Hy vọng từ một mùa giải thưởng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/2/2022 | 1:55:50 PM

Trong 216 tác phẩm tham gia Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 có 70 tác phẩm văn xuôi, 91 tác phẩm thơ, 16 tác phẩm lý luận phê bình, 20 tác phẩm văn học dịch và 19 tác phẩm văn học thiếu nhi. Qua hai vòng sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức quyết định trao giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc, gồm: Tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương (văn xuôi); Tập lý luận phê bình “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” của Trương Đăng Dung (lý luận-phê bình); Tiểu thuyết “Châu Phi nghìn trùng” của Isak Dinesen, bản dịch của Hà Thế Giang (văn học dịch); Tác phẩm “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa (văn học thiếu nhi). Riêng thể loại thơ không có tác phẩm được trao giải.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các tác giả.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cho các tác giả.

Tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng” của nhà văn Nguyễn Bình Phương được hội đồng chuyên môn đánh giá là tác phẩm mang tính khái quát rất cao về một thực trạng không thể chối bỏ của xã hội. Từ vụ án một người "buôn” bốn cân chè mà mất hai mạng người từng rúng động tỉnh Thái Nguyên thời bao cấp, nhà văn đã dựng lại cả một bi kịch mà trong đói khổ, ấu trĩ, nghiệt ngã..., cái ác đã lên ngôi. Cuộc truy tìm đến tận cùng nguyên nhân của một cái chết, cái kết của vụ án chính là một cuộc truy tìm thời cuộc. Trước đó, với những tác phẩm khác, Nguyễn Bình Phương đều dựng lên một giọng điệu riêng của văn chương đương đại Việt Nam. 

Tập lý luận-phê bình "Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” của PGS, TS Trương Đăng Dung là công trình tập hợp suy tư, lý luận văn học với thiên hướng lý thuyết, nhất là những vấn đề liên quan văn bản, tiếp nhận và cơ chế tạo nghĩa của văn bản. Công trình được đánh giá cao về chất lượng khoa học, tính chuẩn mực về học thuật. Người viết đã có những phân tích, luận giải bắt nguồn từ nền tảng vững chắc của triết học và mỹ học. 

Giải thưởng văn học dịch được trao cho cuốn "Châu Phi nghìn trùng” của nhà văn nữ nổi tiếng người Đan Mạch Isak Dinesen, người từng hai lần được đề cử giải Nobel Văn học vào năm 1954 và 1957 do dịch giả Hà Thế Giang dịch. Cuốn hồi ký kể về khoảng thời gian tác giả sinh sống tại châu Phi (1914-1931), kết thúc bằng câu: "Cũng bởi nhìn từ xa, dáng núi dần trở nên mềm mại và thanh thoát hơn”. Chính với cái nhìn đó, tác giả thể hiện được sự uyển chuyển, bao quát về một châu Phi rộng lớn và nhất quán với tinh thần nhân văn. Đó cũng là giá trị cốt lõi, lớn lao và đặc sắc của tác phẩm này. Bản dịch của Hà Thế Giang được đánh giá cao về độ chuẩn xác, ngôn ngữ trong sáng, trau chuốt, tinh tế.

Tác phẩm "Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa mang đến cách kể giản dị nhưng đầy xúc động bởi tính chân thực và giọng văn mộc mạc. Câu chuyện thường nhật của những đứa trẻ ở lứa tuổi thiếu niên nhi đồng được nhà văn tái hiện trong bầu ký ức một thời không thể quên của mỗi người. Những ký ức ấy đầy hồn nhiên, vụng dại, khát khao và là suối nguồn trong mát nuôi dưỡng con người trở nên trưởng thành, tử tế.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 đã lựa chọn khá chính xác những tác phẩm tiêu biểu, phần nào phản ánh thực trạng, thực lực của đời sống văn học trong năm qua. Điểm chung của các tác phẩm được trao giải thưởng là đều thể hiện sự chuyên nghiệp trong văn chương, đồng thời truyền tải được vẻ đẹp của nghệ thuật, thông điệp nhân văn lan tỏa tới xã hội. Về sự "trống vắng” của lĩnh vực thơ trong mùa giải năm nay và cả nhiều mùa giải trước đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, thơ ca luôn là một "văn bản nghệ thuật khắc nghiệt” với cả người sáng tác và bạn đọc. Việc cảm nhận thơ cũng luôn là thách thức, mang tính đa chiều. Có lẽ, chính vì điều đó mà việc lựa chọn một tác phẩm thơ để trao giải thưởng vẫn còn khó khăn.  

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, mùa giải thưởng năm nay đã mở ra những hy vọng mới để thêm lần nữa khẳng định: Cách thể hiện cao cả nhất và hiệu quả nhất của mỗi người viết là mang đến những trang viết nhân văn, sáng tạo. Chỉ khi nhà văn viết được những tác phẩm đáng giá nhất, ích lợi nhất cho đất nước thì mới làm nên sự bùng nổ, khẳng định rõ ràng nhất đối với Hội, với bạn đọc và bản thân người cầm bút.

 
Theo Báo NDĐT (NQ)

Các tin khác
Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phát biểu tại Liên hoan.

Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.

Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.

Minh họa: Hiền Nhân.

Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các Trưởng đoàn nhạc sĩ tham dự Liên hoan.

Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự