Doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp tăng năng suất lao động

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/9/2024 | 6:01:24 PM

Tiền lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp tăng 6% kể từ ngày 1/7 vừa qua đã tạo áp lực đối với các doanh nghiệp ngành dệt may khi chi phí liên quan đến tiền lương, bảo hiểm tăng lên. Ðể giải bài toán này, doanh nghiệp trong ngành dệt may đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, giảm các khâu trung gian giúp tối ưu hóa lợi nhuận.

Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty May 10.
Sản xuất hàng dệt may tại Tổng công ty May 10.

Theo tính toán, mức tăng lương bình quân đối với người lao động dao động từ 200-280.000 đồng/tháng. Cụ thể, vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Cùng với đó, lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động ở mức 16,6-23,8 nghìn đồng.

Đối diện nhiều khó khăn

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương nhận định, hiện tại các đơn vị trong hệ thống đều đang chi trả lương trên mức lương tối thiểu theo vùng.

Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu làm tăng chi phí tiền lương đóng bảo hiểm, phí công đoàn,... với khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại công ty mẹ, ước tính chi phí này tăng khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm, trung bình mỗi lao động khoảng 2 triệu đồng/năm.

Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phải tăng lương bình quân lên 10 triệu đồng/người/tháng so với mức bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng của năm 2023. Ðiều đó thể hiện doanh nghiệp phải tăng thu nhập để giữ chân người lao động, ổn định sản xuất.

Với doanh nghiệp thâm dụng lao động như ngành may, các chi phí liên quan đến lương, bảo hiểm tăng, trong khi đơn hàng giảm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì không thể tăng lợi nhuận khi thị trường liên tục biến động.

Chung quan điểm, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong khu vực đều đang trả lương cho người lao động trên mức lương tối thiểu vùng, do đó người lao động được hưởng từ chính sách này không đáng kể.

Với doanh nghiệp, khi thị trường còn nhiều khó khăn, tăng lương tối thiểu vùng khiến các doanh nghiệp phải "gánh" thêm một khoản chi phí nữa, tạo nên áp lực mới cho doanh nghiệp.

Việc tăng lương tối thiểu vùng còn có thể gây ra hiệu ứng domino, tức là giá cả có thể tăng theo khi lương tăng, dẫn tới người lao động không được hưởng lợi.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May Ðáp Cầu Lương Văn Thư, với việc tăng lương tối thiểu theo vùng của doanh nghiệp lên 6%, ngoài việc tăng lương cho người lao động, các chi phí đóng bảo hiểm, công đoàn phí cũng sẽ được điều chỉnh. Ðể bù đắp chi phí này trong khi đơn giá gia công chưa có nhiều cải thiện, đơn vị phải triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó tập trung tìm các giải pháp tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu suất.

 

Ðơn cử như triển khai ứng dụng công nghệ, đổi mới trang thiết bị tự động và bán tự động, tìm kiếm những mặt hàng phù hợp với thế mạnh của doanh nghiệp giúp tăng năng suất, cắt giảm các chi phí không cần thiết. Cùng với đó, các phòng, ban, xí nghiệp và tổ chức công đoàn cũng động viên, khích lệ người lao động vượt khó cùng doanh nghiệp; phát động các phong trào thi đua tăng năng suất, có phần thưởng khích lệ đối với những sáng tạo làm lợi cho doanh nghiệp; từ đó đem lại hiệu quả cho bản thân người lao động và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp tăng năng suất lao động ảnh 2

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định.

Tính toán mức tăng hợp lý

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hugaco Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để giải bài toán tối ưu hóa lợi nhuận trong khi doanh thu không tăng, con đường duy nhất của doanh nghiệp là tăng năng suất lao động, giảm các khâu trung gian và ký kết hợp đồng trực tiếp với nhãn hàng.

"Với các doanh nghiệp có đủ nguồn lực về tài chính, về nhân lực, có thể tăng năng suất lao động thông qua kỹ thuật. Nếu thực hiện tốt, có thể tăng được 5-7% năng suất. Ngoài ra, có thể tăng năng suất thông qua công nghệ như đầu tư thêm máy móc tự động; đồng thời, đổi mới về mặt quản lý, áp dụng công nghệ số cũng có thể giảm lao động gián tiếp, lao động tại kho, giảm được thời gian phân phối khâu đầu cuối. Khi đã có đủ tiềm lực về công nghệ, có phần mềm quản trị tốt, doanh nghiệp ngành may có thể ký đơn hàng trực tiếp với đối tác Mỹ, châu Âu,... thay vì thông qua bên trung gian như trước đây", ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Ðối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có đủ tiềm lực mạnh về tài chính, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng khẳng định: Ngoài việc cải tiến trong công tác quản trị, hợp lý hóa tổ chức sản xuất để tăng năng suất và giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp đang chú trọng tới khích lệ, động viên các ý kiến, ý tưởng nâng cao năng suất, cải tiến quy trình làm lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp, có sự chia sẻ về đơn hàng, xây dựng các nhà máy vệ tinh để trao đổi thông tin kịp thời về thị trường khi tình hình liên tục biến động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng 5/2024 và tăng 1,4% so với tháng 12/2023, tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do một số địa phương tăng mức học phí năm học 2023-2024. Cùng với đó, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Nhóm hàng ăn, dịch vụ, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng,... cũng có sự điều chỉnh tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Trước thực tế chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng trên mức 4%, cùng với việc tăng lương từ ngày 1/7, một số chi phí về y tế, tiền điện, học phí bậc đại học,… dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2024.

Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ðinh Trọng Thịnh cho rằng, nhóm các mặt hàng về dịch vụ y tế, giáo dục, điện,... là các nhóm hàng do Nhà nước quản lý, cần phải tính toán mức tăng phù hợp, có thời gian giãn cách, không tạo ra những cú sốc về giá; không nên dồn việc điều chỉnh giá vào dịp cuối năm, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, gây ra lạm phát kỳ vọng lớn.

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự