Tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam - Bài 2: Văn hóa các dân tộc tạo nên bản sắc Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2022 | 5:25:01 PM
Kho tàng văn hóa 54 dân tộc đã tạo nên bản sắc cho văn hóa Việt Nam, tạo ra những đặc trưng riêng, dấu ấn, điểm nhấn sâu sắc cho nước ta trong bối cảnh giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.
Phụ nữ Tây Nguyên giữ nghề dệt thổ cẩm để bảo tồn văn hóa dân tộc. Ảnh minh họa: Hồng Điệp/TTXVN
|
Những người yêu thích, mê đắm văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số đều ví von đó như một cánh cửa mở ra những khám phá lý thú, càng tìm hiểu càng say mê và càng mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị của bản sắc văn hóa Việt.
Thổ cẩm, văn hóa Việt trong "Dòng chảy bất tận”
Hoa văn thổ cẩm trên vải dệt thủ công của đồng bào các dân tộc đã làm nhiều nhà thiết kế thời trang trong nước, quốc tế "mê mệt” bởi sự độc đáo, thú vị riêng có. Nhiều bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ thổ cẩm đã vươn ra thế giới một cách sống động, góp phần tôn vinh văn hóa Việt.
Mới đây, chương trình nghệ thuật "Dòng chảy bất tận” (The Eternal Flow) diễn ra tại Ngày Quốc gia Việt Nam ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất- UAE), sắc màu thổ cẩm Việt đã thu hút nhiều du khách, bạn bè quốc tế qua những thiết kế thời trang ấn tượng, độc đáo, hòa nhập được xu hướng thời trang quốc tế.
Nhà thiết kế Lý Quí Khánh trình làng bộ sưu tập thời trang cao cấp mang tên "Hái mơ” với 30 thiết kế sang trọng được anh thực hiện trên chất liệu thổ cẩm. Các mẫu xuất gồm đủ các kiểu dáng từ dạ hội, đầm dự tiệc được ê kíp gồm nhiều nghệ nhân, thợ may làm hoàn toàn thủ công từ khâu dệt vải đến lên phom dáng, đính kết… Ngoài thổ cẩm, các thiết kế còn kết hợp thêm nhiều chất liệu khác như nhung, lụa, đính kèm phụ kiện… để tạo nên những bộ trang phục tinh tế, thu hút nhất.
Nhà thiết kế Lý Quí Khánh chia sẻ "Hái mơ” là một bộ sưu tập đặc biệt vì đây không đơn thuần chỉ là tác phẩm thời trang mà còn mang ý nghĩa đại diện cho văn hóa nước nhà. Thông qua "Hái mơ”, anh mong muốn đem những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt Nam lan tỏa đến bạn bè thế giới. Trong các thiết kế của Lý Quí Khánh, anh làm mới hình ảnh của chất liệu thổ cẩm bằng cách nhuộm màu nhưng vẫn giữ nguyên các hoạt tiết hoa văn. Anh đã thực hiện bộ sưu tập này trong 7 tháng với 60 mẫu phác thảo để lựa chọn ra 30 mẫu ưng ý nhất thực hiện "Hái mơ”. Có mẫu, Lý Quí Khánh chỉnh sửa làm lại nhiều lần cho đến sát ngày lên đường sang Dubai.
Về tên gọi "Hái mơ", Nhà thiết kế Lý Quí Khánh nói có hai ý nghĩa. Đó là hình ảnh của các cô gái dân tộc với trang phục rực rỡ xuất hiện buổi sớm mai trên nương đồi. "Hái mơ” còn có ý nghĩa là các nhà thiết kế, kết hợp cùng nghệ nhân và doanh nghiệp cùng nỗ lực, chung tay mở đường cho thời trang Việt Nam vươn tầm thế giới.
Cùng với Lý Quí Khánh, trong ngày Việt Nam còn có phần giới thiệu bộ sưu tập "Những mảnh ghép Việt Nam” (Mosaics of Vienam) của cố Nhà thiết kế Diego với thương hiệu Chula. Nhà thiết kế Diego là người Tây Ban Nha, anh sinh sống ở Việt Nam đã nhiều năm nhưng đã đột ngột qua đời do đột quỵ vào tháng 10/2021 ở Hà Nội. Trước đó, Nhà thiết kế Diego đã kịp hoàn thành hơn 30 mẫu thiết kế thổ cẩm để trình diễn trong "Dòng chảy bất tận”.
"Những mảnh ghép Việt Nam” thể hiện tâm huyết, tình yêu của Diego với văn hóa Việt Nam – đất nước mà vợ chồng ông coi như quê hương thứ 2. Các mẫu thiết kế của ông có sự hòa trộn tổng thể các họa tiết, chất liệu của nhiều dân tộc nước ta như Tày, Mường, Bru, Cơtu, Thái, Mông, Hre, Mnong, Mạ... Nhà thiết kế Diego đi rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, tìm hiểu bản sắc văn hóa của từng vùng miền, tìm tòi những chất liệu đặc trưng của nhiều dân tộc...
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, "Dòng chảy bất tận” là chương trình nghệ thuật quy mô với số lượng diễn viên tham dự tại nước ngoài đông nhất từ trước tới nay. Chương trình có chất lượng nghệ thuật cao, góp phần giới thiệu những nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của Việt Nam từ hoa văn thổ cẩm của 54 dân tộc Việt Nam; các bộ môn nghệ thuật như quan họ, cồng chiêng, múa sạp đến các loại nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, t’rưng, trống… đến với bạn bè quốc tế. "Dòng chảy bất tận” có sự giao thoa, góp phần đưa những giá trị truyền thống hòa quyện với đời sống hiện đại bằng những giai điệu, điệu múa, nghệ thuật xiếc, thời trang, nhằm đưa khán giả thế giới tới gần hơn với đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.
