Về cơ bản, các Bộ nhất trí thời gian, yêu cầu, thực hiện mở cửa du lịch trong tình hình mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/3/2022 | 3:51:49 PM
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản số 623/VHTTDL-TCDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 năm 2022 đã tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng/TTXVN
|
Trong văn bản có nêu: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất lộ trình, phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 16/2; căn cứ các nội dung thống nhất giữa các Bộ, ngành tại cuộc họp ngày 15/2 về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi các Bộ đề nghị góp ý phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Sau khi tiếp thu ý kiến các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện Phương án này.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Về cơ bản, các Bộ nhất trí về thời gian, yêu cầu, tổ chức thực hiện mở cửa trong dự thảo phương án. Bên cạnh đó, có một số ý kiến còn khác nhau đối với yêu cầu đảm bảo y tế cho khách nhập cảnh từ 12 tuổi trở lên và một số nội dung khác cần xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, về yêu cầu đảm bảo y tế cho khách nhập cảnh từ 12 tuổi trở lên và các ý kiến góp ý khác, Bộ Y tế có ý kiến yêu cầu khách du lịch ‘‘có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh’’. Về ý kiến này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị giữ nguyên nội dung này trong phương án. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất: Khách du lịch ‘‘có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 (bằng phương pháp PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh’’.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Tại hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế do Bộ phối hợp với Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 24/1, các ý kiến đều nhất trí nội dung này. Quy định trên là phù hợp với thực tế vì khách du lịch ở thị trường xa có thời gian bay dài, hoặc khách có thể gặp những vấn đề bất khả kháng, khách quan khiến chậm trễ nhập cảnh như chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc phải nối chuyến mất nhiều thời gian, do vậy không nên quy định khách du lịch có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Bộ Y tế đưa ra yêu cầu khách du lịch "ở lại nơi lưu trú trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh’’ và "trong vòng 72 giờ đầu hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú’’. Với ý kiến này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị giữ nguyên nội dung trên trong phương án. Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất: Trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không), khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Nếu kết quả âm tính thì được tham gia các hoạt động du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt nếu có có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh) tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh cũng được tham gia du lịch, không phải thực hiện biện pháp cách ly.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt đối xử giữa khách du lịch quốc tế và nội địa, đồng thời tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong đó có khách du lịch đường biển vì dòng khách này thường chỉ đi tham quan theo chương trình du lịch trong ngày, mặt khác các điều kiện an toàn phòng, chống dịch được đảm bảo. Trước khi nhập cảnh Việt Nam, khách du lịch phải đáp ứng điều kiện: Tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Góp ý cho phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Công an có ý kiến bổ sung nhiệm vụ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành việc "Xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn… gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt’’.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị giữ nguyên nội dung trong dự thảo phương án, không yêu cầu thêm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp lữ hành khi mở cửa lại hoạt động du lịch. Việc yêu cầu doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn gửi cơ quan thẩm quyền phê duyệt chỉ thực hiện trong giai đoạn thí điểm. Khi mở cửa lại hoạt động du lịch, doanh nghiệp lữ hành tuân thủ pháp luật về du lịch và các quy định liên quan mới được kinh doanh đón khách. Các phương án đảm bảo an toàn đã được các bộ, ngành, địa phương quy định và giám sát các đơn vị cung ứng dịch vụ liên quan.
Để đảm bảo mở cửa lại hoạt động du lịch an toàn trong điều kiện bình thường mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm tiếp tục chỉ đạo một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, sớm khôi phục các chính sách về thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch COVID-19; hoàn thiện ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 để thống nhất áp dụng, hỗ trợ khách nhập cảnh trong thời gian lưu trú tại Việt Nam (nhất trí áp dụng ứng dụng PC-Covid theo đề xuất của Bộ Y tế); hoàn thiện các hệ thống, đảm bảo cấp "chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19’’ cho người dân sớm nhất để tạo thuận lợi cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ chỉ đạo rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan khi thực hiện mở cửa lại trong điều kiện bình thường mới…
Theo Báo Tin tức (NQ)
Các tin khác
Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào chiều 23/11/2024 – đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Với việc có thêm nhiều quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung, Luật được thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.