Cần đánh giá tác động tới người dân, doanh nghiệp khi xây dựng bảng giá đất

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/10/2024 | 8:15:26 AM

Trong quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2024, không ít địa phương lúng túng, gặp vướng mắc khi thực hiện các nội dung, thẩm quyền được giao như vấn đề điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất. Trước vấn đề nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng các địa phương cần xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ đến các nhóm đối tượng sử dụng đất, nhất là người dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công". (Ảnh QUANG HÙNG)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những nội dung mang tính đột phá của Luật Đất đai năm 2024 là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có nội dung điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất.

Do là chính sách đột phá, phân cấp mạnh mẽ, triệt để và nhiều điểm mới cho nên thời gian đầu không tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc, lúng túng liên quan đến quy định tại Khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai năm 2024. Khoản này nêu rõ bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 1/1/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tuy nhiên, khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ sẽ xảy ra trường hợp bảng giá đất điều chỉnh chênh lệch rất lớn so với giá đất hiện hành. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng bảng giá đất cũ.

Ngược lại, nếu không điều chỉnh kịp thời bảng giá đất cho phù hợp với tình hình tại địa phương sẽ dẫn đến giá đất trong kết quả đấu giá chênh lệch rất lớn so với giá khởi điểm, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Cả hai trường hợp này đều không tốt, gây phản ứng trái chiều, thiếu đồng thuận trong dư luận xã hội, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế, an ninh xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, để bảo đảm các điều kiện triển khai Luật Đất đai năm 2024, từ ngày 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt thời gian qua; Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan đã chủ động, phối hợp xây dựng, trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.

Chỉ tính riêng vấn đề liên quan đến giá đất, bảng giá đất thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố từ ngày 8/8/2024 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ba lần có các văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nhằm đôn đốc, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện những văn bản thẩm quyền được giao tại Nghị định số 71/2024/NĐ-CP và việc điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã làm việc với các địa phương gặp vướng mắc trong vấn đề này để tháo gỡ. Cụ thể, ngày 10/9/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành liên quan đã làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp xử lý các vướng mắc của thành phố trong áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024.

 

Ngay sau buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo liên quan như cho phép sử dụng bảng giá đất hiện hành để giải quyết các hồ sơ thuế đất tồn đọng trong thời gian qua; chuẩn bị các bước để ban hành bảng giá đất điều chỉnh trong tháng 10/2024.

Theo báo cáo của các địa phương, từ ngày 18/1/2024 đến 31/7/2024 đã có 12 tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1, Điều 257 của Luật Đất đai năm 2024. Từ ngày 1/8/2024 đến nay có thêm bốn tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất điều chỉnh gồm: Hà Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Bình, Nam Định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp các địa phương tổ chức tập huấn chuyên sâu hoặc nắm bắt tình hình triển khai thi hành để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện luật. Mới đây, Bộ thành lập tổ công tác để tiếp nhận các ý kiến phản ánh, các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhằm kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc ngay từ đầu.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định: Quy định về giá đất, bảng giá đất trong Luật Đất đai năm 2024 là chính sách cốt lõi trong vấn đề tài chính đất đai giúp hoàn thiện phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường như tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đặt ra; đồng thời cũng góp phần làm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong vấn đề đất đai.

Tuy nhiên, điều chúng ta cần bây giờ là tập trung vào khâu tổ chức thực hiện, nhất là cần kiên trì, nhất quán trong việc thực hiện chính sách này. Việc điều chỉnh, bổ sung ngay sau khi chính sách vừa được ban hành cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng tính ổn định của hệ thống pháp luật, tránh tác động không mong muốn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân và dư luận trong, ngoài nước, môi trường đầu tư kinh doanh.

Mặt khác, đối với các địa phương, trong quá trình điều chỉnh, xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 cần xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ.

Cụ thể, cần phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành, xem xét giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương; đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng áp dụng, có lộ trình phù hợp, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất, nhất là lấy ý kiến đơn vị có liên quan để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, hạn chế việc tạo chênh lệch quá lớn về nghĩa vụ tài chính, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong vấn đề đất đai.

Các tin khác
Các đại biểu tham quan mô hình Trung tâm Logistics Quốc tế TP Bắc Giang.

Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (bên trái) chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của chính mình.

Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp chiều 14/11.

Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu cùng đoàn công tác thăm vùng sâm Nam núi Dành (Tân Yên).

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự