Vượt khó khăn, nỗ lực cấp điện trở lại sau bão lũ
- Cập nhật: Thứ bảy, 21/9/2024 | 6:26:32 PM
Vượt lên mọi khó khăn, không kể thời gian và nguy hiểm, dưới khắc nghiệt của thời tiết, ngành điện Yên Bái huy động người và phương tiện có mặt ở những nơi xung yếu để xử lý sự cố, khắc phục nhanh nhất hư hỏng, đổ nát trên toàn hệ thống lưới điện do cơn bão số 3 gây ra, với mục tiêu sớm cấp điện trở lại, góp phần phục hồi sản xuất và ổn định cuộc sống cho nhân dân
Công nhân Điện lực Yên Bái sửa chữa, lắp đặt công tơ sau khi nước lũ rút. Ảnh: Tuấn Anh/ TTXVN
|
Triển khai nhiều biện pháp cấp bách
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng và thiệt hại vô cùng nặng nề, khiến gần 145.000/254.000 khách hàng bị ảnh hưởng. Hơn 1.100 trạm biến áp ở Yên Bái phải dừng cấp điện; có 7 cột đường dây 110kV bị sạt lở; 137 vị trí cột đường dây trung áp gẫy đổ, hư hỏng; có 421 vị trí cột đường dây hạ áp gẫy đổ, cùng hàng chục nghìn mét dây dẫn bị cuốn trôi và nhiều thiết bị, xà sứ bị hư hỏng. Tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Triển khai nhiều biện pháp cấp bách
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng và thiệt hại vô cùng nặng nề, khiến gần 145.000/254.000 khách hàng bị ảnh hưởng. Hơn 1.100 trạm biến áp ở Yên Bái phải dừng cấp điện; có 7 cột đường dây 110kV bị sạt lở; 137 vị trí cột đường dây trung áp gẫy đổ, hư hỏng; có 421 vị trí cột đường dây hạ áp gẫy đổ, cùng hàng chục nghìn mét dây dẫn bị cuốn trôi và nhiều thiết bị, xà sứ bị hư hỏng. Tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Ông Cao Bình Định, Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái cho hay, ngay sau khi nước rút, Công ty đã huy động tổng lực cán bộ kỹ thuật, công nhân viên xuống hiện trường kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, phân đoạn sự cố, xử lý hư hỏng các trạm biến áp, thay thế cột đổ gãy và hệ thống đo đếm. Ngành phối hợp với khách hàng kiểm tra đường dây sau công tơ bảo đảm an toàn trước khi đóng điện, tại mỗi địa bàn cụ thể ngành điện đều đưa ra phương án dự phòng cấp điện.
Ngành lập các phương án xử lý khẩn cấp sự cố những điểm xung yếu; trong đó ưu tiên cấp điện cho các cơ sở y tế, các cơ sở cấp nước sạch, các trạm bưu chính viễn thông, trụ sở các cơ quan hành chính... Mặt khác, trong quá trình triển khai, Công ty đặc biệt coi trọng đảm bảo an toàn lao động, thực hiện đúng quy phạm an toàn theo quy định nhằm tránh xảy ra tai nạn lao động, cũng như an toàn toàn sử dụng điện của người dân.
Cũng như nhiều đơn vị khác trong ngành điện, trước khi cơn bão ập đến, Điện lực Trấn Yên đã xác định từng vị trí, mức độ ngập lụt để có từng phương án ứng phó phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị thay thế. Do vậy, sau khi mưa lũ xảy ra, đơn vị đã chủ động triển khai các phương án như dự định, nhanh chóng phân đoạn, khoanh vùng xác định sự cố; điều động, phân công nhân lực, phương tiện để nước rút đến đâu sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng đến đó, cấp điện an toàn trở lại cho người dân.
Là một trong những đơn vị điện lực phải khắc phục nhiều sự cố nhất, ông Vũ Đình Phúc, Giám đốc Điện lực Lục Yên cho biết, khi xảy ra tình trạng ngập úng, sạt lở trên địa bàn, Điện lực Lục Yên đã phối hợp với chính quyền các cấp kiểm tra, lập phương án tách tuyến đưa các trạm biến áp, đường dây bị ngập, bị sự cố ra khỏi vận hành để đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị điện. Tại những vị trí cột bị sạt lở, đã cho dựng các cột tạm để đảm bảo cấp điện cho nhân dân.
