân tạo năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo tổ chức, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Tuấn, Cố vấn Tin Sinh học Công ty cổ phần Digosys cho biết, xu hướng và mô hình điều trị trên thế giới hiện nay là liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích, công nghệ sinh học và di truyền, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thí dụ, giải pháp Genomate của Digosys được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo để chỉ định đúng thuốc đích và miễn dịch mà từng bệnh nhân cần, hiện đang được áp dụng cho khoảng 10.000 bệnh nhân trên thế giới.
Trong xạ trị, trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán được khả năng thành công hay thất bại của phương pháp xạ trị, từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc bệnh nhân có nên sử dụng phương pháp xạ trị hay không. Mặt khác, trí tuệ nhân tạo tính toán liều xạ, góc xạ, và thời gian xạ đối với từng người, nhất là tính toán để xạ trị đúng vào những tế bào bị tổn thương.
Chia sẻ những nghiên cứu mới về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang cho biết: Nhóm nghiên cứu của chị đã phát triển thành công phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều trị nhắm trúng đích ung thư, xác định đột biến gen và cá thể hóa điều trị. Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị năm loại bệnh ung thư là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tuyến giáp, ung thư vú và ung thư đại trực tràng, từ đó, phát triển hệ thống phần mềm hỗ trợ ra quyết định lâm sàng có chức năng phát hiện đột biến gen và phân loại đáp ứng điều trị đích. Vừa qua, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về mối liên quan giữa các đột biến gen và các thuốc điều trị ung thư, trong đó chỉ ra những đột biến gen nào kháng thuốc, đột biến gen nào đáp ứng thuốc.
Ngoài kết quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư, nhóm nghiên cứu đã phát triển được phần mềm tự động đo độ mờ da gáy, giúp sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, đặc biệt hữu ích cho các bác sĩ mới ra trường, bác sĩ ở tuyến dưới tầm soát các bệnh trước sinh, với giá trị chẩn đoán lên đến 98%. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang, phần mềm này đã được thử nghiệm thành công trong lĩnh vực sàng lọc, chẩn đoán trước sinh tại Việt Nam.
Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 có đề cập nhiệm vụ thúc đẩy phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân nhằm hỗ trợ bác sĩ trong phát hiện, chẩn đoán và ra quyết định, theo dõi và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân từ xa, cá nhân hóa việc điều trị, nghiên cứu sản xuất và bào chế thuốc. Triển khai thực hiện Chiến lược, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về trí tuệ nhân tạo lồng ghép trong Chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia KC-4.0/19-25. Đến nay, đã triển khai được một số nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tuy tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế rất lớn nhưng vướng mắc nhất mà các nhà công nghệ gặp phải là cơ sở dữ liệu của các bệnh viện tại Việt Nam chưa đồng nhất, đặc biệt là các bệnh án điện tử, dẫn đến rất khó xây dựng bộ dữ liệu chính xác.