Hoa gạo lưng trời
- Cập nhật: Thứ hai, 7/3/2022 | 3:25:51 PM
Bà Ngoan đang quét đám hoa gạo rụng đầy ngoài cổng chợt nghe tiếng con dâu gọi, bà giật mình. Không biết có chuyện gì nữa. Từ khi dịch Covid - 19 tràn qua, hễ cứ nghe tiếng con dâu gọi là bà giật mình, tim đập thon thót, dù đang làm gì bà cũng bỏ dở chạy vào nhà.
Minh họa: ĐINH HƯƠNG
|
Trong nhà, Minh, con dâu bà vừa đặt bát bột mới múc còn bốc khói lên bàn, vội vàng vơ cái áo gió và mũ xe máy. "Mẹ cho con Hĩn ăn bột giúp con, con lại phải đi ngay rồi!”. Bà chau mày. Trưa muộn Minh mới về, cơm canh còn để trên bàn. "Sao nãy con bảo 2 giờ chiều mới có cuộc họp? Đã ăn uống gì đâu?”. "Con cho con bé bú được một tí. Đợi bột nguội mẹ cho cháu ăn nhé. Chú Thự trạm trưởng y tế vừa gọi cho con. Thêm mấy ca nghi nhiễm ở làng mình cần lấy mẫu”.
Bà Ngoan rụng rời chân tay: "Chết rồi. Có biết là ai không con?”. "Con gái anh Cảnh, anh ấy làm ở công ty M. Công ty ấy có sáu người nhiễm. Anh Cảnh vẫn âm tính mà cô con gái ba tuổi thì dương tính”. Mặt bà Ngoan thất sắc: "Khổ thân con bé quá. Con cẩn thận nhé! Hay ăn tạm lưng cơm cho chắc dạ. Mới sinh xong, con còn đang bú”. "Con vừa uống hộp sữa, cũng không thấy đói mẹ ạ”.
Minh đeo thêm chiếc khẩu trang nữa, rồi đội mũ xe máy. Quay sang cái Hĩn đang nằm chơi trên chiếu, Minh nựng con: "Con ăn bột ngoan, không quấy bà nhé. Mẹ sẽ về sớm”. Bà Ngoan gói mấy cái bánh bông lan với ba quả cam treo vào xe cho con dâu: "Mày hay tụt huyết áp, đến đấy đói phải tranh thủ ăn nhé, tối về còn có sữa cho con bú chứ”. "Vâng, con cảm ơn mẹ”.
***
Đi theo con dâu ra cổng, bà hót vội đám hoa gạo đổ vào bao rác. Cây gạo đầu làng dễ gần trăm tuổi, mỗi mùa hoa nở kéo theo bao nam thanh nữ tú về ngắm hoa gạo nở và chụp ảnh. Thằng Tuấn con trai bà quen Minh cũng trong một mùa hoa gạo đỏ rực như thế.
Sáng ấy, bà vội buổi chợ bán cà chua, không ra quét hoa gạo được, bèn giao việc ấy cho Tuấn. "Cả làng đẹp mà sao mỗi nhà mình phải quét hoa thế. Mẹ cứ để hoa rơi tự nhiên đi”. "Anh lười vừa thôi nhé. Nhà mình nương bóng cây gạo, hưởng sắc hoa gạo, không quét thì mấy nhà trong làng ra đây quét sao. Một ngày không hai lần quét có mà ngập đường xác hoa”.
Mặt trời lên, Tuấn mới cầm chổi ra cổng. Vừa đưa được vài nhát thì có ba cô sinh viên đạp xe tới chụp ảnh. Một cô bảo: "Anh để đấy bọn em chụp ảnh cho đẹp, chốc em quét anh ạ”. Tuấn trêu: "Anh mà không quét, mẹ anh đi chợ về bắt phạt anh quét cả mùa hoa gạo thì anh bắt đền em nhé!”. Cô gái đỏ mặt, cười ngượng. "Anh đùa thôi. Chứ ngày nào anh chẳng quét hoa gạo. Sao anh không gặp mấy em bao giờ nhỉ?”. "Dạ, bọn em ở bên kia sông, biết bên làng mình có cây gạo cổ bung hoa rực rỡ bèn rủ nhau sang đây”. "Ồ ra vậy. Đi phà thì cũng gần. Gái bên sông vừa xinh vừa hiền. Cứ như do nguồn nước ấy nhỉ”. Mấy cô gái cười khúc khích. "Anh ơi, hoa gạo này đem sắc nước uống môi đỏ má hồng đấy ạ”.
Ngang trưa bà Ngoan đi chợ về, Tuấn bê bát nước hồng hồng lên mời mẹ uống và khoe có cô bạn học trường y mới quen bày cho bài thuốc tái xuân này. Bà Ngoan mắng con trai: "Bố anh. Tôi năm chục rồi còn môi đỏ má hồng làm sao được nữa”. Nhưng rồi bà vẫn uống. Thằng Tuấn ngắm mẹ, kêu to: "Bố ơi, ra mà xem thang thuốc thần kỳ này”. Bà Ngoan xấu hổ, thấy mặt mình đang nóng dần lên.