Không để kho tàng văn hóa dân tộc "nằm im”
Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 đã diễn ra vào tháng 3/2022 tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tại đây, đồng bào các dân tộc ở cả 3 miền đất nước đã cống hiến những màn trình diễn văn hóa đắc sắc, thể hiện rõ nét những tinh túy của nghệ thuật truyền thống.
Liên hoan được coi là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa lớn nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), không gian Diễn xướng mở ra ánh lửa bập bùng ẩn hiện quanh nếp nhà sàn đâu đó của miền trời Đông Bắc, Tây Bắc, qua các huyện Quan Sơn, Bá Thước (Thanh Hóa), Anh Sơn, Kỳ Sơn (Nghệ An), Đak Rông (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên - Huế) rồi đến những mái ngói thâm nâu nơi làng quê châu thổ sông Hồng, chứa đựng biết bao trầm tích về văn hóa dân gian.
Các tiết mục "Lễ cấp sắc” đoàn Tuyên Quang; "Mừng nhà mới” đoàn Nghệ An; "Lễ hội chạy gió” đoàn Bắc Ninh; "Đào lý một cành” đoàn Hải Dương; "Cô đôi thượng ngàn” đoàn Vĩnh Phúc; "Xẩm chợ” đoàn Hà Nam; "Tục cưới hỏi người Thái” đoàn Thanh Hóa; "Lễ cúng gọi hồn” đoàn Quảng Trị; "Rước cây nêu” đoàn Thừa Thiên - Huế… đã cho ta mỗi nơi có một phong tục tập quán mà dù có đi, trải nghiệm nhiều cũng khó lòng kể hết.
Lễ cấp sắc cho người con trai từ tuổi vị thành niên của đồng bào Dao Tây Bắc. Ảnh tư liệu: Minh Đức
Đó chính là tính hiện hữu, giản dị đến tự nhiên của các nghi lễ mừng cơm mới, lễ cấp sắc cùng những tập quán chợ phiên, lễ xuống đồng và đỉnh cao là văn hóa trang phục, ẩm thực được gửi gắm qua những câu tục ngữ, hát ru, hát đố, hát yếu… kèm theo những câu chuyện cổ tích huyền thoại của cộng đồng các dân tộc: Dao, Tày, Mông, Thái, Pa Kô, Vân Kiều, Kinh… Ở đó có sự hòa điệu giữa vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên cùng với gốc văn hóa đậm đà bản sắc riêng có.
Phần trình diễn các tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội đã khắc họa những tín ngưỡng đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc thiểu số tham dự, đảm bảo được tính nguyên bản vốn có. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên cộng đồng các dân tộc thiểu số trình diễn một số loại nhạc cụ bị hạn chế bởi các tập tục. Những điệu nhảy dân ca, dân vũ và trang phục truyền thống của đồng bào đã tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kỳ vọng Liên hoan tiếp theo sẽ đón nhận thêm nhiều nét tươi mới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, trước sự bùng nổ của mạng internet và hội nhập quốc tế nhanh chóng như hiện nay, văn học nghệ thuật nói chung, văn hóa, văn nghệ dân gian nói riêng đang đối mặt với nguy cơ mai một, thậm chí biến mất. Nhiều bạn trẻ người dân tộc dường như không còn mặn mà với văn hóa, không mặc trang phục, nói tiếng của đồng bào mình, không biết chơi các loại nhạc cụ dân tộc...
Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: Việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc không thể một sớm một chiều mà phải kiên trì trong thời gian dài. Cần đánh thức, kêu gọi lòng tự hào dân tộc để mỗi người dân tự nguyện tham gia bảo tồn di sản, tạo ra sức sống nội sinh làm nên bản sắc của mỗi dân tộc. Liên hoan, hội thi chỉ là một trong những biện pháp nghiệp vụ, cần khuyến khích các hoạt động văn hóa tại địa phương thông qua các lễ thức vòng đời ở mỗi gia đình, lễ nghi nông nghiệp của buôn làng; tăng cường giảng dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc trong cộng đồng. Bởi lẽ, muốn giữ được những nét đặc sắc nhất trong văn hóa của các dân tộc, chính đồng bào cần tổ chức truyền dạy, phục dựng, thể hiện ngay trong sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng...
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: Để gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng trong quá trình phát triển đất nước. Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng, là động lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển đất nước. Nhận thức này cần phải được thấm nhuần sâu rộng trong toàn bộ xã hội, cụ thể là trong mỗi lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước....
Bài cuối: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Các tin khác
Sau 4 ngày diễn ra, tối 20/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024 với sự tham dự của 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ gần 40 tỉnh, thành phố.
Đó là chủ đề rất ý nghĩa của chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận hùng tráng, xúc động tại Hoàng thành Thăng Long tối 18-11, ngợi ca lịch sử dựng nước và giữ nước rất đáng tự hào của dân tộc ta, từ thuở các vua Hùng dựng nước tới ngày nay.
Điện thoại đổ chuông, màn hình hiện số lạ, ông không nghe. Hồi chuông đổ dài, chấm dứt. Mấy giây sau, vẫn số ấy gọi. Ông vẫn không nghe. Dạo này lừa đảo qua mạng, qua điện thoại nhiều lắm, chả dại dính vào. Nhưng đến lần thứ 3 thì ông thận trọng kết nối nhưng không vội lên tiếng.
Tối 17/11, tại Nhà hát Phạm Thị Trân, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024.