Đưa nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ
- Cập nhật: Thứ tư, 16/3/2022 | 7:50:19 AM
Những người trẻ thực hiện dự án "Trường ca kịch viện" đã chuyển tải nhiều câu chuyện vừa có giá trị giáo dục vừa mang tính giải trí
Mục “Thể loại” trên website “Trường ca kịch viện” giới thiệu đầy đủ các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu cổ truyền Việt Nam
|
Thời gian qua, một website trên nền tảng Urbanist được thành lập không lâu nhưng đã thu hút hơn 80.000 lượt xem. Trong đó, fanpage dự án "Trường ca kịch viện" dù chỉ mới hơn 4.000 người theo dõi nhưng có hàng trăm lượt tương tác. Dù những con số này chưa là gì so với dự tính của dự án về giải trí khai thác nền tảng số nhưng với "Trường ca kịch viện", những người thế hệ 9X đã từng bước tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần gìn giữ và lan tỏa mô hình cùng lưu truyền nét đẹp của nghệ thuật truyền thống.
Chung niềm đam mê
Mô hình thực hiện các website quảng bá về nghệ thuật truyền thống không mới. Thế nhưng, với "Trường ca kịch viện", những bài nghiên cứu được đầu tư công phu về nét đẹp văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, kể cả những video về gánh hàng rong ẩn sâu trong ngõ nhỏ, đã tạo hiệu ứng đồng bộ, đưa giới trẻ đến gần hơn các bộ môn sân khấu truyền thống.
Với mục đích thành lập một chuyên trang đời sống online, khai thác các đề tài ẩm thực, xã hội, thời trang, lịch sử, văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, "Trường ca kịch viện" đã chào đón nhiều bạn trẻ cùng tham gia. Anh Nguyễn Hữu Dương - đồng sáng lập, cựu trưởng ban tổ chức "Trường ca kịch viện" - cho biết trước đây, khi du học tại Úc, dù mê nhạc kịch nhưng hiểu biết của anh về nghệ thuật nước nhà rất ít. Từ đó, Dương đã tìm hiểu và nhận ra nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam rất hấp dẫn, phong phú, đa dạng và nhân văn.
Thế là dự án "Trường ca kịch viện" ra đời, ban đầu là các học sinh, sinh viên tham gia nhằm cùng tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam. Dự án được khởi động từ năm 2020, dù đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát nhưng nhóm đã tìm mọi cách để vận hành và tiếp cận đông đảo người trẻ cùng yêu thích sân khấu.
Ngoài các bài viết, hình ảnh hấp dẫn, sinh động, dự án còn tổ chức triển lãm trực tuyến qua website và fanpage. Đầu năm 2021, "Trường ca kịch viện" hợp tác với dự án nghệ thuật gây quỹ trẻ Espelune tổ chức một triển lãm kết hợp chiếu phim tại TP Hà Nội. Cùng năm, nhóm "Trường ca kịch viện" đã tổ chức chương trình "Sống với văn hóa dân gian" trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2021. Năm 2022, một chương trình được "Trường ca kịch viện" ấp ủ và lên kế hoạch thực hiện là tổ chức triển lãm nghệ thuật kết nối những tâm hồn đam mê sân khấu và văn hóa dân gian Việt Nam.
Theo NSƯT Xuân Hinh, giai đoạn đầu, "Trường ca kịch viện" còn bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn do đa phần các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án văn hóa. Song, khi được các nhà chuyên môn tiếp sức và có nhiều nghệ sĩ tư vấn, càng ngày càng nhiều người theo dõi, ủng hộ nhiệt tình dự án này. "Các bạn trẻ đến từ mọi miền đất nước đã có chung niềm đam mê văn hóa - nghệ thuật dân tộc để làm tốt công việc lan tỏa cần thiết cho sân khấu Việt Nam" - NSƯT Xuân Hinh nhận xét.
Vừa được học vừa được xem
NSƯT Lê Thiện cho rằng "Trường ca kịch viện" đã biết cách truyền thông trên không gian mạng để giới trẻ không chỉ được học mà còn có thể xem nghệ thuật biểu diễn truyền thống ngay tại nhà. "Nhà hát Trần Hữu Trang và Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM cũng từng làm như thế và tạo được hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, nếu "Trường ca kịch viện" tạo được sự liên kết rộng hơn thì sẽ tích hợp được nhiều nguồn thông tin, cung cấp cho người xem hiểu hơn về giá trị độc đáo của sân khấu Việt Nam" - NSƯT Lê Thiện góp ý.
Thực tế, "Trường ca kịch viện" đã xác định yếu tố tiên quyết là phải tạo sự gần gũi với giới trẻ. Từ nội dung đến hình thức thể hiện, dù mang chủ đề gì vẫn cần giải đáp đầy đủ những thắc mắc của người xem, đồng thời cung cấp kiến thức, giới thiệu rõ hơn về giá trị nhân văn và kỹ thuật chuyên môn để dự án tìm được sự đồng cảm, đạt được mục đích cùng giữ gìn nét đẹp của nghệ thuật truyền thống.
"Trường ca kịch viện" đã nghiên cứu, tổng hợp được nhiều tư liệu về các bộ môn nghệ thuật truyền thống: rối nước, chèo, cải lương, dân ca quan họ, hát xẩm, tuồng, chầu văn, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ… Từ không gian mạng, "Trường ca kịch viện" đã kết nối, hợp tác với các nhóm có chung mục tiêu bảo tồn nghệ thuật truyền thống với các dự án: "Chèo 48H", "XplusX Studio", "Sáng kiến văn hóa Việt Nam"…
Hiện tại, website "Trường ca kịch viện" có 3 mục chính: Thể loại, Triển lãm, Bài viết. Trong đó, đông đảo người xem đã truy cập "Thể loại" để nắm bắt kiến thức cơ bản về 7 loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu cổ truyền. Ở không gian "Triển lãm", các đề tài trưng bày đã cung cấp cho khán giả những bộ sưu tập hình ảnh - video trực quan, cuốn hút. Mục "Bài viết" với những tiêu điểm văn hóa được đầu tư chăm chút về nội dung sẽ đáp ứng yêu cầu cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn.
Nói về những khó khăn và thuận lợi khi khai thác mảng đề tài vừa rộng vừa sâu này, đại diện "Trường ca kịch viện" tự tin khẳng định không có giới hạn nào đối với tuổi tác và sự cống hiến. Điều quan trọng là cách hiện thực hóa và lan truyền những giá trị nhân văn, tích cực và "Trường ca kịch viện" đang từng bước thực hiện điều này, để đưa khán giả trẻ đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng nếu được cơ quan chức năng hỗ trợ để đưa vào học đường, "Trường ca kịch viện" sẽ kết nối nguồn kiến thức trên không gian mạng với yếu tố thị giác nhằm trực quan hóa nguồn kiến thức đó, đồng thời phát triển sâu rộng hơn hình thức biểu diễn trực tuyến, tương tác với học sinh - sinh viên. Đây là một trong những hướng đi cần thiết nhằm góp phần giữ gìn, lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Hiện tại, ban điều hành dự án "Trường ca kịch viện" hoạt động theo hình thức nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ sẽ là một đội ngũ mới.
Theo NSƯT Xuân Hinh, cách làm này rất tiến bộ, kỳ vọng giới trẻ sẽ hợp lực để làm mới và làm tốt công việc quảng bá nghệ thuật dân tộc.
Theo BGTV (NQ)
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.