Hà Nội ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao
- Cập nhật: Chủ nhật, 20/10/2024 | 11:29:34 AM
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi. Số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động có xu hướng giảm mạnh đã tác động tích cực đến thị trường lao động.
Phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
|
Thị trường lao động phục hồi
Báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của bão Yagi, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp khó khăn vì lao động phải tạm nghỉ việc do ngập lụt, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thống kê thành phố Hà Nội, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 9 ước giảm 0,3% so với tháng trước, song vẫn tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 9, thị trường lao động Hà Nội tiếp tục đà phục hồi. Số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động có xu hướng giảm mạnh, đã tác động tích cực đến thị trường lao động. Ước tính, nhu cầu tuyển dụng trên toàn Thành phố trong tháng 9 khoảng 22.679 vị trí.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 10.357 việc làm trống của 3.240 doanh nghiệp tại Trung tâm, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như: Bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ khác, chiếm khoảng 51,72% (tăng 5,33 điểm % so với tháng trước), tiếp đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo - xây dựng chiếm 24,09% (tăng 8,98 điểm % so với tháng trước).
Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là vị trí nhân viên dịch vụ và bán hàng, chiếm 42,17% (giảm 4,35 điểm % so với tháng trước), tiếp đến là vị trí nhân viên trợ lý văn phòng, chiếm 13,12% (tăng 6,99 điểm % so với tháng trước).
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng người lao động có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 45,96% tổng nhu cầu tuyển dụng), nhóm công nhân kỹ thuật không có bằng cấp, chứng chỉ và lao động phổ thông có chỉ tiêu tương đương, khoảng 16%. Về mức lương, các doanh nghiệp chủ yếu chi trả cho người lao động mức từ 5 - 10 triệu đồng (chiếm 74,1% tổng số nhu cầu tuyển dụng); tiếp đến là mức lương từ 10 - 20 triệu đồng (chiếm 17,13%).
Theo số liệu khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp do Trung tâm thực hiện, các doanh nghiệp có quy mô lớn chú trọng tuyển dụng lao dộng có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đặc biệt là các công việc chuyên ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật… Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng cho biết họ đang có xu hướng cởi mở hơn về vấn đề bằng cấp trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng những người lao động có khả năng đa nhiệm, bao quát công việc, quản lý đội nhóm và giải quyết công việc hiệu quả.
Nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục gia tăng những tháng cuối năm
Nhận định về triển vọng thị trường lao động thành phố trong giai đoạn còn lại của năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết nhờ tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng của Thành phố tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, sẽ tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.
Trên địa bàn thành phố, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút FDI, cùng với sự tăng trưởng mạnh của hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch lữ hành, hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ... sẽ tạo điều kiện cho tình hình kinh tế xã hội tăng trưởng ổn định. Từ đó, góp phần thúc đẩy thị trường lao động duy trì đà phục hồi.
Qua khảo sát, các doanh nghiệp cũng đánh giá tích cực về tình hình hoạt động sản xuất trong những tháng cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao đối với một số ngành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, lưu trú ăn uống và giải trí...
Riêng trong tháng 10, dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 5% so với tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3%. Tuy nhiên, có một số nhóm ngành dự kiến giảm nhu cầu tuyển dụng như: Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ giảm khoảng 1%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm giảm khoảng 0,6%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm khoảng 0,5%.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết để hỗ trợ thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức phiên giao dịch việc làm, cung các thông tin thị trường lao động cho các doanh nghiệp, người lao động.
Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn việc làm và các điểm vệ tinh. Trong tháng 10 này, Trung tâm sẽ tổ chức 24 phiên giao dịch việc làm.
Các tin khác
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ có bài viết với tiêu đề “Nhìn lại thế giới năm 2024 và dự báo trong năm 2025”, trong đó nhấn mạnh năm 2025, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; sẵn sàng trước các tình huống phức tạp của tình hình thế giới.
Cuối năm, nhiều chợ nông sản trên địa bàn tỉnh hoạt động nhộn nhịp, tấp nập xe ra, vào chở hàng. Không kể ngày hay đêm, những chuyến xe đưa hàng nghìn tấn nông sản từ đây được thương nhân đưa đi tiêu thụ muôn nơi.
Việt Nam-Phần Lan đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ đi làm việc tại Phần Lan. Bản ghi nhớ hợp tác này có giá trị trong vòng 5 năm, từ năm 2025 đến 2030.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch, tiêu thụ các loại trái cây như cam, bưởi, quýt, ổi, táo để phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025. Sản lượng trái cây năm nay giảm song tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao, mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.