Nhạc sĩ Hồng Ðăng "vẫn hát những lời yêu thương"
- Cập nhật: Thứ năm, 24/3/2022 | 2:27:55 PM
Nhạc sĩ Hồng Ðăng tên thật là Phan Hồng Ðăng, sinh ngày 1 tháng 1 năm 1936 tại huyện Yên Thành (Nghệ An), nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. "Cha đẻ" của những ca khúc nổi tiếng như "Hoa sữa", "Biển hát chiều nay", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"... đã ra đi lúc 5 giờ 57 phút ngày 21/3/2022 tại Bệnh viện Hữu Nghị, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng bạn bè, công chúng mến mộ.
|
Nhạc sĩ Hồng Ðăng là cháu ruột của nhà cách mạng Phan Ðăng Lưu. Lớn lên trong một gia đình trí thức xứ Nghệ, Hồng Ðăng bước chân vào đời với tâm thế của một người không ngừng học hỏi, cống hiến. Ông sớm đi theo âm nhạc, đã bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên khi còn là học sinh kháng chiến ở liên khu IV với những ca khúc đầu tay như "Nắng về Tây Bắc", "Nhớ ơn cụ Hồ"... Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại, Hồng Ðăng về Hà Nội và bắt đầu đi theo âm nhạc chuyên nghiệp. Ông là học viên của lớp học sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Rồi ông ở lại làm công tác giảng dạy, trở thành người thầy của những nhạc sĩ tên tuổi sau này như Tôn Thất Lập, Thuận Yến, Trần Long Ẩn, Phú Quang...
Sáng tác của Hồng Ðăng rất đa dạng từ khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu đến ca khúc và ở mỗi thể loại ông đều có thành tựu. Hồng Ðăng đã viết nhạc cho khoảng 70 bộ phim. Theo nhạc sĩ Cát Vận, thì đó là một "kỳ tích", bởi viết nhạc cho phim rất khó, phải am hiểu về âm nhạc và điện ảnh, phải có kiến thức sâu rộng về đời sống. Ðiều này giải thích vì sao Hồng Ðăng là nhạc sĩ đầu tiên trở thành hội viên Hội Ðiện ảnh Việt Nam.
Rất nhiều ca khúc viết cho phim của nhạc sĩ Hồng Ðăng đã xuất sắc vượt ra khỏi đời sống của một bộ phim để đứng vững trong đời sống âm nhạc, với tư cách là một tác phẩm độc lập, chẳng hạn như "Hoa sữa". Khởi đầu là ca khúc viết cho phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" của đạo diễn Ðức Hoàn, nhưng sau đó, được nhiều ca sĩ tên tuổi từ bắc tới nam như Lê Dung, Nhã Phương, Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương... yêu mến thể hiện, và trở thành một "hiện tượng" trong đời sống nhạc nhẹ thập niên 80 của thế kỷ XX. "Hoa sữa" giản dị, mộc mạc, trong sáng trong ca từ nhưng thấm đẫm một tình yêu của người nghệ sĩ dành cho Hà Nội-nơi không sinh ra Hồng Ðăng nhưng là vùng đất cho tâm hồn nghệ thuật của ông cất cánh.
Vốn từ lâu đã có trên phố phường Hà Nội, nhưng phải đến khi ca khúc mang tên "Hoa sữa" được phổ biến thì loài hoa này mới thật sự đóng dấu một thương hiệu không thể tách rời, tỏa hương đậm đà trong văn hóa Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà "Hoa sữa" được đánh giá là một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Hồng Ðăng được trao giải thưởng lớn-Giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội (năm 2020) với chùm ca khúc "Hoa sữa", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", "Lênh đênh".
Ngoài chủ đề Hà Nội, một chủ đề khác trong âm nhạc được Hồng Ðăng viết nhiều, đó là biển. Bởi là người con xứ Nghệ, có tuổi thơ lang thang theo cha khắp các vùng ven biển miền trung, Hồng Ðăng đã sẵn có biển trong tâm hồn, để khi ông bước vào sáng tác, biển đã "hát lên" một cách tự nhiên không cần phải cố gắng. "Biển hát chiều nay" là một ca khúc tiêu biểu không chỉ trong sự nghiệp âm nhạc của Hồng Ðăng, mà còn của cả nền âm nhạc Việt Nam, ở chủ đề này. Nhạc sĩ từng tâm sự: "Tôi viết "Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam" rất đỗi tự hào như thế, là cảm xúc mãnh liệt khi được đi dọc bờ biển từ bắc chí nam, thấy biển quê ta đẹp nức lòng. Ca khúc này có thể được hát lên bất kỳ lúc nào khi người ta nghĩ về biển, quê hương đất nước, hay đơn giản người ta muốn hát để thể hiện tình đồng đội, tình người trong đời sống". "Biển hát chiều nay", cùng với các tác phẩm "Hoa sữa", "Quà tháng năm", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", và hợp xướng "Lửa rực cháy" đã mang về cho nhạc sĩ Hồng Ðăng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2001.
Nhạc sĩ Hồng Ðăng để lại một gia tài khoảng 700 ca khúc. Chỉ tiếc một điều, vì không có điều kiện, cho đến khi ông ra đi, mới chỉ có một phần rất nhỏ những ca khúc đó được vang lên. Phần lớn những ca khúc nhạc sĩ viết ra hiện vẫn còn trong im lặng, chờ được khám phá. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, nhạc sĩ cũng mới chỉ thực hiện được một số đĩa nhạc và một liveshow riêng mang tên "Lênh đênh biển".
Trong những năm tháng giữ cương vị quản lý phụ trách chuyên môn ở Hội Nhạc sĩ, rồi Tạp chí Âm nhạc, Hồng Ðăng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với anh em nghệ sĩ, đồng nghiệp. Ông có cái nhìn cởi mở, khích lệ sáng tác của các nhạc sĩ, luôn được thế hệ sau xem như người thầy lớn. Thời điểm những năm bắt đầu đổi mới, với tư cách đứng đầu công tác chuyên môn ở hội nghề nghiệp, nhạc sĩ Hồng Ðăng đã không ngại ngần bảo vệ cái mới, nâng đỡ các tài năng trẻ mới bắt đầu con đường nghệ thuật. Ông tỏ rõ là một người "thủ lĩnh" ủng hộ các khuynh hướng sáng tạo, với ý thức đưa âm nhạc Việt Nam dần hội nhập vào thế giới. Dấu ấn đậm nét nhất là thời điểm năm 1994, ông đã cùng với một số nhạc sĩ trẻ "dám" tổ chức một chương trình tầm cỡ: "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam". Không chỉ tại thời điểm đó, mà cho đến nay, chương trình tổng kết hoành tráng bốn đêm nhạc tại Nhà hát Lớn vẫn là một dấu son mỗi khi nhìn lại lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Mặc dù "tả xung hữu đột" như vậy, nhưng Hồng Ðăng chưa khi nào dư dả về vật chất. Có thể nói, nhạc sĩ đã sống thanh bạch một đời. Ông luôn giữ niềm vui, niềm lạc quan, không khi nào đắng cay, than vãn, dù cho không ít người nhận định rằng với những đóng góp lớn cho âm nhạc nước nhà, lẽ ra ông phải được nhận nhiều hơn những gì đang có. Dù không dư dả nhưng ông đối đãi với bạn bè luôn rộng rãi, hào hiệp, thích tặng quà, thích mang niềm vui nho nhỏ cho những người ông gặp.
Nhạc sĩ Hồng Ðăng trút hơi thở cuối cùng trong một sáng mùa xuân. Tiễn ông giây phút ấy không có "hoa sữa ngọt ngào đầu phố", không có tiếng ve "trên đường phố quen", chỉ có mưa xuân và hương bưởi thơm trên những gánh hàng rong đầu con ngõ nhỏ phố Hồng Hà, khu nhà của vợ chồng ông đang ở. Nhưng chắc chắn một điều rằng, người Hà Nội vẫn nhắc tên ông mỗi mùa thu hoa sữa trở về, mỗi mùa hè tiếng ve xao xuyến đến. Và biển Việt Nam bốn mùa "vẫn nhắc những lời yêu thương", cảm ơn vì những giai điệu vô cùng đẹp đẽ mà người nghệ sĩ đã gửi lại cho cuộc đời.
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.