Thông tin báo chí về kinh tế và doanh nghiệp cần đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/10/2024 | 8:16:58 AM
Đó là nhấn mạnh của ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ 2 - năm 2024.
Đoàn chủ trì Diễn đàn (từ trái qua) gồm: Ông Phan Xuân Thuỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI; ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT.
|
Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào sáng 24/10, tại Hà Nội.
Mối quan hệ có nguy cơ đi lệch hướng
Phát biểu đề dẫn, ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, chủ đề Diễn đàn năm nay "Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí” – rất thiết thực trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới biến động nhanh, có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi phải hiểu đúng, truyền thông đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội tác động không nhỏ đến việc truyền thông thông tin kinh tế, và đặc biệt là dẫn đến những thay đổi trong thị hiếu, phương thức tiếp cận thông tin của công chúng.
Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí-doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận vào một số hạn chế còn tồn tại. Đó là, nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. Còn tồn tại tình trạng một số bài báo đưa tin thiếu khách quan.
Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.
"Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí "bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, thì chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí, khi góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
Nhìn nhận báo chí đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, các mô hình truyền thông mới trỗi dậy, doanh thu quảng cáo suy giảm mạnh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, có một nghịch lý, báo chí Việt Nam hiện nay vừa làm sứ mệnh chính trị, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội qua đó cũng phải tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp để duy trì hoạt động - hai vấn đề này nhiều khi không song trùng mà xung đột lẫn nhau dẫn đến giảm sút niềm tin của người dân, của doanh nghiệp vào báo chí.
"Có những doanh nghiệp lớn nhưng chưa biết cách quan tâm đầy đủ đến truyền thông mà chỉ coi truyền thông là kênh quảng cáo về sản phẩm dịch vụ. Do đó mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp mang tính chất đơn lẻ, hiệu quả không được như kỳ vọng. Ngược lại, một bộ phận báo chí cũng lấy việc động chạm, "bới móc" doanh nghiệp, tạo sức ép để có mối quan hệ về sau - cách tiếp cận nhau không được tích cực. Gần đây thậm chí có những cơ quan báo chí toàn bộ cán bộ chủ chốt bị xử lý hình sự, buộc phải dừng hoạt động. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đang có nguy cơ đi lệch hướng", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Thứ trưởng Lâm mong muốn tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin kinh tế, doanh nghiệp trên báo chí để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Bất cứ giai đoạn nào, báo chí cũng luôn giữ vai trò song hành cùng doanh nghiệp
Chia sẻ tại Diễn đàn, nhà báo, TS kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng vấn đề quan trọng là cần nhận thức đúng vai trò của báo chí, truyền thông đối với sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Thông tin không chính xác từ phía doanh nghiệp sẽ gây nghi ngờ và mất lòng tin của báo chí và theo đó là của độc giả. Ngược lại, thông tin không chính xác của nhà báo hiển nhiên sẽ làm thiệt hại uy tín và thậm chí ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và báo chí phải được xây dựng lâu dài và bền vững, trên nền tảng của sự hiểu biết, tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau, tránh kiểu "ăn xổi ở thì” hoặc lợi ích một chiều, gạt bỏ tâm lý e dè, cảnh giác giữa doanh nghiệp đối với báo chí và ngược lại.
Sự cộng sinh của các doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua "cầu trung gian” báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như văn hóa doanh nghiệp…
Nhấn mạnh nguồn nhân lực là yếu tố then chốt quyết định thành công của chất lượng thông tin kinh tế, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết kỹ năng, thái độ và giá trị mà một nhà báo cần có để thực hiện tốt công việc của mình trong lĩnh vực kinh tế đó là kiến thức chuyên môn sâu về kinh tế, tài chính, thị trường. Cách viết phải mang tính sáng tạo, hấp dẫn đặc biệt cần đề cao nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm với xã hội.
Về giải pháp đào tạo, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh đến việc xây dựng mô hình đào tạo phù hợp, kết hợp lý thuyết và thực hành. Đồng thời mời chuyên gia nước ngoài, gửi nhà báo đi đào tạo ở nước ngoài, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo kinh tế. Đầu tư công nghệ hiện đại hỗ trợ công việc của nhà báo.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Phan Xuân Thuỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, mặc dù đâu đó còn những vấn đề này, vấn đề khác trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng phải khẳng định rằng báo chí là một trong những cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với xã hội và người tiêu dùng; cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, với các cơ quan chức năng. Không chỉ thế, báo chí còn được xem như người bạn, người dẫn dắt, người góp phần định hướng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.
Bởi trong bất cứ giai đoạn nào, báo chí cũng luôn giữ vai trò song hành cùng doanh nghiệp góp phần thúc đẩy sự phát triển chung như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội.
"Rất nhiều ý kiến trong Diễn đàn hôm nay đã nhìn nhận đúng và trúng mối quan hệ với báo chí kể cả mặt tích cực và tiêu cực, đã chỉ ra những vấn đề mà cả báo chí và doanh nghiệp cần tập trung hiện nay, thống nhất triển khai để báo chí thực hiện đúng sứ mệnh của mình, doanh nghiệp thực hiện tốt hơn bổn phận của mình đối với xã hội, đối với đất nước; để thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí phải thực sự là những thông tin có chất lượng, thông tin góp phần hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung", ông Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ khai trương giao diện mới của Trang thông tin điện tử VCCI và Chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và phát triển môi trường kinh doanh bền vững 2024.
Các tin khác
Công tác tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), đã và đang trở thành hoạt động trọng tâm tại các cấp Hội, các Liên Chi hội, Chi hội nhà báo. Đây còn được xác định là đợt thi đua đặc biệt, đợt sinh hoạt chính trị lan tỏa sâu rộng, tạo không khí thi đua sôi nổi trong hội viên, nhà báo, sẵn sàng chào đón một năm 2025 với nhiều hy vọng và chuyển động mới.
Chiều ngày 15/1, tại Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, Ban Tổ chức Hội báo Xuân Ất Tỵ năm 2025 tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức Hội báo Xuân Ất Tỵ năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Văn Ánh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Tổ chức Hội báo Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Ngày 10/1, tại Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, Câu lạc bộ (CLB) ảnh Thời sự- Nghệ thuật (Hội Nhà báo tỉnh) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Trần Đức Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh dự hội nghị.
Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm 2024 vừa ban hành công văn số 63/HD-HĐGBCQG về hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí quốc gia lần thứ XIX - năm 2024.