BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI DI CƯ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/9/2024 | 1:37:54 PM

Hiện nay, các chính sách ban hành ở cấp địa phương, cấp tỉnh vẫn còn có sự phân biệt giữa người thường trú và người tạm trú, thậm chí nhiều chính sách chỉ quan tâm hỗ trợ đối tượng người thường trú.

Giới thiệu về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động di cư. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giới thiệu về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động di cư. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều người di cư ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần nghèo nàn, đời sống xã hội hạn chế, với thu nhập và mức sống thấp, điều kiện nhà ở khó khăn, và thiếu thốn tình cảm gia đình. Do đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền được công nhận, bảo vệ và hòa nhập cộng đồng của người di cư ở những địa phương tiếp nhận lao động di cư.

Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm chuyên đề "Di cư nội địa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách” do Viện Phát triển Bền vững (thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện ngày 24/9 tại Hà Nội.

Trẻ em di cư học mầm non đắt hơn

Nghiên cứu "Di cư nội địa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long: Vấn đề hiện nay và hàm ý chính sách” đã được thực hiện ở 9 tỉnh, thành phố, trong đó bốn địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Nam Định; bốn địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cần Thơ, Long An, An Giang và Sóc Trăng và, một địa phương thuộc Đông Nam Bộ là Bình Dương, đây là tỉnh tiếp nhận nhiều người di cư từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Di cư mang đến đóng góp và cả thách thức cho phát triển kinh tế xã hội và công tác quản lý ở các địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy, công tác quản lý di cư được thực hiện sát sao ở Đồng bằng sông Cửu Long và có biểu hiện quá tải ở Đồng bằng sông Hồng. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cư trú và quản lý lao động chưa chặt chẽ. Tuy hầu hết người di cư đều thực hiện khai báo tạm trú, đăng ký cư trú nhưng người di cư chưa hiểu rõ và phân biệt giữa đăng ký tạm trú và thông báo lưu trú.

11a38ac18401225f7b10.jpg
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại buổi toạ đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, chính sách ban hành và thực hiện ở cấp địa phương, cấp tỉnh còn có sự phân biệt giữa người thường trú và người tạm trú. Thậm chí nhiều chính sách chỉ quan tâm đến đối tượng hỗ trợ là người thường trú.

 

Theo kết quả nghiên cứu, đa số người di cư trong mẫu nghiên cứu chưa được hưởng các phúc lợi xã hội cơ bản. Nhiều người di cư không có chuyên môn thường làm lao động đơn giản trong các công ty hoặc làm tự do với công việc theo mùa vụ, không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội tự nguyện, và chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội ở địa phương điểm đến.

Đáng chú ý, phần lớn người lao động di cư sống trong các khu nhà trọ không đủ tiêu chuẩn, chật chội, ẩm mốc, không đủ đồ dùng cơ bản, và đặc biệt không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng chống cháy nổ. Đời sống tinh thần, tình cảm gia đình của người di cư bị chia cắt và đây là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết.

Về tiếp cận dịch vụ giáo dục phổ thông cho con cái, nhiều người di cư khó tiếp cận dịch vụ giáo dục công lập. Các cơ sở giáo dục công lập ở nhiều địa phương có biểu hiện quá tải bởi không dự báo được chính xác số lượng trẻ đến tuổi đi học trong năm học. Đặc biệt, trẻ em di cư phải học tập trong cơ sở mầm non tư nhân với chi phí đắt đỏ hơn.

Từ góc độ giới, người nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức về tâm lý, xã hội và hòa nhập cộng đồng hơn người nam di cư.

 
4288891778d7de8987c6.jpg
Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, kết quả phỏng vấn người di cư ở hai vùng đồng bằng cho thấy, người di cư hầu như không tham gia quản trị địa phương và các hoạt động cộng đồng, văn hóa, thể thao ở nơi tạm trú. Hiếm khi người di cư tham gia họp và đóng góp ý kiến ở thôn/tổ dân phố và gần như không tham gia bầu cử ở nơi đến.

Cần các chính sách thúc đẩy sự hoà nhập của người di cư

Tại tọa đàm, bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: "Công nhận và thực thi quyền của người di cư không chỉ là vấn đề công lý mà còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Để thực sự khai thác tiềm năng của di cư, chúng ta cần thiết lập môi trường thúc đẩy sự hòa nhập của người di cư với các cộng đồng địa phương nơi đến, xây dựng cầu nối thúc đẩy gắn kết xã hội và thịnh vượng cho tất cả mọi người.”

"Cơ hội học tập bình đẳng cho con em của người di cư tại các địa phương đến sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình hòa nhập. Giảm bớt khó khăn trong việc tiếp cận các thủ tục hành chính tại các tỉnh tiếp nhận cũng là cách thức cần thiết để hỗ trợ người di cư,” bà Sabina Stein nói.

5707b767b9a71ff946b6.jpg
Bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện Thường trú, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phát biểu tại toạ đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ kết quả khảo sát, Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất nhiều giải pháp và khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo quyền được công nhận, bảo vệ và hòa nhập cộng đồng của người di cư ở nơi đến. Theo đó, các cơ quan chức năng cần có quy hoạch và dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong đó không phân biệt người thường trú hay người tạm trú bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức cung ứng và loại hình nhà ở cho người lao động.

 

Ngoài ra, với khu vực chịu tác động nhiều bởi yếu tố di cư ngoài vùng như đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia cho rằng cần khuyến khích "di cư con lắc," tạo việc làm trong khu vực nông nghiệp ở các vùng nông thôn nhằm giữ lao động ở lại. Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất cần cải thiện kết nối giao thông thuận tiện ở vùng này để người dân đi về trong ngày giúp giảm sức ép về nhà ở tại nơi đến.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Tôi hy vọng rằng kết quả nghiên cứu công bố trong ngày hôm nay sẽ không chỉ dừng lại ở báo cáo trong hội trường mà sẽ có những đóng góp tích cực đến thực tiễn chính sách dành cho người di cư ở Việt Nam, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công và nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư ở hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long”./.

Theo TTXVN

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự