Nghiệm thu mô hình sản xuất lúa giống mới năng suất cao
- Cập nhật: Thứ tư, 9/10/2024 | 9:20:41 AM
Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang vừa tổ chức nghiệm thu và đánh giá mô hình sản xuất lúa giống mới năng suất cao ứng dụng cơ giới hóa tại xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang).
Nghiệm thu giống lúa DCG66 tại cánh đồng thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang).
|
Vụ mùa năm nay, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với xã Nghĩa Hòa triển khai mô hình sản xuất lúa giống mới DCG66 và Tân Ưu 98 trên quy mô 20 ha, 206 hộ tham gia.
Giống lúa DCG66 là sản phẩm hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, do Công ty cổ phần Tập đoàn Tiền Hải (Thái Bình) sản xuất. Giống lúa Tân Ưu 98 được phát triển bởi Công ty cổ phần Giống nông nghiệp Việt Nam.
Thực hiện mô hình này, Trung tâm ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất, bao gồm: Làm đất, sử dụng mạ khay - máy cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một số diện tích lúa của mô hình đang ở giai đoạn trổ bông, gặp mưa bão bị ngập úng song vẫn đạt năng suất cao.
Qua theo dõi, giống lúa DCG66 có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 101-103 ngày), chiều cao cây 110 cm, lá dày, thân cứng, bộ rễ khỏe giúp chống đổ, kháng sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khỏe, bông dài và số hạt trên bông cao, năng suất đạt 58 tạ/ha. Giống lúa Tân Ưu 98 cũng phát triển tốt, bông dài, hạt xếp dày, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất ước đạt khoảng 60 tạ/ha.
Việc ứng dụng mạ khay - máy cấy với phương pháp làm mạ tập trung và mật độ cấy thưa đã giúp lúa phát triển nhanh, sớm bén rễ. Nhờ đó lúa sinh trưởng khỏe, giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh; tiết kiệm từ 40-45% chi phí nhân công so với cấy tay. Việc sử dụng thiết bị bay không người lái giúp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, giảm chi phí thuốc, tiết kiệm nước tưới, công lao động...
Từ thực tế sản xuất, các đại biểu tham gia nghiệm thu khẳng định, giống lúa DCG66 và Tân Ưu 98 đều có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa đang sản xuất đại trà tại địa phương. Gạo DCG66 trắng, cơm mềm và đậm vị, phù hợp cho chế biến bún và bánh phở, đặc biệt có thể thay thế giống Khang Dân trong sản xuất đại trà. Sự thành công của mô hình không chỉ mở ra hướng đi mới trong sản xuất lúa giống tại Bắc Giang mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Các tin khác
Ngày 19/11, Sở Công Thương, Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư Trung Quốc tại Bắc Giang. Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp (DN) của tỉnh và đoàn công tác của TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Khởi nghiệp từ lúc 18 tuổi với món đặc sản thịt chua của huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) khi trong tay chỉ có 4 triệu đồng, sau 13 năm thăng trầm, chị Nguyễn Thị Thu Hoa đã chắp bút viết nên một cuốn sách nhằm chia sẻ những vấp ngã, bài học bản thân, động viên các bạn trẻ tự tin thử sức, làm giàu chính đáng cho quê hương bằng thông điệp mạnh mẽ: "Hành động đi: Đúng có kết quả, sai có bài học".
Chiều 14/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đúc kết nhiều bài học quý giá, đồng thời phát triển các mô hình sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nông nghiệp và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để nông nghiệp phát triển bền vững cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong tái cơ cấu.