Đối với địa bàn có trạm biến áp bị ngập, hư hỏng sẽ cắt loại tuyến và tách tuyến để đảm bảo những khu vực khác không bị ảnh hưởng; thiết lập tạm thời đường dây phụ để cấp điện khẩn cấp cho những cơ quan, đơn vị quan trọng phục vụ cho quá trình chỉ đạo phòng, chống mưa lũ; bố trí lực lượng trực 24/ để kịp thời xử lý những sự cố phát sinh, không để dừng cấp điện quá lâu.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm
Trận mưa lũ lịch sử đã khiến nhiều khu dân cư, tuyến phố, con đường trên địa bàn tỉnh Yên Bái tan hoang, ngập chìm trong bùn đất. Hệ thống lưới điện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cột điện, trạm biến áp gãy đổ, thậm chí có nơi lưới điện bị cuốn trôi, không còn dấu vết. Vượt lên khó khăn, nguy hiểm do mưa lũ, trong những ngày qua, cán bộ kỹ thuật, công nhân ngành điện Yên Bái đã nỗ lực hết mình, không quản ngày đêm nhanh chóng cấp điện an toàn trở lại cho người dân.
Anh Ngô Thành Luân, công nhân quản lý vận hành, Đội quản lý tổng hợp xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên chia sẻ, địa bàn do anh phụ trách có nhiều trạm biến áp, cột điện bị gãy đổ, bị nước lũ cuốn trôi, việc tiếp cận hiện trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vị trí bị xóa sổ, nhiều trạm biến áp bị vùi lấp hoàn toàn, những người thợ điện phải bằng mọi cách phán đoán, xác định lại vị trí, mở đường mới để tiếp cận, đưa thiết bị vào thay thế, nhanh chóng phục hồi để đóng điện cho bà con.
Tại thành phố Yên Bái, địa phương có 15/15 xã, phường bị ngập, một số phường, xã ven sông Hồng bị ngập sâu đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình phục hồi lưới điện. Đội mưa, lội bùn sâu, chủ yếu bằng sức người để sửa chữa, thay thế các trạm biến áp, điểm đấu nối, kéo lại đường dây, dựng lại cột bị đổ gãy là công việc diễn ra thường ngày trong suốt hơn một tuần qua.
Ông Đỗ Quang Đông, Giám đốc Điện lực thành phố Yên Bái cho biết, không chỉ huy động 100% quân số, đơn vị còn được hỗ trợ về nhân lực từ nhiều đơn vị điện lực khác, chia thành nhiều ca kíp và nhiều đội tổ, phân công đảm trách từng địa bàn, làm việc không nghỉ. Đến nay, Điện lực thành phố Yên Bái đã hoàn thành phục hồi 8 lộ đường dây trung thế, khôi phục hoàn toàn lưới điện hạ thế và cấp điện trở lại cho trên 30.000 khách hàng.
Cùng với đó, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, tại các điểm sửa chữa, chuẩn bị cấp điện trở lại, cán bộ, công nhân kỹ thuật vận hành điện lực thành phố đều tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị điện, phát tờ rơi khuyến cáo người dân tuân thủ các bước sử dụng điện an toàn sau mưa lũ.
Ông Hoàng Thanh Hùng, cư trú tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái nhận xét, phần lớn thành phố nước ngập mênh mông, chỗ nước rút lại toàn bùn đất, trong điều kiện địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, người dân di dời đi tránh trú ở những nơi an toàn, chỉ còn lại công nhân kỹ thuật ngành điện vẫn miệt mài, vượt qua nguy hiểm, làm việc ngày đêm để cố gắng cấp điện trở lại cho người dân. Có điện, đã giúp bà con có thể dọn dẹp nhà cửa, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Người dân chia sẻ khó khăn và đánh giá rất cao về sự nỗ lực của Điện lực thành phố Yên Bái.
Báo cáo của Công ty Điện lực Yên Bái cho thấy, tính đến 16h ngày 20/9 chỉ còn 1.005 khách hàng/253.831 khách hàng chưa có điện lưới, cơ bản hệ thống lưới điện toàn tỉnh đã hoạt động trở lại bình thường. Đây được xem như một thành tích phi thường của ngành điện lực Yên Bái, khi toàn lực lượng phải làm việc không ngừng nghỉ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc di chuyển đi lại gặp rất nhiều khó khăn, vật tư thiết bị hầu hết phải khuân vác thủ công.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.