Năm sau, Tuấn chính thức dẫn cô gái trường y về ra mắt bố mẹ. Biết nhà Minh có năm chị em gái, bố đã mất sớm, lại tận bên kia sông, bà Ngoan đã không xuôi. Bà lo con bé lại đẻ toàn con gái thì bà không có cháu đích tôn để nối dõi tông đường. Nhà chồng bà đã ba đời độc đinh. Thằng Tuấn không thể chỉ đẻ toàn con gái.
Bà đã dấm cho Tuấn một đám. Là cái Yến con gái ông Ban, bạn học với thằng Tuấn. Trên cái Yến còn có hai anh trai. Yến học Đại học Kinh tế, mới ra trường ba năm đã giữ chức trưởng phòng nhân sự công ty. Về cơ bản bản thân nó, gia thế lẫn dòng giống đều yên tâm. Bố mẹ Yến đều là đảng viên, bố còn làm cán bộ xã. Các cụ bảo bằng tuổi ngồi duỗi mà ăn.
Nhưng thằng Tuấn không chịu, nó khăng khăng chỉ yêu và cưới cái Minh. Nó bảo, chơi với nhau từ bé, hiểu nhau hết rồi không yêu được. Bố thằng Tuấn gạt đi: "Bà cứ kệ chúng nó. Chuyện con cái là phúc lộc giời cho. Bà cứ lo làm gì cho già. Con nào chẳng là con. Khối đứa còn không đẻ được kia kìa. Với lại trai hay gái còn nhờ phúc phận nhà chồng chứ”. Thằng Tuấn được thể vỗ tay: "Hoan hô bố của con”. Hôm đám cưới, bà còn không theo đoàn ô tô đi đón dâu vì bị say xe. Con bé về đúng mùa hoa gạo nở. Nhìn vợ chồng nó đứng dưới tán hoa gạo, mặt rạng ngời hạnh phúc, bà cũng an lòng.
Từ buổi ấy, sớm chiều bà có người quét hoa gạo. Những hôm bận quá, bao giờ Minh cũng dặn: "Mẹ có rảnh ra quét hoa gạo thì nhặt giúp con dăm bông”. Cứ đến tháng Ba trong nhà bà bao giờ cũng có nước trà hoa gạo. Má ai tưởng cũng hồng hẳn lên.
Năm sau, Minh sinh hạ cho bà thằng cháu trai. Bà bế thằng bé, ngắm đôi môi đỏ chon chót cánh hoa gạo của nó mà thấy rưng rưng. Minh xin về công tác ở trường làng, làm nhân viên y tế. Vừa chăm con, vừa làm, vừa xin học hàm thụ đại học. Giữa năm ngoái, Minh sinh thêm cho bà đứa cháu gái. Sinh con được một tháng đã phải đi thi tốt nghiệp. Giờ con được sáu tháng, Minh mới đi làm thì gặp thời đại dịch nên được điều động đi phòng, chống dịch ngay.
Nhớ ngày địa phương có ca bệnh đầu tiên, Minh đi cả mấy ngày trời. Về đến nhà, Minh sà vào với con ngay, nhưng thằng con trai bà xua tay: "Em đi ra trạm tiếp xúc bao nhiêu người bế con không an toàn”. Bà thấy Minh ứa nước mắt. Lúc thằng Tuấn xúc cho vợ nó một suất cơm riêng đặt ngoài phòng khách và nhắc vợ ăn ở đó, bà mắng con trai: "Bố anh chỉ vẽ. Ở trạm xá người ta thực hiện các biện pháp phòng dịch còn tốt hơn anh chứ không làm sao mà dập được dịch”. Bà Ngoan định bê bát cơm của con dâu vào bàn ăn thì Minh xua tay: "Nhà con làm thế là lo cho gia đình thôi mẹ ạ. Nay mai nếu huyện mình còn tăng ca mắc thì nhà mình mỗi người cũng nên riêng một suất ăn mẹ ạ”.
Điều không mong muốn ấy đã xảy ra. Sau ngày đầu tiên có ca mắc, chưa đầy một tuần huyện đã tăng không ngừng. Ngoài những lúc ra đồng gieo cấy, tỉa vãi, bà ở nhà trông cháu cùng với ông. Tuấn cũng ở nhà từ dạo công ty của nó ở tỉnh ngoài không cho người từ vùng dịch sang làm việc. Chỉ có Minh là đi suốt.
***
Con Hĩn ăn bột thun thút, xong thì lăn vào ôm thằng anh ngủ. Mắc màn cho cháu xong, bà Minh đi rửa bát rồi ra quét nốt đám hoa gạo rụng ngoài cổng. Tiếng xe đạp cót két từ trong ngõ. Cô Kim đi tát nước về, chiếc gầu sòng buộc dài theo khung xe, nhìn thấy bà Ngoan bèn đỗ lại từ đằng xa: "Bà Ngoan quét đường à?”. "Cô Kim đi tát nước ở cánh nào thế? Sao không sắm cái máy bơm cho tiện”. "Máy nhà cháu bị hỏng phải tát bằng cái này, nhanh còn về. Ba đứa cháu nhỏ ở nhà phải trông”.
"Thế bố mẹ nó đâu?”. "Bố nó có về ăn Tết được đâu. Con mẹ nó lại nghén”. "Con bé lại có bầu à? Tôi nhớ là cưới cùng tháng con nhà tôi, mà đẻ dày thế?”. "Chúng nó nhỡ. Con dâu nhà cháu nó chậm lắm, súng bắn đến đít cũng kệ. Chẳng được như chị Minh. Hôm qua, lúc cháu có việc lên trạm y tế, thấy chị Minh bị lả đi người ta phải cho vào phòng nghỉ, rồi đo huyết áp đấy bà ạ”. "Chết thật. Con bé cứ giấu, nào tôi có biết đâu”. Cô Kim lên xe đạp về, bà Ngoan cũng nhanh tay chổi.
Tuấn ngủ dậy, đi xuống bếp mắt nhắm mắt mở đá ngay vào rổ đỗ đỏ bà vừa vớt ra để tạm dưới sàn còn lau bàn. "Ngủ gì tới tối mới dậy. Anh có đi nhặt ngay trả tôi không? Con Hĩn ông đang trông hử?”. "Vâng. Mà con không ngủ thì biết làm gì. Ngủ cũng khổ chứ có sung sướng gì đâu. Mẹ nấu chè à? Mẹ đã có hoa gạo chưa để con nhặt cho”. "Tôi đun lấy nước rồi”. "Dạo này, mẹ ở nhà tha hồ có thời gian chăm sóc mình nhé”.
"Chăm gì tôi. Tôi nấu chè cho con dâu tôi đấy. Anh với cho tôi gói đường phèn xuống đây”. Tuấn đưa đường phèn cho bà: "Mẹ chiều con dâu quá nhỉ. Quên cả con trai”. "Bố anh. Anh làm gì mà tôi phải chăm. Cứ ở trong nhà mà còn kêu khổ, không biết vợ sấp mặt ngoài kia. Nó bị lả đi đấy. Mới nghỉ đẻ xong đã làm tối tăm mặt mũi thế còn gì”. "Sao con không biết?”. "Tôi còn cũng chẳng biết kìa”.
Mùi chè thơm ngọt bay lên thì cu Bin thò đầu vào bếp, tay nó chìa chiếc điện thoại ra, giục: "Bà ơi, mẹ muốn gặp bà”. Bà Ngoan vội chùi tay vào tà áo. "Mẹ đây. Con sắp xếp về ăn cơm sớm nhé, mẹ nấu rồi. Có món chè đỗ đỏ con thích nữa”. "Con chưa biết. Ngày hôm nay chúng con tập trung tiêm vắc-xin, tối nay thì ở lại lấy mẫu xét nghiệm cho mọi người. Còn giờ con đang tranh thủ họp ở trường. Con phải khai lý lịch ngay mẹ ạ, cả bên nhà đẻ và nhà mình. Mẹ giúp con nhé. Mẹ viết sẵn ra giấy cho con, những mục sau...”.
"Ừ, mẹ nhớ rồi. Sao đang dịch mà lại khai lý lịch gì vậy con?”. Tiếng Minh cười nhẹ: "Con được bầu chọn vào ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện mẹ ạ”. Bà Ngoan nghe con dâu nói mà như nở từng khúc ruột. Không ngờ con bé lại được tín nhiệm như thế. Vậy mà nó chẳng kể gì cho bà mừng. Con bé này đến lạ.
Thằng Tuấn cứ tủm tỉm cười theo, không biết nó có nghe rõ vợ nó nói không. Cứ ba ba tám tám, bảo sẽ phải hơn vợ cho vợ phục, mà nó đã được kết nạp vào Đảng đâu. Dù chưa biết có trúng cử không nhưng được ứng cử là bà đã thấy nó giỏi lắm rồi. Bà tự hào về nó. Thằng Tuấn chọn cho bà đứa con dâu đúng là không chê vào đâu được. Ngay từ cái món trà hoa gạo ngày đầu nó về nấu cho bà uống bà đã thấy ưng.
Tắt điện thoại, bà Ngoan nhìn ra ngoài cổng. Chiều muộn chợt hửng nắng. Vòm cây gạo như một đài lửa đỏ rực lưng trời. Ở ngoài kia, con dâu bà cùng những đồng nghiệp của nó như từng bông gạo đang cháy lên hết mình giữa trời tháng Ba này.
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.