Bắc Giang: Nâng tầm nông sản nhờ truy xuất nguồn gốc

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/12/2024 | 9:52:18 PM

Truy xuất nguồn gốc (TXNG) nông sản là hoạt động liên quan đến theo dõi, nhận diện, truy vết thông tin sản phẩm trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối, đây là một trong các nội dung quan trọng của chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp. Xác định được tầm quan trọng đó, tỉnh Bắc Giang đã có Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG giai đoạn 2021-2025.

Sản phẩm của HTX Sản xuất, kinh doanh truyền thống mỳ Trại Lâm Thuận Hương (Lục Ngạn) sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR.
Sản phẩm của HTX Sản xuất, kinh doanh truyền thống mỳ Trại Lâm Thuận Hương (Lục Ngạn) sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR.

Tạo niềm tin với người tiêu dùng

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về sự minh bạch thông tin đối với sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là nông sản thì TXNG thông qua gắn mã vạch, mã QRcode được xem là giải pháp giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng, góp phần ngăn chặn gian lận thương mại.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Hòa Phú AFC ở thôn Bảo An, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) thành lập từ năm 2020 và hiện có 7 hộ liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, HTX đưa ra thị trường khoảng 1,8 nghìn tấn vịt, gà thương phẩm tại các chợ đầu mối, cơ sở chế biến, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo đại diện HTX, để xây dựng thương hiệu cũng như tạo chỗ đứng trên thị trường, nhiều năm nay, HTX chú trọng thực hiện quy trình TXNG sản phẩm trên bao bì đối với sản phẩm thông qua việc gắn mã QR. Người tiêu dùng có thể quét mã để kiểm tra quá trình chăn nuôi đến khi sản phẩm được phân phối ra thị trường và các chứng nhận sản xuất an toàn. Đây cũng là cách để HTX bảo vệ sản phẩm của mình và dành được lòng tin của khách hàng.

Tương tự, HTX Nông nghiệp "Xanh” Yên Thế là một trong những đơn vị tiên phong gắn tem TXNG đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế. Theo ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX, thực hiện quy trình TXNG đã góp phần tạo dựng vị thế của HTX, điều này thể hiện ở chỗ các sản phẩm như: Giò, chả, xúc xích gà, gà ủ muối hoa tiêu, khô gà lá chanh đều có mặt trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện ích và nhà hàng tại nhiều tỉnh, thành phố… Có được kết quả trên là do nhiều năm qua, đơn vị đã chú trọng thiết kế logo, bao bì, đăng ký mã vạch, mã QR, in tem nhãn, đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn, giúp người tiêu dùng dễ dàng TXNG, xem thông tin hướng dẫn sử dụng, bảo quản, hàm lượng dinh dưỡng... của sản phẩm.

Bên cạnh các mặt hàng thuộc lĩnh vực chăn nuôi, nhiều sản phẩm ở lĩnh vực trồng trọt, chế biến, OCOP cũng được các cá nhân, hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện quy trình TXNG.

Ngoài Sở Khoa học và Công nghệ đang chủ trì vận hành, quản lý Cổng thông tin TXNG xuất xứ cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh (Cổng TXNG của tỉnh), UBND huyện Hiệp Hòa đang vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa của huyện và đang thực hiện hỗ trợ miễn phí các tổ chức, cá nhân TXNG đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Nhiều sản phẩm được hỗ trợ TXNG tại đây như: Gạo nếp cái hoa vàng xã Thái Sơn, lạc nhân Hiệp Hòa, mỳ gạo Hoàng An, trám đen Hoàng Vân... Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX nhằm phục vụ hỗ trợ đối chứng, hậu kiểm chất lượng khi xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm trên mạng.

Tích cực tư vấn, hỗ trợ chủ thể

Hệ thống TXNG bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin chất lượng, an toàn của sản phẩm. Qua đó kiểm soát chặt chẽ các khâu từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng. Để bảo đảm công khai, minh bạch về thông tin TXNG nông sản, tỉnh Bắc Giang đang thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu phấn đấu có tối thiểu 30% DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống TXNG áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; 100% sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, OCOP được áp dụng hệ thống TXNG.

Sản phẩm của HTX Rau sạch Yên Dũng sử dụng hệ thống TXNG qua mã QRcode.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các tập thể, cá nhân áp dụng TXNG trên Cổng TXNG của tỉnh. Riêng năm 2024, Sở đã hướng dẫn tạo tài khoản 30 đơn vị với 35 sản phẩm được đưa thông tin lên cổng TXNG này. Trước đó, năm 2023, Sở đã hỗ trợ đối với 20 sản phẩm của 8 HTX; Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 6 chủ thể; huyện Tân Yên hỗ trợ 10 chủ thể tham gia chương trình OCOP…

Bắc Giang phấn đấu có tối thiểu 30% DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh có hệ thống TXNG áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; 100% sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, OCOP được áp dụng hệ thống TXNG.

Ngoài ra, thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ các địa phương chuẩn hóa quy trình sản xuất an toàn bền vững, xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ, hỗ trợ TXNG gắn với số hóa vùng sản xuất… Qua đó đã hỗ trợ xây dựng mã QRcode, tem TXNG sản phẩm cho 20 HTX, DN, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/trường hợp.

Đặc biệt, theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thực hiện TXNG là chỉ tiêu bắt buộc. Năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ TXNG sản phẩm, có thể áp dụng đối với các nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (trừ nhóm dịch vụ du lịch, sinh thái và điểm du lịch). Tổ chức tập huấn, tư vấn hướng dẫn triển khai đến các chủ thể sản xuất. Đây là tiền đề để các chủ thể tiến tới áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO, HACCP. Đến nay, 100% sản phẩm khi tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đều áp dụng quy trình này.

Thời gian tới, cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, HTX, DN về tầm quan trọng của TXNG nông sản. Đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn để các tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm an toàn có ứng dụng hệ thống TXNG; khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng thông tin TXNG của tỉnh và Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa Quốc gia. Cùng đó, thu hút, khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao theo định hướng quy hoạch kết hợp với các biện pháp tổ chức tiêu thụ.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Blueway Vina, Khu công nghiệp Vân Trung (thị xã Việt Yên).

Trong quý I năm nay, ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục đà phục hồi, đạt giá trị cao so với cùng kỳ năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN

Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Tổ trưởng Tổ công tác số 7 chủ trì cuộc họp với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đường giao thông khu dân cư khu vực thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Ảnh Danh Lam: TTXVN

Khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Nhân viên chuyên trách của Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT phỏng vấn trực tuyến tuyển dụng lao động.

Với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực trong kết nối, thông tin thị trường lao động, quý I năm nay, các ngành chức năng và địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp tuyển mới hơn 35 nghìn lao động, vượt 5 nghìn người so với nhu cầu dự báo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục