Công nghệ số - Chìa khóa của thành công

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/1/2025 | 9:17:35 PM

Trong thời đại 4.0 với sự bùng nổ của công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa hay “thế giới phẳng” đã xóa nhòa giới hạn về địa lý. Sự thay đổi này tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi các phương thức hiện đại dần thay thế cách làm truyền thống, buộc người kinh doanh phải đổi mới để thích nghi và trụ vững.

Tổng Công ty may Bắc Giang (LGG), xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) là một trong những DN ứng dụng công nghệ trong quản trị DN mang lại hiệu quả cao.
Tổng Công ty may Bắc Giang (LGG), xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) là một trong những DN ứng dụng công nghệ trong quản trị DN mang lại hiệu quả cao.

Khai thác lợi thế các nền tảng công nghệ

Sự ra đời của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế giúp người tiêu dùng trong nước thuận lợi tiếp cận hàng hóa xuyên biên giới, không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Có thể nói, chưa bao giờ việc mua hàng hóa ở trong và ngoài nước lại dễ dàng như hiện nay. Người tiêu dùng chỉ cần truy cập vào trang mạng xã hội hoặc sàn TMĐT, nhấp chuột vào mặt hàng cần mua, thanh toán không dùng tiền mặt là hàng được chuyển về tận nơi.

Livestream bán vải thiều trên nền tảng Tiktok.

Hiện nay, khai thác các nền tảng, ngoài sàn TMĐT, các cá nhân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng bán hàng qua các kênh như: Zalo, Facebook, Tiktok… và lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Nổi bật là sản phẩm quê hương như: Vải thiều, cam, bưởi, mỳ Chũ… đều được mở rộng thị trường nhờ một phần kinh doanh online. Qua đánh giá, hoạt động kinh doanh online đã uy tín hơn, dần đi vào nền nếp. Đa số chủ tài khoản đã lựa chọn sản phẩm chất lượng cung ứng cho khách hàng.

Chị Trần Thị Cảnh ở thị xã Chũ cho biết, nhiều năm qua chị bán cam, bưởi của địa phương dựa vào đăng hình ảnh trên tài khoản Zalo, Facebook cá nhân. Sản phẩm chào bán ra sao thì cung cấp đến khách hàng như vậy, khách nhận hàng ưng ý mới trả tiền. Theo chị, kinh doanh lâu dài mà bán theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó” thì khó bền vững.

Khai thác lợi thế của thời đại công nghệ 4.0, nhiều DN đã đón bắt, ứng dụng công nghệ trong quản trị, điều hành, sản xuất, kinh doanh để tăng sức cạnh tranh, theo kịp xu thế tất yếu. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) là DN xuất khẩu nông sản đứng vững trên thương trường nhiều năm qua nhờ vào nâng cao chất lượng quản trị, không ngừng đổi mới để thích ứng với sự thay đổi. Ngoài đầu tư dây chuyền tiên tiến, hiện đại để chế biến nông sản xuất khẩu, DN đã chủ động số hóa các phần việc như: Quản trị tài chính, nhân lực; nhiều công đoạn được tự động hóa.

Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty, trước đây việc sản xuất phải ban hành lệnh bằng giấy, rồi các thủ tục ký xác nhận mới vận hành được dây chuyền nhưng giờ đây chỉ cần vài nhấp chuột, lãnh đạo DN có thể điều hành tất cả mọi việc. Trên phần mềm có cài định mức của mỗi nhân viên, chủ DN biết được tiến độ công việc, có giải pháp đôn đốc, xử lý kịp thời nếu chậm trễ. Qua đó giảm rất nhiều thời gian, chi phí, nâng hiệu quả sản xuất của DN. Được biết, DN sản xuất ngô ngọt chế biến, khoai tây, cà rốt, bí, vải thiều… xuất sang một số nước EU, Hàn Quốc, Thái Lan… Doanh thu năm 2024 đạt khoảng 5 triệu USD.

Tương tự, Tổng Công ty may Bắc Giang (LGG), xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) đã chú trọng chuyển đổi số trong quản trị DN. DN ứng dụng các phần mềm trong quản lý, điều hành. Hệ thống phần mềm có tính năng ưu việt, kết nối được với điện thoại di động có đầy đủ chức năng như kế toán, bán hàng, kiểm soát hàng xuất và nhập, giúp DN liên kết tất cả các quy trình hoạt động, từ đó hoạch định chính xác tài chính hiện có của DN cũng như lượng hàng tồn kho để chủ động sản xuất, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Với sự nhạy bén, thích ứng nhanh với thời đại công nghệ, Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Biến thách thức thành cơ hội

Nhờ các nền tảng, công nghệ, người kinh doanh, DN ở Bắc Giang đã khai thác, sử dụng hiệu quả và đạt được thành công. Tại huyện Hiệp Hòa có một nhóm bạn trẻ ở Bắc Giang nhưng điều hành, bán hàng xuyên biên giới tại Hoa Kỳ, doanh thu, thu nhập rất cao. Công ty TNHH một thành viên Thiên An (TP Bắc Giang) đã xây dựng một gian bán hàng trên sàn TMĐT quốc tế Amazon.com. Sau gần một năm quảng bá trên sàn, đến nay, sản phẩm nước hoa ô tô và trà hương thảo của DN đã được bán trên sàn với doanh thu bình quân hơn 1 tỷ đồng/tháng cho khách hàng tại Hoa Kỳ.

Sự bùng nổ của công nghệ số đã khiến thế giới ngày một "phẳng” hơn. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng là con người có thể làm được nhiều phần việc mà trước đây chưa thể hình dung ra như: Thiết lập các lệnh, điều khiển từ xa, trao đổi, kết nối kinh doanh… Theo đánh giá của Bộ Công Thương, TMĐT của Bắc Giang năm 2024 tăng trưởng 24%, nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Con số trên đã chứng minh, người dân, DN Bắc Giang đã khá năng động, nắm bắt xu thế để thay đổi, ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại vào thực tiễn.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thương mại điện tử của Bắc Giang năm 2024 tăng trưởng 24%, nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Tuy nhiên, "thế giới phẳng” cũng nảy sinh nhiều thách thức. Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, khi không còn hàng rào kỹ thuật, thuế quan, hàng hóa các nước tràn vào trong nước, nếu người kinh doanh trong nước không thay đổi để thích ứng, nhất là trong giai đoạn hiện nay thì khó trụ vững. Chủ một DN sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chia sẻ, DN trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm nhưng vẫn phải xuất khẩu sản phẩm qua một DN trung gian khác. Điều này khiến DN dễ rơi vào cảnh "đi trước, về sau”.

Ông Dương Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN (Hiệp hội DN tỉnh) phân tích, với một DN chế biến gỗ, công nghệ không có gì riêng biệt, bí mật, nếu một lúc nào đó, DN trung gian có khách hàng, họ có thể trực tiếp sản xuất, bán sản phẩm cho khách hàng mới thì DN sản xuất gỗ sẽ mất thị trường. Vì thế, cần cập nhật kiến thức, thay đổi phương thức kinh doanh dựa trên công nghệ để có thể tiếp cận trực tiếp khách hàng, mở rộng thị trường.

Trao đổi tại hội nghị "Triển vọng đầu tư năm 2024" tại Bắc Giang, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, khi thế giới không còn biên giới, ranh giới địa lý không còn thì xu hướng toàn cầu hóa sẽ biến thế giới thành một sân chơi bình đẳng trên tất cả lĩnh vực kinh tế, thương mại và mọi đối thủ cạnh tranh đều có cơ hội như nhau. Thế giới "phẳng” buộc mỗi quốc gia, con người phải thay đổi. Vì nếu không điều chỉnh và thay đổi trong một thế giới mà nó luôn luôn thay đổi, mình sẽ bị cô lập. DN muốn thành công thì đòi hỏi người lãnh đạo phải nhạy bén, lựa chọn giải pháp tối ưu.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, những năm qua, Bắc Giang luôn quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện và hỗ trợ DN tiếp cận các quy định mới; xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng mẫu mã, chất lượng sản phẩm để từng bước chuyển sang phương thức sản xuất, kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về các hiệp định thương mại tự do để nắm vững cam kết của các quốc gia tham gia; biến thách thức thành cơ hội, thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. "Thế giới phẳng” chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn.

Theo Báo Bắc Giang

Các tin khác
Quang cảnh lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh/PV TTXVN tại Campuchia

Trong không khí hân hoan phấn khởi của những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, tại sự kiện kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Minh Vũ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năm 2025 - năm chuẩn bị hành trang để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samkwang Vina, KCN Quang Châu.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày 25/1 đến hết 2/2/2025), các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bắc Giang đã trở lại hoạt động bình thường.

Công nhân Công ty Truyền tải điện kiểm tra thiết bị TBA 220 kV Xuân Mai. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Tháng 2/2025, nhiều chính sách mới liên quan đến kinh tế như giá điện và giá dịch vụ về điện, quy định về đăng ký thuế, giám định tiền giả, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai… chính thức có hiệu lực thi hành.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ có bài viết với tiêu đề “Nhìn lại thế giới năm 2024 và dự báo trong năm 2025”, trong đó nhấn mạnh năm 2025, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; sẵn sàng trước các tình huống phức tạp của tình hình thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự